Ở Lagos, thủ đô thương mại của Nigeria, một lập trình viên phần mềm lập hóa đơn cho khách hàng của cô ở London và được thanh toán bằng Bitcoin, bỏ qua hệ thống ngân hàng đắt đỏ và tỷ giá hối đoái chính thức thấp của đồng Naira. Tại São Paulo, Brazil, một nha sĩ gửi tiền tiết kiệm hàng tháng của mình vào một quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) đầu tư vào rổ tiền mã hóa – ETF phổ biến thứ 2 trên thị trường chứng khoán. Các cá nhân và doanh nghiệp ở Việt Nam đầu tư, kinh doanh và giao dịch bằng Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác nhiều đến mức Việt Nam có tỷ lệ chấp nhận tiền mã hóa cao nhất thế giới.
Ở các nền kinh tế tiên tiến, tiền mã hóa bị nhiều người trong thế giới tài chính nghi ngờ – lĩnh vực của nhóm nhỏ những người ủng hộ cuồng nhiệt và một trào lưu đầu cơ chỉ có thể có kết thúc tồi tệ. Các cơ quan quản lý ở Châu Âu và Mỹ đã đưa ra những cảnh báo rõ ràng về sự nguy hiểm của việc giao dịch tiền mã hóa.
Nhưng ở thế giới đang phát triển, có những dấu hiệu cho thấy tiền mã hóa đang âm thầm “cắm rễ” sâu hơn. Đặc biệt là ở các quốc gia có lịch sử bất ổn tài chính hoặc có nhiều rào cản đối với việc tiếp cận các sản phẩm tài chính truyền thống như tài khoản ngân hàng, việc sử dụng tiền mã hóa đang nhanh chóng trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày.
“Trong khi mọi người đều chú ý đến các tweet của Elon Musk và nhà đầu tư tổ chức hoặc CEO nào nói những gì họ nghĩ về Bitcoin, thì có cả một câu chuyện hoàn toàn khác đang xảy ra một cách mạnh mẽ ở các thị trường mới nổi trên thế giới” Kim Grauer, giám đốc nghiên cứu của Chainalysis, một công ty dữ liệu hàng đầu trong lĩnh vực này, nói. “Tiền mã hóa rất phổ biến ở nhiều quốc gia trong số này… [và] có rất nhiều cơ hội kinh doanh”.
Chainalysis xếp Việt Nam đầu tiên về việc áp dụng tiền mã hóa trên toàn thế giới – một trong 19 thị trường mới nổi và cận biên trong top 20. Chỉ có Mỹ nằm trong số các nền kinh tế tiên tiến, xuất hiện ở vị trí thứ 8. “Năm nay rất nổi bật, [việc áp dụng] là một câu chuyện của các thị trường mới nổi và cận biên”, Grauer cho biết thêm.
Dữ liệu khác từ UsefulTulips.org, theo dõi các giao dịch Bitcoin trên 2 nền tảng giao dịch tiền mã hóa ngang hàng lớn nhất thế giới, cho thấy trong vài tuần qua, châu Phi hạ Sahara đã vượt qua Bắc Mỹ để trở thành khu vực địa lý có khối lượng hoạt động tiền mã hóa loại này lớn nhất.
Vào thứ Ba, quốc gia nhỏ ở Trung Mỹ El Salvador với dân số 6,4 triệu sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới coi Bitcoin là tiền tệ hợp pháp, có nghĩa là các thương gia từ đại lý ô tô đến quán cà phê sẽ có nghĩa vụ chấp nhận nó như một khoản thanh toán. Dự án này vấp phải sự hoài nghi của IMF và những người khác. Nhưng một số người xem nó như một bước đột phá.
“Chúng ta nên xem xét nó một cách rất nghiêm túc”, Paul Domjan, đồng tác giả của cuốn sách “Chain Reaction: How Blockchain Will Transform the Development World” (tạm dịch: “Phản ứng chuỗi: Blockchain sẽ biến đổi thế giới đang phát triển như thế nào”), cho biết. “Nó thay đổi vị trí của Bitcoin trong hệ thống [tài chính toàn cầu] và nó thúc đẩy toàn bộ cuộc tranh luận về tiền tệ kỹ thuật số”.
