VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp nước ngoài dọa rời Hong Kong vì quy định cách ly quá chặt

Doanh nghiệp nước ngoài dọa rời Hong Kong vì quy định cách ly quá chặt

09:42 - 30/08/2021

Một số công ty xem xét chuyển địa điểm vì các yêu cầu cách ly nghiêm ngặt của Hong Kong đối với khách nước ngoài, đe dọa vị thế trung tâm tài chính quốc tế của thành phố.

Một quan chức cấp cao của Hong Kong thừa nhận rằng chế độ cách ly nghiêm ngặt của thành phố đã gây ra thiệt hại cho các doanh nghiệp quốc tế. Trong bối cảnh đó, các giám đốc điều hành cảnh báo rằng danh tiếng của thành phố như một trung tâm tài chính toàn cầu đang bị đe dọa.

Edward Yau, thư ký phát triển kinh tế và thương mại của Hong Kong, đã có cuộc hội đàm với các đại diện từ cộng đồng doanh nghiệp của vùng lãnh thổ này sau khi chính phủ đột ngột thay đổi kế hoạch nới lỏng các hạn chế đi lại trong tháng này.

Khách nước ngoài đến Hong Kong phải cách ly 3 tuần trong các khách sạn do chính quyền chỉ định.

Khách nước ngoài đến Hong Kong phải cách ly 3 tuần trong các khách sạn do chính quyền chỉ định.

Vào tháng 6, chính quyền Hong Kong cho biết sẽ giảm mạnh các hạn chế đi lại. Nhưng gần đây, chính quyền đã đảo ngược quyết định của mình, tăng thời gian mà khách nước ngoài phải cách ly từ 1 lên 3 tuần trong hầu hết các trường hợp. Sự thay đổi bất ngờ gây hỗn loạn cho khách nước ngoài và dẫn đến tình trạng thiếu phòng khách sạn cách ly được chỉ định cho những người vào thành phố.

Các hiệp hội doanh nghiệp tuyên bố sự đảo ngược này, cùng với sự không chắc chắn về thời điểm nới lỏng quy định cách ly, đã khiến một số công ty xem xét chuyển địa điểm.

“Không có gì bí mật hay ngạc nhiên khi các công ty đang bị thiệt hại vì những hạn chế Covid về đi lại cả nội bộ và trong khu vực”, Yau nói với Financial Times. Chính quyền Hong Kong đã nhận được “những quan ngại liên tục [từ các công ty] và những yêu cầu rất thẳng thắn để xem xét lại [quyết định của mình]”.

Trong một cuộc họp, người đứng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương của một công ty lớn ở châu Âu có trụ sở khu vực tại Hong Kong đã cảnh báo Yau rằng họ sẽ chuyển một phần đáng kể hoạt động kinh doanh của mình sang Singapore, theo một người có liên quan.

Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) – một trong những nhóm vận động hành lang kinh doanh lớn nhất ở Hong Kong – đã viết một bức thư cảnh báo lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam rằng các quy tắc cách ly nghiêm ngặt của vùng lãnh thổ này khiến vị thế trung tâm tài chính quốc tế của thành phố gặp rủi ro.

EuroCham cho biết các quy định cách ly mới được thắt chặt của thành phố có thể “khiến nhiều người trong cộng đồng quốc tế đặt câu hỏi liệu họ có muốn bị mắc kẹt vô thời hạn ở Hong Kong khi phần còn lại của thế giới đang hoạt động”.

Bức thư ngỏ đánh dấu sự leo thang căng thẳng giữa chính phủ và các doanh nghiệp ở Hong Kong, nơi việc đi lại thường xuyên hầu như đã bị dừng lại trong hơn một năm.

Sự tức giận càng bùng lên khi nữ diễn viên Nicole Kidman được miễn cách ly.

Frederik Gollob, chủ tịch EuroCham, cho biết: “Chúng tôi đang đối mặt với tình trạng không thể tự do vận hành doanh nghiệp của mình ở Hong Kong… và điều này đã diễn ra trong 2 năm nay. Bây giờ chúng tôi đang ở thời điểm mà khá nhiều công ty đang xem xét hoặc thực sự di dời các bộ phận chức năng”.

Yau cho biết Hong Kong đã xem xét các phản ánh “một cách rất nghiêm túc”. Tuy nhiên, ông bảo vệ các chính sách, nói rằng “mục tiêu hàng đầu” của thành phố là cân bằng giữa việc bảo vệ sức khỏe với việc mở cửa trở lại cho khách nước ngoài. “Chúng tôi là một thành phố rất an toàn về mặt ngăn chặn Covid”, ông nói.

Hong Kong đã ghi nhận khoảng 12.000 trường hợp nhiễm virus corona kể từ khi bắt đầu đại dịch và chỉ có 212 trường hợp tử vong trong dân số khoảng 7,5 triệu người. Tuy nhiên, chiến lược “không Covid” nhằm mở cửa biên giới với Trung Quốc đại lục đã làm dấy lên lo ngại rằng việc mở cửa trở lại trên diện rộng sẽ bị trì hoãn.

Mặt khác, Singapore, trung tâm tài chính đối thủ ở châu Á, đã đưa ra kế hoạch bắt đầu mở cửa trở lại thận trọng cho khách nước ngoài từ tháng tới, bao gồm cả một hành lang không cách ly với Đức.

Một quan chức cấp cao trong ngành ngân hàng giấu tên cho biết: “Sẽ rất khó khăn cho Hong Kong với tư cách là một trung tâm tài chính quốc tế nếu các biên giới vẫn bị đóng cửa trong 6 đến 9 tháng”.

Trong năm qua, dân số Hong Kong đã giảm gần 90.000 người, mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch bệnh SARS vào năm 2003.

Một giám đốc điều hành người Mỹ giấu tên đang cách ly sau chuyến đi nước ngoài cho biết: “Tôi đã thấy phần còn lại của thế giới đang hoạt động như thế nào và bây giờ cảm giác của tôi về cách tiếp cận của Hong Kong đã trở nên rõ nét hơn. Khi phần còn lại của thế giới đang tiếp tục vận hành, bạn nhận ra rằng điều này không bền vững”.