VNReport»Top»9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân

9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân

16:20 - 09/08/2022

Tính đến nay, đã có 8 quốc gia tuyên bố thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, mặc dù không tuyên bố công khai, Israel cũng được cho là sở hữu loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này.

Từ khi được thử nghiệm thành công lần đầu vào năm 1945, đến nay, 8 quốc gia đã tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong đó, 5 nước tham gia vào Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân là Mỹ, Nga (hậu duệ của Liên Xô), Anh, Pháp và Trung Quốc

Kể từ khi hiệp ước đó có hiệu lực vào năm 1970, 3 nước đã công khai thử nghiệm vũ khí hạt nhân gồm Ấn Độ, Pakistan và Triểu Tiên. Israel cũng được cho là có vũ khí hạt nhân, mặc dù không thừa nhận hay phủ nhận điều này. Cũng có các nước từng sở hữu vũ khí hạt nhân như Nam Phi và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ gồm Belarus, Kazakhstan và Ukraine.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, tổng kho vũ khí hạt nhân toàn cầu là 13.080 tính đến năm 2021.

  1. Mỹ

Mỹ phát triển những vũ khí hạt nhân đầu tiên trong Chiến tranh Thế giới thứ hai với sự hợp tác của Anh và Canada trong khuôn khổ Dự án Manhattan. Nước này thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên vào ngày 16/7/1945, và là quốc gia duy nhất từng sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh, tàn phá các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản.

Mỹ cũng là nước đầu tiên phát triển bom nhiệt hạch, thử nghiệm nguyên mẫu lần đầu tiên vào năm 1952 và vũ khí nhiệt hạch lần đầu vào năm 1954. Trong suốt Chiến tranh Lạnh, nước này tiếp tục hiện đại hóa và mở rộng kho vũ khí hạt nhân, nhưng từ năm 1992 trở đi thì chỉ duy trì những vũ khí cũ. Kho vũ khí hạt nhân của Mỹ từng chứa 31.175 đầu đạn vào năm 1966, trong thời Chiến tranh Lạnh. Thời kỳ đó chứng kiến Mỹ chế tạo khoảng 70.000 đầu đạn hạt nhân, nhiều hơn tất cả các quốc gia có vũ khí hạt nhân khác cộng lại.

  1. Nga

Nước tiền thân của Nga, Liên Xô, thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên của mình vào năm 1949. Dự án này được phát triển một phần với thông tin thu được thông qua hoạt động gián điệp trong và sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Liên Xô là nước thứ hai phát triển và thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân. Động lực trực tiếp cho dự án phát triển vũ khí hạt nhân của Liên Xô là nhằm đạt được sự cân bằng quyền lực trong Chiến tranh Lạnh.

Nước này thử nghiệm quả bom nhiệt hạch tầm megaton (đương lượng nổ tương đương 1 triệu tấn thuốc nổ TNT) đầu tiên của mình vào năm 1955. Liên Xô cũng đã từng thử nghiệm thiết bị nổ mạnh nhất từng được con người kích nổ, Tsar Bomba, với đương lượng nổ lý thuyết là 100 megaton, được giảm một cách có chủ ý xuống 50 megaton. Sau khi giải thể vào năm 1991, vũ khí của Liên Xô chính thức thuộc quyền sở hữu của Liên bang Nga. Thời kỳ đỉnh (năm 1986), kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô chứa khoảng 45.000 đầu đạn. Liên Xô đã chế tạo khoảng 55.000 đầu đạn hạt nhân kể từ năm 1949.

  1. Anh

Anh thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên của mình vào năm 1952. Đây là quốc gia đã cung cấp một số kết quả nghiên cứu ban đầu để hình thành bom nguyên tử, hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Canada trong Dự án Manhattan, nhưng phải phát triển phương pháp riêng để chế tạo và kích nổ bom do Mỹ giữ bí mật từ sau năm 1945. Anh là nước thứ 3 trên thế giới – sau Mỹ và Liên Xô – phát triển và thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Chương trình của nước này nhằm tạo ra một biện pháp răn đe chống lại Liên Xô độc lập với Mỹ, đồng thời duy trì vị thế cường quốc của Anh. Nước này thử nghiệm quả bom nhiệt hạch đầu tiên vào năm 1957, trở thành quốc gia thứ 3 làm được điều này sau Mỹ và Liên Xô.

Quân đội Anh duy trì một hạm đội máy bay ném bom chiến lược và tàu ngầm tên lửa đạn đạo được trang bị vũ khí hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh. Hải quân Hoàng gia Anh hiện duy trì một hạm đội 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo được trang bị tên lửa có đầu đạn hạt nhân. Vào năm 2016, Hạ viện Anh bỏ phiếu để đổi mới hệ thống vũ khí hạt nhân của Anh với một lớp tàu ngầm mới, mà không ấn định ngày thay thế hệ thống cũ.