Một giải pháp thay thế cho các đồng tiền yếu
Các thị trường mới nổi là mảnh đất màu mỡ cho tiền mã hóa, thường là do đồng tiền của chính họ không thực hiện được công việc của nó. Một đồng tiền có 3 chức năng: lưu giữ giá trị, phương tiện trao đổi và đơn vị giá trị. Nhưng ở một số nước đang phát triển, các đồng tiền quốc gia thường không đạt được các chức năng đó. Lạm phát khó lường và tỷ giá hối đoái biến động nhanh, hệ thống ngân hàng rối rắm và tốn kém, các hạn chế tài chính và sự không chắc chắn về quy định, đặc biệt là sự tồn tại hoặc đe dọa của các biện pháp kiểm soát vốn, tất cả đều làm suy yếu sức hấp dẫn của chúng.
Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, là một trường hợp điển hình. Dân số trẻ, thiếu kiên nhẫn của nước này phải đối mặt hàng ngày với tỷ lệ thất nghiệp cao, sự biến động của các sàn giao dịch tiền tệ chợ đen và các biện pháp kiểm soát vốn. Khi giá dầu, mặt hàng xuất khẩu chính của đất nước, giảm trong thời kỳ đại dịch và nguồn cung USD bị siết chặt hơn nữa, nhiều doanh nghiệp không thể thanh toán cho các nhà cung cấp và chủ nợ nước ngoài, gần như dẫn đến việc vỡ nợ của một nhà máy điện do Ngân hàng Thế giới hậu thuẫn cung cấp 1/10 công suất điện của Nigeria. Đối với các cá nhân gửi hoặc nhận kiều hối hoặc lập hóa đơn cho khách hàng, việc thiếu USD là một vấn đề gây đau đầu thường xuyên.
“Khi bạn đến châu Phi, cụ thể là Nigeria và nói chuyện với mọi người về những thách thức hàng ngày của họ với tiền bạc, bạn sẽ thấy rằng chúng ta ở phương Tây hầu như không thể tưởng tượng được”, Ray Youssef, giám đốc điều hành của Paxful, một sàn giao dịch tiền mã hóa ngang hàng cho phép người dùng giao dịch trực tiếp với nhau, cho biết. Trong các giao dịch này, Bitcoin được nền tảng giữ cho đến khi thanh toán hoàn tất – cho dù bằng chuyển khoản ngân hàng, thanh toán di động hay thẻ quà tặng.
Công ty cho biết 1/3 người dùng của mình là ở Châu Phi và Nigeria là thị trường lớn nhất của họ, với 1,5 triệu người dùng – tăng 83% trong năm tính đến tháng 6. Đối thủ giao dịch ngang hàng LocalBitcoins cũng có hầu hết khách hàng của mình tại các thị trường đang phát triển ở Châu Mỹ Latinh và Châu Phi, cũng như Nga.
Các giao dịch có quy mô khác nhau, từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ mua một lượng nhỏ tiền mã hóa với giá dưới 100 USD, đến các thương gia thanh toán hóa đơn, đến các doanh nghiệp dịch vụ tài chính đã được xây dựng trên các nền tảng này và sử dụng nhiều nhân viên. “Có rất nhiều hoạt động thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Nigeria, nhập khẩu hàng hóa bằng tiền mã hóa, bởi vì chính sách ngoại hối đã hạn chế những doanh nhân thông thường không có lượng tiền lớn để tham gia vào thương mại quốc tế”, Grauer nói.
Ở các quốc gia như Venezuela và Brazil, chi phí và sự quan liêu của các hệ thống tài chính lạc hậu có nghĩa là nhiều người cảm thấy thoải mái hơn khi thử nghiệm và chuyển đổi giữa các loại tiền mã hóa khác nhau.
Ryan Taylor, Giám đốc điều hành của Dash Core Group, một mạng lưới tiền mã hóa lần đầu tiên vào Venezuela năm 2016 cho biết: “Chúng tôi tưởng rằng mọi người sẽ chấp nhận một loại tiền mã hóa và đó sẽ là tiền mã hóa chính của họ, và những gì chúng tôi nhận thấy là họ sử dụng các loại tiền mã hóa khác nhau cho các mục đích khác nhau”. Các đồng tiền như Dash được sử dụng nhiều hơn cho các giao dịch mua nhỏ hơn, Bitcoin cho các giao dịch lớn hơn vì phí cao hơn và Litecoin cho những thứ như thanh toán hóa đơn truyền hình vệ tinh, ông nói.
