VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»95% người tiêu dùng có ý thức bảo vệ môi trường

95% người tiêu dùng có ý thức bảo vệ môi trường

15:09 - 10/01/2025

Với 95% người tiêu dùng có ý thức bảo vệ môi trường đã thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng tiêu dùng mới, đó là xu hướng tiêu dùng xanh. Việc lựa chọn và sử dụng các sản phẩm xanh không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Khảo sát mới nhất của Intage Việt Nam với thị trường Hà Nội và TPHCM cho thấy, có đến 95% người tiêu dùng có ý thức bảo vệ môi trường, 59% lựa chọn ăn rau xanh, ngũ cốc thường xuyên hơn; 44% tái sử dụng quần áo cũ thay vì mua mới;

61% tắt các thiết bị điện trong nhà khi không sử dụng; 39% hạn chế dùng thực phẩm đóng gói, công nghiệp; 73% sử dụng thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên; 44% hạn chế sử dụng túi nhựa…

Đáng lưu ý, gần 90% người tiêu dùng ủng hộ những công ty kinh doanh đạo đức và có trách nhiệm xã hội; 43% có ấn tượng tốt về nhãn hàng, doanh nghiệp thân thiện với môi trường.

Không chỉ thế, năm 2023, NielsenIQ cũng đã thực hiện một khảo sát với người tiêu dùng, kết quả cho thấy có 49% người tiêu dùng mang túi riêng, sử dụng túi tái chế; 47% chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí; 45% có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện. Kết quả này cho thấy người tiêu dùng đã có những hành động thực tế, hướng đến lối sống bền vững.

Các kết quả này cho thấy xu hướng tiêu dùng xanh đã “lên ngôi” khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng ý thức được vai trò quan trọng của hành vi mua sắm đối với xu hướng sản xuất xanh và bền vững.

Tiêu dùng xanh là mua và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe của con người và không đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên. Xu hướng này ra đời xuất phát từ mong muốn bảo vệ các nguồn tài nguyên cho thế hệ tương lai và nâng cao chất lượng sống cho con người. Trong xu hướng tiêu dùng xanh, các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường được ưu tiên lựa chọn và được coi như một tiêu chuẩn cho các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao.

Trước Việt Nam, tiêu dùng xanh đã trở thành xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt phổ biến tại các nước phát triển. Sau đó, xu hướng này lan tỏa mạnh mẽ sang các nước đang phát triển có thu nhập ở mức trung bình trở lên. Nhiều chuyên gia cho rằng, sống xanh và tiêu dùng xanh là cơ sở để triển khai tiêu dùng bền vững, nhằm giảm tác động của xã hội đối với môi trường.

Người tiêu dùng dùng túi vải thay vì túi ni lông

Tại Việt Nam, không khó nhận ra nhiều người tiêu dùng hiện nay khi ra chợ, thay vì sử dụng túi ni lông, họ mang theo làn, túi vải hoặc hộp để đựng thịt, cá. Nhiều người tiêu dùng chia sẻ rằng, dù có bất tiện nhưng đã góp một phần vào hoạt động bảo vệ môi trường.

Với xu hướng này, để có thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần nhanh chóng triển khai chuyển đổi xanh.

Chuyển đổi xanh là quá trình xây dựng nền kinh tế trong đó mức phát thải từ thấp đến rất thấp, đạt được thông qua việc phát triển văn minh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Chuyển đổi xanh ở đây đòi hỏi các doanh nghiệp phải chuyển đổi nguyên liệu sang loại thân thiện môi trường, tự phân hủy cao, kể cả với các sản phẩm từ nhựa, ni lông.

Một vài doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã bắt đầu quá trình chuyển đổi này.

Điển hình là Công ty TNHH Aeon Việt Nam, đây là nhà bán lẻ đầu tiên tại nước ta triển khai sáng kiến giúp khách hàng mượn túi môi trường với chi phí thấp và được hoàn phí khi trả túi. Theo đó, Aeon Việt Nam có quầy thu ngân ưu tiên dành cho khách hàng từ chối sử dụng túi ni lông. Họ cũng triển khai sử dụng sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường như ly cốc bằng giấy, khay và tô bằng bã mía… tại khu vực ẩm thực tự chọn. Đặc biệt, 100% siêu thị của Aeon trên toàn quốc sử dụng túi ni lông sinh học phân hủy.

Hay như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), công ty này đã dẫn đầu xu hướng này khi vừa mới phát triển nhà máy và trang trại đạt trung hòa carbon. Vinamilk công bố sẽ cắt giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2027, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Song, rõ ràng chuyển đổi xanh cũng đã và đang tạo ra những cạnh tranh, thách thức lớn cho doanh nghiệp. Cụ thể: Chi phí đầu tư cho công nghệ, chi phí đầu vào của sản xuất khiến giá thành sản phẩm tăng cao so với truyền thống…

Mặc dù có khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã cho thấy khả năng thích nghi với xu hướng mới của người tiêu dùng.

Nhìn chung, sự “lên ngôi” của xu hướng xanh là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng đang ngày càng được nâng cao. Việc lựa chọn sản phẩm xanh không chỉ là một xu hướng mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Hãy là những người tiêu dùng thông thái, ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và gia đình.

https://dansinh.dantri.com.vn/tien-luong-tien-cong/san-pham-xanh-than-thien-moi-truong-len-ngoi-20250109144356687.htm