  1. Pháp

Pháp thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên vào năm 1960, chủ yếu dựa trên nghiên cứu của chính họ. Dự án được thúc đẩy bởi căng thẳng ngoại giao của Cuộc khủng hoảng Suez liên quan đến cả Liên Xô, Mỹ và Anh. Dự án cũng liên quan đến nỗ lực duy trì vị thế cường quốc, cùng với Anh, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh hậu thuộc địa. Pháp thử nghiệm quả bom nhiệt hạch đầu tiên vào năm 1968. Sau Chiến tranh Lạnh, Pháp đã giải giáp 175 đầu đạn cùng với việc cắt giảm và hiện đại hóa kho vũ khí của mình, hiện đã phát triển thành hệ thống kép dựa trên tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và tên lửa đất đối không tầm trung.

Pháp gia nhập Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1992. Vào tháng 1/2006, Tổng thống Jacques Chirac tuyên bố hành động khủng bố hoặc việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt chống lại Pháp sẽ dẫn đến một cuộc phản công hạt nhân. Vào tháng 2/2015, Tổng thống François Hollande nhấn mạnh sự cần thiết của biện pháp răn đe hạt nhân trong “một thế giới nguy hiểm”. Ông cũng nêu chi tiết rằng Pháp có “ít hơn 300″ đầu đạn hạt nhân, 3 bộ 16 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và 54 tên lửa đất đối không tầm trung, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác thể hiện sự minh bạch tương tự.

  1. Trung Quốc

Trung Quốc thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên vào năm 1964. Loại vũ khí này được phát triển như một biện pháp răn đe chống lại cả Mỹ và Liên Xô. Hai năm sau, Trung Quốc sở hữu một quả bom phân hạch có khả năng đặt lên một tên lửa hạt nhân. Nước này thử nghiệm quả bom nhiệt hạch đầu tiên của mình vào năm 1967, 32 tháng sau khi thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên. Đây là tốc độ phát triển từ phân hạch sang nhiệt hạch nhanh nhất từng được ghi nhận.

Trung Quốc tham gia NPT vào năm 1992, và là nước duy nhất trong nhóm này đưa ra cam kết “không đánh phủ đầu”. Đến năm 2016, Trung Quốc đã trang bị tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm trên các tàu ngầm JL-2 của họ. Tính đến tháng 5/2021, Trung Quốc ước tính có tổng kho vũ khí hạt nhân khoảng 350 đầu đạn.

  1. Israel

Mặc dù chưa từng thừa nhận, Israel được cho là nước thứ 6 trên thế giới phát triển vũ khí hạt nhân, có thể sớm nhất là từ năm 1966. Israel không phải bên tham gia NPT, và có chính sách mơ hồ chiến lược, nói rằng họ sẽ không phải là quốc gia đầu tiên đưa vũ khí hạt nhân vào khu vực, nhưng từ chối xác nhận hay phủ nhận có chương trình hoặc kho vũ khí hạt nhân. Chính sách “mơ hồ hạt nhân” này được cho là một nỗ lực nhằm đạt được lợi ích từ răn đe với chi phí chính trị tối thiểu. Do Mỹ cấm tài trợ cho các nước có vũ khí hủy diệt hàng loạt, Israel sẽ mất khoảng 2 tỷ USD mỗi năm viện trợ quân sự và các khoản viện trợ khác từ Mỹ nếu nước này thừa nhận sở hữu vũ khí hạt nhân.

Theo Hội đồng Phòng thủ Tài nguyên Thiên nhiên và Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, Israel có thể sở hữu khoảng 80–400 vũ khí hạt nhân. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ước tính Israel có khoảng 80 vũ khí hạt nhân còn nguyên vẹn, trong đó 50 có thể đặt vào tên lửa đạn đạo tầm trung Jericho II và 30 là bom trọng lực có thể vận chuyển bằng máy bay.

  1. Ấn Độ

Ấn Độ không tham gia NPT, nhưng cam kết chính sách “không đánh phủ đầu” vào năm 1998. Ấn Độ thử nghiệm thứ mà họ gọi là “chất nổ hạt nhân vì mục đích hòa bình” vào năm 1974. Đây là vụ thử hạt nhân đầu tiên sau khi NPT ra đời, và đặt ra những câu hỏi mới về khả năng công nghệ hạt nhân dân sự có thể chuyển hướng bí mật sang mục đích vũ khí. Sự phát triển bí mật của Ấn Độ gây ra mối quan tâm lớn và sự tức giận đặc biệt từ các nước đã cung cấp cho Ấn Độ các lò phản ứng hạt nhân để sản xuất điện, chẳng hạn như Canada.

