VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Doanh nghiệp bất động sản cạn kiệt dòng tiền

Doanh nghiệp bất động sản cạn kiệt dòng tiền

10:39 - 30/08/2021

Nhiều doanh nghiệp trong ngành bất động sản thiếu dòng tiền để trả nợ, duy trì hoạt động, trả lương cho người lao động.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hiệp hội đánh giá, sau hơn một năm rưỡi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khối doanh nghiệp bất động sản đã dần kiệt quệ, thậm chí một số đơn vị có nguy cơ phá sản nếu không được Nhà nước hỗ trợ kịp thời.

HoREA đề xuất Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản.

HoREA đề xuất Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản.

Lĩnh vực bất động sản đóng góp khoảng 7-8% GDP của cả nước và có liên quan đến hơn 35 ngành nghề khác nhau, đồng thời tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người. Theo đó, HoREA khuyến nghị Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản vượt qua đại dịch lần này.

Hiệp hội nhấn mạnh “thiếu dòng tiền” là khó khăn trước mắt lớn nhất và đáng lo ngại nhất. Nhiều doanh nghiệp bất động sản không còn tiền trả lãi vay, trả nợ, không còn tiền để duy trì bộ máy và giữ chân người lao động.

“Doanh nghiệp không còn tiền để cầm cự qua giai đoạn quá khó khăn do các dự án không thể triển khai đúng tiến độ, phải dừng công trình xây dựng, thiếu sản phẩm trong lúc thị trường bị đứng hình, giao dịch sụt giảm mạnh, không bán được sản phẩm, doanh số bán hàng bị rơi thẳng đứng, không thể huy động được vốn như trước đây”, HoREA viết.

Việc thiếu hụt dòng tiền cũng liên quan trực tiếp đến khó khăn về tín dụng, do lãi suất vay ngân hàng chưa giảm như kỳ vọng và doanh nghiệp vẫn phải trả lãi vay hàng tháng.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho biết thêm, các doanh nghiệp đang phải đôn đáo đi vay, thậm chí là “vay nóng” để trả lương, duy trì hoạt động tối thiểu và trả lãi ngân hàng, đặc biệt là các khoản vay tín dụng đến hạn.

Theo quy chế hoạt động của ngân hàng, nếu các khoản vay không được trả đúng hạn, ngân hàng sẽ tự động chuyển thành nợ xấu. Việc phân loại thành nợ xấu sẽ khiến doanh nghiệp càng khó tiếp cận các khoản vay mới.

“Kẹt tiền, kẹt vốn, bị mất thanh khoản là rủi ro lớn nhất của mọi doanh nghiệp phải đương đầu, mặc dù có thể vẫn còn tài sản nhưng do chưa bán được dẫn đến thiếu dòng tiền, nên doanh nghiệp có thể bị “chết trên đống tài sản” của chính mình”, theo ông Châu.

HoREA cho biết, trong 2 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt các ngân hàng thương mại triển khai các giải pháp hỗ trợ khá hiệu quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản hầu như chưa được xem xét hỗ trợ thỏa đáng do vẫn bị coi là lĩnh vực kinh doanh rủi ro.

Hiệp hội này kiến ​​nghị cho các doanh nghiệp được giảm lãi vay, gia hạn trả nợ, khoanh nợ đến hạn, không chuyển thành nợ xấu và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng mới để triển khai dự án.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng khuyến nghị hệ thống ngân hàng chủ động xem xét cơ cấu dư nợ của khách hàng và gia hạn áp dụng đến ngày 30/6/2022 (Thông tư 03/2021 trước đó chỉ áp dụng với dư nợ phát sinh đến 31/12/2021).