Các sàn giao dịch lớn như Binance và Coinbase vẫn thống trị các dịch vụ tiền mã hóa trên khắp thế giới đang phát triển. Ở Châu Mỹ Latinh, Trung, Nam Á và Châu Phi, hơn 80% tiền mã hóa tính theo giá trị được gửi đến các khu vực này đi qua các sàn giao dịch. Binance đã gửi hơn 14 tỷ USD tiền mã hóa đến Đông Âu trong năm tính đến tháng 6/2020, chiếm 20% tổng số tiền được gửi qua sàn này trên toàn cầu. Nó cũng là sự lựa chọn hàng đầu ở Mỹ Latinh, đã gửi hơn 3 tỷ USD tiền mã hóa đến khu vực này trong cùng giai đoạn trên.
Tiền mã hóa cũng cung cấp một giải pháp thay thế cho chuyển tiền truyền thống, một huyết mạch quan trọng cho nhiều nền kinh tế đang phát triển. Chuyển tiền qua lại biên giới thông qua các kênh truyền thống như Western Union có thể rất tốn kém.
“Nếu bạn muốn gửi tiền đến quốc gia châu Phi bên cạnh, đó thực sự là một cơn ác mộng và việc gửi tiền bên ngoài châu Phi – đến châu Mỹ, châu Âu, Trung Quốc – là điều gần như không thể trừ khi bạn giàu có”, Youssef nói.
Theo Ngân hàng Thế giới, chi phí gửi 200 USD đến các quốc gia ở châu Phi hạ Sahara chiếm trung bình 9% giá trị giao dịch trong quý đầu tiên của năm 2020, cao nhất so với bất kỳ khu vực nào trên thế giới và có thể lên tới 2 chữ số ở một số nơi.
Tuy nhiên, trên các mạng giao dịch tiền mã hóa ngang hàng, các khoản phí này thường vào khoảng 2-5%, theo LocalBitcoins. Theo nhà cung cấp dữ liệu BitInfoCharts, phí giao dịch trung bình đối với Bitcoin là dưới 3 USD vào tháng 8/2021, trong khi đối với Ethereum, chúng dao động từ 8 đến 44 USD trong cùng kỳ.
Nhưng một số nhà quan sát tin rằng có những mối nguy hiểm đáng kể khi tiền mã hóa được sử dụng để chuyển kiều hối hoặc các khoản thanh toán khác.
Paola Subacchi, giáo sư kinh tế quốc tế tại Viện Chính sách Toàn cầu Queen Mary của Đại học London, cho biết giải pháp tốt hơn cho người lao động nhập cư là giảm chi phí chuyển tiền. “Đây là một phương pháp khắc phục không tốt cho một vấn đề cần được giải quyết bằng cách sử dụng công nghệ mà chúng ta đã có”.
Bà nói thêm: “Tiền mã hóa và các công ty tiền mã hóa tự thể hiện mình là công cụ tài chính toàn diện, nhưng những người không sử dụng các cơ sở tài chính truyền thống chính là những người có khả năng chấp nhận rủi ro ít nhất đối với tiền của mình”.
Khoản đầu tư chính thống hơn
Cũng giống như ở các nền kinh tế tiên tiến, có rất nhiều sự đam mê với đầu cơ Bitcoin ở nhiều nước đang phát triển – đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, đầu tư tiền mã hóa đã xâm nhập nhiều hơn vào xu hướng đầu tư ở một số thị trường mới nổi so với những thị trường tiên tiến.
Ví dụ: ở Mỹ và Anh, các nhà quản lý vẫn chưa chấp thuận việc tạo ra các ETF tiền mã hóa, cho phép các nhà đầu tư tiếp xúc với lãi và lỗ từ Bitcoin và các tài sản số mà không cần trực tiếp sở hữu bất kỳ đồng tiền số nào. Brazil năm nay đã trở thành một trong số ít các quốc gia có ETF tiền mã hóa.
Hashdex Asset Management đã ra mắt 3 ETF tiền mã hóa theo quy định trên thị trường chứng khoán São Paulo trong năm nay, tổng cộng có 160.000 nhà đầu tư.
Quỹ hàng đầu HASH11 theo dõi một chỉ số được đồng phát triển với Nasdaq dựa trên một rổ tài sản tiền mã hóa. Tính phí quản lý 1,3%, quỹ này hiện có tài sản ròng 2,17 tỷ real (421 triệu USD) và là quỹ ETF được sở hữu nhiều thứ 2 trên thị trường chứng khoán.
