VNReport»Top»9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam

9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam

08:16 - 24/08/2023

HSBC Việt Nam là ngân hàng ngoại lớn nhất tính theo tổng tài sản.

Hiện tại, có 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam, bao gồm 1 ngân hàng từ Úc, 3 từ Malaysia, 2 từ Anh, 2 từ Hàn Quốc và 1 từ Singapore.

Các ngân hàng ngoại hầu hết không thúc đẩy cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng nội mà tập trung vào những ưu thế của mình trong các dịch vụ như ngân hàng đầu tư hay dịch vụ cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam.

Những ngân hàng 100% vốn nước ngoài lớn nhất như HSBC Việt Nam và Shinhan Việt Nam có quy mô tài sản tương đương với những ngân hàng nội hạng trung như OCB hay Eximbank. Trong khi đó, những ngân hàng nhỏ nhất như Hong Leong Việt Nam và CIMB Việt Nam có quy mô tài sản chưa đến 10.000 tỷ đồng.

  1. ANZ Việt Nam

ANZ là một trong những ngân hàng nước ngoài đầu tiên hoạt động tại Việt Nam năm 1993. Vào năm 2008, tập đoàn có trụ sở tại Úc được cấp phép thành lập ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam. ANZ hiện có mặt tại Hà Nội và TP HCM, đăng ký địa chỉ tại tòa nhà Capital Place ở Hà Nội.

Theo dữ liệu của NHNN, ANZ Việt Nam có vốn điều lệ 4.511,9 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến cuối năm 2022 của ngân hàng này là 37.891 tỷ đồng, với lợi nhuận trước thuế đạt 634 tỷ đồng trong năm ngoái.

  1. Hong Leong Việt Nam

Hong Leong là ngân hàng có trụ sở chính tại Kuala Lumpur, Malaysia, đồng thời có hiện diện tại các nước khác như Singapore, Hong Kong, Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam. Ở Việt Nam, Hong Leong được NHNN cấp giấy phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài vào tháng 12/2008. Hong Leong Việt Nam đăng ký địa chỉ tại tòa nhà Centec, TP HCM và cũng có chi nhánh tại Hà Nội.

Vốn điều lệ của Hong Leong Việt Nam là 3.000 tỷ đồng. Tổng tài sản vào cuối năm 2020 của ngân hàng này là gần 10.000 tỷ đồng.

  1. HSBC Việt Nam

HSBC – có trụ sở tại London, Anh – là một trong những tổ chức dịch vụ tài chính và ngân hàng lớn nhất thế giới, phục vụ khoảng 39 triệu khách hàng với mạng lưới 62 quốc gia.

Ở Việt Nam, HSBC mở văn phòng đầu tiên tại Sài Gòn vào năm 1870. Đến năm 1995, ngân hàng này trở lại Việt Nam thông qua một chi nhánh ở TP HCM. Năm 2009, HSBC được cấp phép thành lập ngân hàng con.

Địa chỉ đăng ký của HSBC là tòa nhà Metropolitan ở TP HCM. Ngân hàng có vốn điều lệ 7.528 tỷ đồng, với tổng tài sản cuối năm 2022 là 198.614 tỷ đồng, lớn nhất trong số 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam. Lợi nhuận trước thuế năm ngoái của HSBC Việt Nam là 4.632 tỷ đồng.

  1. Shinhan Việt Nam

Shinhan là ngân hàng từ Hàn Quốc với sự hiện diện tại 20 quốc gia và mạng lưới 168 chi nhánh/phòng giao dịch. Việt Nam là một trong 6 thị trường Đông Nam Á mà Shinhan đang hoạt động.

Ngân hàng này có văn phòng đại diện đầu tiên tại TP HCM vào năm 1993, mở chi nhánh ở đây vào năm 1995. Đến năm 2009, ngân hàng Shinhan Việt Nam được thành lập, với mạng lưới tính đến năm 2022 gồm 46 chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn quốc.

