VNReport»Top»10 cảng biển lớn nhất Việt Nam

10 cảng biển lớn nhất Việt Nam

10:32 - 08/09/2021

Cảng Sài Gòn là cảng biển lớn nhất Việt Nam và lớn thứ 22 thế giới, với 7,2 triệu TEU hàng hóa qua cảng trong năm 2020.

Với đường biển trải dài hơn 3.000 km, Việt Nam có hệ thống cảng biển đang ngày càng phát triển mạnh. Tính đến năm 2020, nước ta đã có 49 cảng biển, với tổng cộng 286 bến cảng. Những con số này sẽ còn cao hơn trong tương lai, khi nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng mạnh.

Sau đây là 10 cảng biển lớn nhất nước ta.

  1. Cảng Sài Gòn

Cảng Sài Gòn là hệ thống cảng biển lớn nhất Việt Nam, với số TEU (đơn vị đo sức chứa hàng hóa tương đương với một container tiêu chuẩn dài 6,1 m) qua cảng đạt 7,2 triệu trong năm 2020. Cùng năm, Cảng Sài Gòn đứng thứ 22 trên thế giới về mức độ nhộn nhịp.

Cụm cảng Sài Gòn có nhiều khu bến cảng bao gồm: cảng Hiệp Phước, cảng Cát Lái, Tân Cảng, Bến Nghé, …

Cảng Sài Gòn được thành lập với tên gọi Thương Cảng Sài Gòn vào ngày 22/2/1860, khi người Pháp kéo quân vào miền Nam. Qua nhiều giai đoạn phát triển, Cảng Sài Gòn đã trở thành cảng quốc tế chính của miền Nam, là cửa ngõ xuất nhập khẩu của khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

  1. Cảng Hải Phòng

Cảng Hải Phòng được xây dựng năm 1874, dưới thời Pháp thuộc, là nơi được sử dụng để đổ bộ và tiếp tế cho quân đội viễn chinh. Đến năm 1939, cảng này đảm nhiệm 23% khối lượng vận chuyển xuất nhập khẩu của Đông Dương.

Đây là cảng biển lớn nhất ở miền Bắc và lớn thứ 2 ở Việt Nam. Lượng hàng hóa qua cảng đạt 5,1 triệu TEU trong năm 2019.

Hiện, Cảng Hải Phòng có 5 chi nhánh, đơn vị. Khu vực cảng có 21 cầu tàu với tổng chiều dài 2.567 m, diện tích kho 52.052 m2, công suất xếp dỡ hàng hóa 10 triệu tấn.

  1. Cảng Vũng Tàu

Cảng Vũng Tàu là cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia và đầu mối quốc tế thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Cảng hiện nay gồm 4 khu bến: Cái Mép – Sao Mai Bến, Phú Mỹ – Mỹ Xuân, Sông Dinh và Bến Đầm – Côn Đảo và có 10 cảng lớn phục vụ cho nhu cầu thương mại và kinh doanh dầu khí tại miền Đông Nam Bộ.

Cảng Cái Mép – Thị Vải là hệ thống cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến có khả năng chuyên chở 100.000 tấn (DWT), tàu chở dầu, khí đến 80.000 DWT và tàu container 214.000 DWT.

Trong năm 2019, lượng hàng hóa qua cảng là 3,7 triệu TEU.

  1. Cảng Đà Nẵng

Cảng Đà Nẵng là cảng biển đầu mối quốc gia, gồm 3 khu: Tiên Sa – Sơn Trà, Liên Chiểu và Thọ Quang. Trong đó, bến cảng Tiên Sa – Sơn Trà là khu bến chính, đóng góp nhiều cho kinh tế Đà Nẵng. Khu bến này có tổng diện tích bãi đạt hơn 178.000 m2 và hơn 14.000 m2 tổng diện tích kho.

Cảng có hệ thống giao thông đường bộ nối liền thông suốt với Sân bay quốc tế Đà Nẵng, cách quốc lộ 1A khoảng 12 km và gần đường hàng hải quốc tế. Cảng còn được chọn là điểm đến cuối cùng trong tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, nối liền 4 nước trong khu vực: Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam.