Marcelo Sampaio, giám đốc điều hành Hashdex, mô tả cơ sở khách hàng của mình là “thị trường tài chính chính thống”.
“Đó là toàn bộ phạm vi [các nhà đầu tư] từ các nhà đầu tư tổ chức lớn nhất trong nước đến các nhà đầu tư cá nhân nhỏ nhất trên thị trường chứng khoán,” ông nói.
Hashdex tiếp tục thu hút các nhà đầu tư mới trong thời kỳ suy giảm của thị trường tiền mã hóa, chẳng hạn như đợt sụt giảm gần đây do quyết định của Tesla dừng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin và cuộc đàn áp việc khai thác tiền mã hóa của Trung Quốc. “Điều đó cho thấy rằng ngay cả khi thị trường có sự điều chỉnh nghiêm trọng, họ vẫn đầu tư dài hạn”, Sampaio nói.
Brazil là quốc gia hàng đầu ở Mỹ Latinh về người dùng tiền mã hóa, với 10,4 triệu người, theo phân tích của TripleA, một nhà cung cấp các giải pháp thanh toán tiền mã hóa có trụ sở tại Singapore.
Sự phổ biến ngày càng tăng của tiền mã hóa ở Brazil được chứng minh bởi sàn giao dịch địa phương Mercado Bitcoin, có tổng khối lượng giao dịch vào cuối tháng 8 tăng gấp 7 lần so với năm 2020. Công ty gần đây đã nhận được khoản đầu tư 200 triệu USD từ tập đoàn công nghệ Nhật Bản SoftBank và số khách hàng của họ đã tăng gấp đôi lên 2,8 triệu trong năm qua.
“Ở Brazil, hầu hết mọi hoạt động đều liên quan đến đầu tư và giao dịch”, Daniel Cunha, giám đốc điều hành Mercado Bitcoin, cho biết. “[Nhưng] ở Argentina, tiền mã hóa ổn định (stablecoin) có vai trò rất quan trọng như một chiến lược để bảo vệ [chống lại sự thay đổi] giá trị của tiền tệ. Ở Mexico, việc sử dụng tiền mã hóa để chuyển kiều hối đại diện cho một phần rất lớn của thị trường”.
Đi tắt đón đầu với blockchain
Tốc độ mà nhiều quốc gia đang phát triển sử dụng tiền mã hóa không phải là ví dụ đầu tiên về hành vi thích nghi nhanh.
Có lẽ ví dụ nổi tiếng nhất trong thời hiện đại là M-Pesa, một hệ thống thanh toán di động được phát triển lần đầu tiên ở Kenya cho phép hàng triệu người không có tài khoản ngân hàng thực hiện rút tiền và gửi tiền, chuyển khoản và thanh toán thông qua điện thoại di động của họ, mang lại khả năng tiếp cận tài chính toàn diện thông qua đổi mới công nghệ.
Đối với một số người đam mê các đồng tiền mới, sự lan truyền của tiền mã hóa là giai đoạn đầu tiên trong bước nhảy vọt tiếp theo, khi người dùng quen với việc tin tưởng vào cái gọi là công nghệ sổ cái phân tán (DLT) mà blockchain – xương sống của tiền mã hóa – là một ứng dụng.
Trong cuốn sách “Chain Reaction”, Domjan và các đồng tác giả lưu ý rằng các tổ chức tín nhiệm, bao gồm cả những người nắm giữ hồ sơ công khai như cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan cấp phép, có xu hướng yếu hơn ở các nước đang phát triển. Và họ lập luận rằng khi người ta nhìn thấy những điểm yếu như vậy, sẽ dễ dàng hơn cho DLT hoặc các hệ thống dựa trên blockchain đạt mức “đủ tốt” để đưa ra một giải pháp thay thế hấp dẫn.
“Có vẻ hợp lý khi mong đợi sự đổi mới như vậy… có tác động mạnh mẽ nhất ở những nước đang phát triển”, họ viết.
Domjan nói rằng điều đó có thể hồi sinh một loạt “vốn chết” để cung cấp cho đầu tư và tăng trưởng.
Cảnh báo về sự bất ổn định
Trong khi những người hâm mộ tiền mã hóa hào hứng với thử nghiệm Bitcoin của El Salvador, hầu hết các cơ quan quản lý không háo hức như vậy.