Shinhan Việt Nam đăng ký địa chỉ ở tòa nhà Empress, TP HCM, vốn điều lệ 5.709,9 tỷ đồng. Sau HSBC, đây là ngân hàng ngoại có tổng tài sản nhiều thứ hai, đạt 176.960 tỷ đồng vào ngày 31/12/2022. Nhưng Shinhan vượt HSBC về lợi nhuận trước thuế với 4.662 tỷ đồng trong năm ngoái.

  1. Standard Chartered Việt Nam

Standard Chartered có trụ sở tại London, Anh, hiện diện tại 54 thị trường trên toàn cầu. Ở Việt Nam, Standard Chartered từng mở chi nhánh tại Sài Gòn vào năm 1904. Tháng 8/2009, ngân hàng 100% vốn nước ngoài Standard Chartered Việt Nam chính thức đi vào hoạt động.

Hiện tại, Standard Chartered Việt Nam có 4 chi nhánh gồm 2 tại Hà Nội và 2 ở TP HCM. Trụ sở chính của ngân hàng đặt tại tòa nhà Capital Place ở Hà Nội. Vốn điều lệ đăng ký là 6.954,9 tỷ đồng. Tổng tài sản vào cuối năm 2020 của ngân hàng này là gần 60.000 tỷ đồng.

  1. Public Bank Việt Nam

Public Bank là ngân hàng thứ hai của Malaysia mở ngân hàng con ở Việt Nam, sau Hong Leong. Public Bank Việt Nam được cấp giấy phép thành lập vào tháng 3/2016, với địa chỉ tại tòa nhà Hanoi Tungshing Square, Hà Nội.

Mạng lưới của Public Bank Việt Nam gồm 21 chi nhánh và 12 phòng giao dịch ở 9 tỉnh thành. Ngân hàng này có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng và sử dụng hơn 1.000 nhân viên. Tổng tài sản vào cuối năm ngoái là 42.424 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt hơn 580 tỷ đồng.

  1. CIMB Việt Nam

Một ngân hàng khác từ Malaysia, CIMB có mặt tại 7 thị trường Đông Nam Á. Ở Việt Nam, CIMB nhận giấy phép mở ngân hàng 100% vốn nước ngoài vào tháng 8/2016 và đặt trụ sở chính tại tòa nhà Cornerstone, Hà Nội.

CIMB Việt Nam có vốn điều lệ 3.698,2 tỷ đồng. Xét theo tổng tài sản, CIMB có quy mô nhỏ nhất trong số 9 ngân hàng ngoại tại Việt Nam với chỉ 7.443 tỷ đồng tính đến hết năm ngoái. Ngân hàng này cũng lô trước thuế 195 tỷ đồng trong năm 2022.

  1. Woori Việt Nam

Woori là ngân hàng lâu đời nhất của Hàn Quốc với tuổi đời hơn 120 năm. Ngân hàng này có mặt lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1997, đến năm 2017 thì thành lập ngân hàng con với hội sở tại tòa nhà Keangnam Landmark, Hà Nội.

Năm 2020, Woori Việt Nam được chấp thuận nâng tổng vốn điều lệ lên 7.700 tỷ đồng – con số cao nhất trong 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam. Ngân hàng này hiện có 15 chi nhánh và 6 phòng giao dịch. Tổng tài sản của Woori Việt Nam đến hết năm 2021 là 56.276 tỷ đồng.

  1. UOB Việt Nam

UOB là một trong những ngân hàng lớn nhất ở Đông Nam Á, có trụ sở tại Singapore. UOB có mạng lưới toàn cầu gồm hơn 500 văn phòng tại 19 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Mỹ.

UOB mở văn phòng đại diện đầu tiên tại Việt Nam từ năm 1993. Ngày 6/8/2018, họ thành lập ngân hàng UOB Việt Nam 100% vốn nước ngoài, là ngân hàng con thứ 5 của tập đoàn tại châu Á. Ngân hàng này đang có 5 chi nhánh, 3 ở TP HCM và 2 ở Hà Nội.

Địa chỉ đăng ký kinh doanh của UOB là tòa nhà Central Plaza, TP HCM với vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến cuối năm 2019 của UOB Việt Nam đạt hơn 45.000 tỷ đồng.