VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»AmCham: Vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng sẽ tăng bất chấp Covid-19

AmCham: Vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng sẽ tăng bất chấp Covid-19

14:40 - 07/09/2021

Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hà Nội tỏ thái độ lạc quan về triển vong dài hạn đối với vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Covid đã làm gián đoạn nhưng không phá hoại vai trò ngày càng mở rộng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam, theo người đứng đầu Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hà Nội.

Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất và xuất khẩu khi đối mặt với sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19. Điều này đã gây thêm áp lực cho chuỗi cung ứng các sản phẩm từ quần áo, chip máy tính đến xe ô tô trên toàn cầu, vốn đã căng thẳng khi giá vận chuyển hàng hóa đường biển tăng cao chóng mặt.

Ông Adam Sitkoff, giám đốc điều hành AmCham Hà Nội.

Ông Adam Sitkoff, giám đốc điều hành AmCham Hà Nội.

“Ngay cả với các vấn đề về chuỗi cung ứng và việc ngừng hoạt động mà họ gặp phải vì Covid hiện nay, thì Việt Nam vẫn sẽ hoạt động rất tốt về mặt kinh tế và nước này đang ngày càng trở thành một phần quan trọng hơn của chuỗi cung ứng toàn cầu – đặc biệt là đối với những mặt hàng ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ”, Adam Sitkoff, giám đốc điều hành của AmCham nói trên kênh truyền hình Bloomberg.

Mặc dù bị Covid cản đường trong việc tăng trưởng chuỗi cung ứng và có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ dưới 3%, Sitkoff vẫn nhận thấy Việt Nam sẽ thu hút đầu tư, bao gồm cả các công ty di dời ra khỏi Trung Quốc. Ông nhận xét việc chuyển dịch một phần chuỗi cung ứng của các công ty Mỹ ra khỏi Trung Quốc đã diễn ra “rất tốt đẹp” trước khi có biến thể Delta. Ông cũng nêu bật tỷ lệ tăng trưởng tốt nhất châu Á của Việt Nam vào năm ngoái, đạt 2,9%.

Hiện tại, AmCham đang hướng tới mục tiêu đảm bảo rằng các chính sách về Covid “ít gây gián đoạn nhất có thể cho hoạt động kinh doanh”, khi các công ty Mỹ đang tìm cách để có hàng trước mùa lễ mua sắm cuối năm rất quan trọng, theo Sitkoff.

Khảo sát các thành viên của AmCham cho thấy, 90% rất lo ngại về tác động kinh tế của Covid-19, 65% nói rằng đợt bùng phát hiện tại đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình và hơn 1/4 cho biết các biện pháp chống dịch có thể gây thiệt hại hoặc dừng kinh doanh nếu tiếp tục đến tháng 10.

Các công ty Mỹ cũng cho biết các trở ngại lớn nhất đối với họ là: doanh thu và nhu cầu dịch vụ giảm; chậm trễ trong việc cấp giấy phép và visa; và thiếu vaccine.

Theo Sitkoff, có những thành viên của AmCham phải mất chi phí gấp 3 lần để có được 50% người lao động làm việc. Điều này “gây ra gánh nặng cho chuỗi cung ứng”, ông nói.

Các nhà phân tích tại Tập đoàn Ngân hàng Australia & New Zealand (ANZ) cũng có giọng điệu tương tự trong một báo cáo hôm thứ Ba. Họ nêu bật triển vọng dài hạn của Việt Nam mặc dù hiện nay nhu cầu trong nước đang “sụt giảm sâu”.

“Ngoài những thách thức ngắn hạn, triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam vẫn thuận lợi”, các nhà phân tích bao gồm Dhiraj Nim và Khoon Goh viết trong báo cáo. Tuy nhiên, họ cũng đồng thời cảnh báo rủi ro giảm đối với dự báo tăng trưởng 5,2% trong cả năm 2021 của ANZ. “Đại dịch đã không làm thay đổi sức hấp dẫn của đất nước này với tư cách là một trung tâm sản xuất. Ngoài ra còn có nhiều dư địa cho các biện pháp hỗ trợ chính sách nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế hơn nữa”.

Theo báo cáo của ANZ, hoạt động kinh tế của Việt Nam đã thu hẹp 4 tháng liên tiếp tính đến tháng 8. Và tháng 9 cũng có một “khởi đầu tệ”. ANZ đã giảm dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam từ 7,7% xuống 5,2% vào tháng trước.