  1. Cảng Vân Phong

Cảng Vân Phòng nằm tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Đây là cảng có tiềm năng trở thành cảng trung chuyển quốc tế vì vị trí gần với các tuyến đường biển quốc tế, với khoảng cách vượt Thái Bình Dương ngắn hơn so với Hong Kong và Singapore.

Cảng Vân Phong hiện có 2 khu bến là: Mỹ Giang và Dốc Lết – Ninh Thủy. Bến Mỹ Giang chuyên dùng cho các sản phẩm dầu, có năng lực tiếp nhận tàu chở dầu đến 350.000 DWT. Bến Dốc Lết – Ninh Thủy chuyên dùng cho hàng rời.

  1. Cảng Quy Nhơn

Cảng Quy Nhơn thuộc địa phận thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Cảng có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải từ 30.000 đến 50.000 DWT. Tổng diện tích mặt bằng của cảng là hơn 306.000 m2, tổng diện tích kho chiếm gần 31.000 m2. Diện tích bãi 201.000 m2 với bãi chứa container chiếm 48.000 m2.

Cảng Quy Nhơn hiện có 1 khu bến cảng Thị Nại và có 6 bến cảng. Với vị trí được bán đảo Phương Mai che chắn, kín gió, cảng rất thuận lợi cho tàu neo đậu và xếp dỡ hàng hóa quanh năm.

  1. Cảng Quảng Ninh

Cảng Quảng Ninh là cảng biển quan trọng thứ 2 ở miền Bắc, sau cảng Hải Phòng. Hiện tại, cảng Quảng Ninh có diện tích 154.700 m2, tổng kho đạt 5.400 m2 và bãi chứa container lên đến 49.000 m2.

Cảng này có hệ thống đường thủy, đường bộ tới các vùng kinh tế lân cận đồng bộ, thuận tiện. Cảng cũng có các ưu thế tự nhiên như: vụng nước sâu nằm gần biển, luồng lạch ngắn ít bị sa bồi, được vịnh Hạ Long bao bọc.

  1. Cảng Cửa Lò

Cảng Cửa Lò thuộc địa phận tỉnh Nghệ An, là cảng đầu mối quan trọng ở vùng Bắc Trung Bộ. Một phần hàng qua cảng là hàng quá cảnh của nước láng giềng Lào và đông bắc Thái Lan.

Cảng có tổng diện tích 450 ha, chiều dài 3.020 m và có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 30.000 DWT – 50.000 DWT. Theo quy hoạch đến năm 2030, Cảng Cửa Lò sẽ được xây dựng thành cảng biển quốc tế, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 100.000 DWT.

  1. Cảng Dung Quất

Cảng Dung Quất thuộc tỉnh Quảng Ngãi là cảng biển tổng hợp quốc gia, được đưa vào khai thác từ cuối năm 2008. Cảng Dung Quất góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp lân cận.

Mỗi năm, có khoảng 0,6 triệu tấn hàng hóa xếp dỡ qua cảng, với 150 tàu cập cầu. Cảng Dung Quất hiện có diện tích kho cảng đạt 3.600 m2 và bãi cảng lên đến 50.000 m2. Khu bến tổng hợp ở cảng là bến container cho tàu có trọng tải từ 10.000 – 30.000 DWT. Bến chuyên dùng cho công nghiệp nặng có thể tiếp nhận tàu từ 20.000 – 70.000 DWT.

  1. Cảng Chân Mây

Cảng Chân Mây nằm tại tỉnh Thừa Thiên Huế, là cảng biến tổng hợp đầu mối loại 1. Cảng có khả năng đón nhận tàu container hàng hóa với trọng tải 50.000 DWT. Theo quy hoạch, đến năm 2030, cảng này sẽ có 8 bến hàng tổng hợp với chiều dài là 2.280 m.

DCIM100MEDIADJI_0146.JPG

Cảng Chân Mây còn là 1 trong 46 cảng biển được Hiệp hội Du thuyền châu Á lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á. Cảng có khả năng đón tàu du lịch quốc tế có chiều dài đến 362 m và dung tích 225.282 GRT.