VNReport»Kinh tế»Tài chính»94.000 khách vay vốn thiệt hại sau bão

94.000 khách vay vốn thiệt hại sau bão

10:39 - 01/10/2024

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết sau bão Yagi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, các tổ chức tín dụng đã rà soát đánh giá thiệt hại của khách hàng vay vốn sau cơn bão số 3 (bão Yagi).

 

Chiều 7/9, bão số 3 chính thức đổ bộ vào khu vực Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng với cường độ cấp 10 – 12, vùng gần tâm bão cấp 13 – 14, giật cấp 16 – 17. Đến ngày 8/9, bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Tây Bắc Bộ gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất với các tỉnh phía Bắc để lại thiệt hại nặng nề với người và tài sản.

Theo đó, tính đến ngày 27/9, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã làm 318 người chết, 26 người mất tích, 1.976 người bị thương. 281.966 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái, 112.034 nhà bị ngập, 284.472 ha lúa và 61.114 hoa màu bị ngập úng, 39.188 ha cây quả bị hư hại, 189.982 rừng bị thiệt hại, 35.019 ha và 11.832 lồng bè nuôi trồng thuỷ hải sản bị hư hỏng, cuốn trôi. 44.174 con gia súc và 5.694.587 con gia cầm chết, 2.211 công trình thuỷ lợi và 1.306 công trình nước sạch hỏng hóc. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu lên đến trên 81.503 tỷ đồng. Tính riêng thiệt hại cho các ước tính nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp) là trên 30.800 tỷ đồng (chiếm khoảng 38% tổng thiệt hại về kinh tế).

Các con số này cho thấy hậu quả nghiêm trọng mà bão số 3 để lại. Nhà cửa, mùa màng, tài sản bị hư hại, khiến nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Theo báo cáo trong Hội nghị tổng kế vừa qua, số liệu thống kê cho thấy, có hơn 94.000 khách vay với tổng dư nợ 165.000 tỷ đồng chịu thiệt hại nặng sau bão Yagi.

Cũng tại Hội nghị Tổng kết sau bão Yagi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết các tổ chức tín dụng đã rà soát đánh giá thiệt hại của khách hàng vay vốn sau cơn bão số 3 (bão Yagi).

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại Hội nghị. Ảnh: Thời báo Ngân hàng.

Theo đánh giá của các nhà băng toàn hệ thống, đến ngày 25/9, dư nợ bị ảnh hưởng của bão số 3 tại tất cả tỉnh thành lên tới 165.000 tỷ đồng. Số khách hàng chịu ảnh hưởng là hơn 94.000. Trong đó, Quảng Ninh, tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất khi có khoảng hơn 17.500 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ 46.425 tỷ đồng, theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy.

Để cùng chung tay khắc phục hậu quả của bão số 3, tại hội nghị trực tuyến ngành ngân hàng, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết có đến 32 tổ chức tín dụng trên 26 tỉnh thành phía Bắc đã công bố các gói tín dụng để hỗ trợ khách hàng. Tổng trị giá các gói là 405.000 tỷ đồng, với lãi suất thấp hơn cho vay thông thường 0,5-2%. Đặc biệt, Ngân hàng nhà nước đã kêu gọi các tổ chức tín dụng thông qua Mặt trận Tổ quốc ủng hộ khoảng 40 tỷ đồng.

Gói tín dụng của ngân hàng là tập hợp các sản phẩm cho vay mà ngân hàng hoặc tổ chức tài chính cung cấp cho khách hàng nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính cụ thể. Các gói tín dụng thường có các điều kiện, lãi suất, và thời hạn khác nhau, phù hợp với từng đối tượng và mục đích vay.

Được biết, các gói tín dụng để hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh khắc phục hậu quả do bão số 3 sẽ giúp người dân nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh sau khi thiệt hại do bão lũ. Người dân có thể sử dụng khoản vay để sửa chữa nhà cửa, mua sắm thiết bị, hoặc đầu tư vào nguyên liệu để tiếp tục hoạt động kinh doanh. Đồng thời, với những người đã vay vốn trước đó để đầu tư nhưng giờ đang gặp khó khăn trong việc trả nợ, các gói tín dụng tái cấu trúc nợ hoặc cho vay mới với lãi suất ưu đãi sẽ giúp họ giảm áp lực tài chính và có thời gian phục hồi.

Ngoài ra, việc ngân hàng và chính phủ kịp thời đưa ra các gói hỗ trợ tín dụng sẽ giúp người dân đang phải chịu hậu quả do bão số 3 gây ra cảm thấy được quan tâm, khôi phục niềm tin vào hệ thống tài chính và chính quyền.

Không chỉ thế, thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một trong những mục tiêu vẫn là khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Ông yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm các công điện, chỉ thị sau bão.

Thực tế, trước đó để khắc phục hậu quả của bão số 3, các bộ ngành được giao triển khai các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại. Các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm sớm bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm. Hiện tại, theo Bộ Tài chính, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận khoảng 12.000 thông tin thiệt hại về tài sản, xe cơ giới, sức khoẻ. Ước tính thiệt hại khoảng 9.000 tỷ đồng.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại cũng được yêu cầu rà soát, tổng hợp thiệt hại, đưa ra các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh, giãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân, doanh nghiệp khôi phục hoạt động. Hơn nữa, các địa phương rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục còn một nửa thông thường khi doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, chủ hộ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đề xuất, đầu tư các dự án mới. Họ cũng phải chỉ đạo cơ quan thuế, ngân hàng khoanh, giãn nợ, giảm 100% các khoản thuế phải nộp đến hết ngày 31/12/2025 với nhóm khách hàng này.

Theo: https://vnexpress.net/94-000-khach-vay-von-thiet-hai-sau-bao-4798052.html