Sau thông báo của El Salvador, vào cuối tháng 7, IMF đã cảnh báo về những nguy hiểm vốn có ở các quốc gia áp dụng tiền mã hóa như một loại tiền tệ hợp pháp. Tổ chức cho vay đa phương có trụ sở tại Mỹ cho biết việc sử dụng rộng rãi các đồng tiền dễ biến động có thể làm suy yếu “sự ổn định kinh tế vĩ mô” và có khả năng khiến các hệ thống tài chính phải đối mặt với hoạt động bất hợp pháp trên diện rộng.
Cơ quan Hành vi Tài chính của Anh đã cảnh báo rằng “nếu người tiêu dùng đầu tư vào những loại sản phẩm này, họ nên chuẩn bị sẵn sàng để mất tất cả tiền của mình”. Ủy ban Basel gồm các cơ quan quản lý ngân hàng toàn cầu vào tháng 6 cho biết “sự phát triển của tài sản tiền mã hóa và các dịch vụ liên quan có khả năng gây ra lo ngại về ổn định tài chính và gia tăng rủi ro mà các ngân hàng phải đối mặt” – bao gồm gian lận, tin tặc và tài trợ khủng bố.
Bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là khỏi các trò gian lận từ lớn đến nhỏ, là một mối quan tâm lớn trong thị trường tiền mã hóa. Điều không may là những người dễ bị tổn thương nhất ở các nước nghèo hơn thường phải trả giá. “Có rất nhiều lời thổi phồng xung quanh [tiền mã hóa], vì vậy tôi nghĩ mọi người có thể sẵn sàng đầu tư hơn ở những nơi người ta tuyệt vọng hơn”, Grauer nói.
Nhiều cơ quan quản lý quốc gia nhận thấy mình không đủ trang bị để đối phó với các công ty tài sản kỹ thuật số tuyên bố không có trụ sở ở bất kỳ đâu.
Ở các quốc gia như Zimbabwe, các cơ quan quản lý đã nghiêm khắc đối với các dự án tiền mã hóa, nhưng sau đó đảo ngược quan điểm của mình. Ngân hàng trung ương Zimbabwe cho biết họ đang soạn thảo khung chính sách để điều tiết tiền mã hóa, sau khi cấm các ngân hàng địa phương giao dịch với chúng vào năm 2018. Tại Nigeria, ngân hàng trung ương đã cấm các ngân hàng thương mại giao dịch với các công ty liên quan đến giao dịch tiền mã hóa. Các thực thể này đã nhanh chóng tìm ra cách lách luật bằng việc sử dụng tài khoản của bên thứ ba.
Một số nhà quan sát, bao gồm Ngân hàng Trung ương Nigeria, đã bày tỏ lo ngại rằng các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm có thể mất số tiền tiết kiệm ít ỏi của mình vào một tài sản có tính đầu cơ cao. “Các nhà đầu tư nhỏ lẻ và không sành sỏi cũng phải đối mặt với khả năng thua lỗ cao do sự biến động cao của các khoản đầu tư trong thời gian gần đây”, ngân hàng này cho biết, khi tìm cách kìm hãm các giao dịch.
Trong khi hầu hết các dịch vụ tiền mã hóa nói rằng họ muốn tuân thủ các cơ quan quản lý, họ tin rằng bộ máy quan liêu quá mức sẽ khiến mọi người tìm kiếm dịch vụ của mình. “Nếu một ngân hàng trung ương quyết định áp đặt một số hình thức hạn chế trực tiếp đối với người dân của họ, bạn sẽ thấy rất nhiều người đến [các nền tảng tiền mã hóa] để tìm kiếm sự giúp đỡ”, Youssef nói. “Tất cả đều di chuyển theo dòng chảy của thế giới địa chính trị, và chúng ta phải sẵn sàng cho điều đó”.
Ở El Salvador, chính phủ đã quyết định rằng thay vì kìm hãm tiền mã hóa, họ nên nắm lấy nó. Đối với Domjan, cho dù dự án này thành công hay thất bại, nó đã thay đổi cuộc chơi.
“El Salvador là một đất nước thực sự”, ông nói. “Nó không bị trừng phạt, nó là một thành viên của IMF, nó được đưa vào hệ thống tài chính quốc tế. Điểm chính là nó mang lại yếu tố chính thống. Chúng ta sẽ có các bài học về cách một quốc gia có thể triển khai một loại tiền kỹ thuật số có khả năng giao dịch quốc tế như một phương tiện thanh toán”.