Giới chức Ấn Độ bác bỏ NPT vào những năm 1960 với lý do nó tạo ra một thế giới “có” và “không có” vũ khí hạt nhân, cho rằng nó hạn chế “hoạt động hòa bình” một cách không cần thiết, và Ấn Độ sẽ không chịu kiểm soát quốc tế đối với các cơ sở hạt nhân của mình trừ khi tất cả các nước khác đơn phương giải trừ vũ khí hạt nhân của họ. Ngay cả sau vụ thử năm 1974, Ấn Độ vẫn khẳng định rằng khả năng hạt nhân của họ là “hòa bình”, nhưng từ năm 1988 đến 1990, nước này được cho là đã vũ khí hóa hàng chục thiết bị hạt nhân. Năm 1998, Ấn Độ thử nghiệm các đầu đạn hạt nhân được vũ khí hóa, bao gồm một đầu đạn nhiệt hạch. Tính đến tháng 5/2021, Ấn Độ được ước tính có kho dự trữ khoảng 160 đầu đạn.

  1. Pakistan

Pakistan cũng không phải là một bên tham gia NPT. Từ cuối những năm 1970, nước này bắt đầu bí mật phát triển vũ khí hạt nhân. Đầu thập kỷ đó, Pakistan lần đầu tiên đi sâu vào lĩnh vực điện hạt nhân sau khi thành lập nhà máy điện hạt nhân đầu tiên với thiết bị và vật liệu chủ yếu do các nước phương Tây cung cấp. Năm 1971, Thủ tướng Pakistan khi đó hứa rằng nếu Ấn Độ có thể chế tạo vũ khí hạt nhân thì Pakistan cũng vậy, theo ông: “Chúng ta sẽ phát triển kho vũ khí hạt nhân, ngay cả khi chúng ta phải ăn cỏ”.

Pakistan được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân từ giữa những năm 1980. Cho đến năm 1990, Mỹ mới xác nhận điều này, và ra lệnh trừng phạt Pakistan bằng cách cắt hỗ trợ kinh tế và quân sự của Mỹ cho nước này. Năm 1998, Pakistan tiến hành 6 vụ thử hạt nhân để đáp lại 5 vụ thử do Ấn Độ tiến hành vài tuần trước đó. Đầu năm 2013, Pakistan được ước tính có kho dự trữ khoảng 140 đầu đạn.

Năm 2004, Abdul Qadeer Khan – một nhân vật chủ chốt trong chương trình vũ khí hạt nhân của Pakistan – thú nhận đứng đầu một thị trường chợ đen quốc tế liên quan đến việc bán công nghệ vũ khí hạt nhân. Đặc biệt, Khan đã bán công nghệ máy ly tâm khí cho Triều Tiên, Iran và Libya. Khan phủ nhận sự đồng lõa của chính phủ hoặc quân đội Pakistan, nhưng điều này bị các quan chức Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nghi vấn, và trái với những tuyên bố sau đó từ chính Khan.

  1. Triều Tiên

Triều Tiên là một bên của NPT, nhưng tuyên bố rút lui vào ngày 10/1/2003, sau khi Mỹ cáo buộc nước này có chương trình làm giàu uranium bí mật và cắt hỗ trợ năng lượng theo Khung thỏa thuận năm 1994. Vào tháng 2/2005, Triều Tiên tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân hoạt động được, mặc dù không có một cuộc thử nghiệm nào vào thời điểm đó, khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ tuyên bố này. Vào tháng 10/2006, Triều Tiên tuyên bố, trước sự đe dọa ngày càng tăng của Mỹ, nước này sẽ tiến hành một vụ thử để khẳng định năng lực hạt nhân của mình. Triều Tiên báo cáo vụ thử hạt nhân thành công vào ngày 9/10/2006, nhưng tình báo Mỹ tin rằng cuộc thử nghiệm chỉ thành công một phần với đương lượng nổ dưới một kiloton. Triều Tiên đã tiến hành vụ thử thứ hai với đương lượng cao hơn vào ngày 25/5/2009 và vụ thử thứ ba với đương lượng cao hơn nữa vào ngày 12/2/2013.

Triều Tiên tuyên bố tiến hành vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên vào ngày 5/1/2016, mặc dù các phép đo địa chấn chỉ ra rằng vụ nổ không phù hợp với một quả bom như vậy. Vào ngày 3/9/2017, Triều Tiên cho nổ một thiết bị gây chấn động mạnh 6,1 độ richter, phù hợp với một vụ nổ nhiệt hạch công suất thấp, ước tính đương lượng khoảng 250 kiloton. Vào năm 2018, Triều Tiên tuyên bố ngừng các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và đưa ra cam kết có điều kiện về việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, vào tháng 12/2019, Triều Tiên cho biết nước này không còn bị ràng buộc bởi cam kết đó.