VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Hàng chục nghìn tấn nông sản phía Nam ùn ứ, dư thừa do đứt gãy chuỗi cung ứng

Hàng chục nghìn tấn nông sản phía Nam ùn ứ, dư thừa do đứt gãy chuỗi cung ứng

00:17 - 13/09/2021

Chỉ riêng tại Bình Dương, mỗi ngày đang tồn hơn 2.000.000 quả trứng gà và 200.000 quả trứng cút.

Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Bình Dương cho biết do đứt gãy trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản nên nhiều mặt hàng ở Bình Dương đã rơi vào tình trạng dư thừa. Cụ thể, hiện tỉnh dư thừa khoảng 80 tấn dưa lưới, 70 tấn chuối và 30 tấn chanh không hạt. Đặc biệt, các sản phẩm rau ăn lá cũng thừa nhiều và gặp khó khăn trong tiêu thụ.

Trong chăn nuôi, gà công nghiệp lông trắng vẫn là sản phẩm tiêu thụ khó khăn nhất. Bên cạnh đó, nhu cầu các sản phẩm trứng cũng giảm nên khả năng tiêu thụ cũng chững lại. Hiện mỗi ngày Bình Dương đang tồn hơn 2.000.000 quả trứng gà và 200.000 quả trứng cút.

Mỗi ngày Bình Dương đang tồn hơn 2 triệu quả trứng gà

Tại Đồng Nai, theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh, hiện trái cây dư khoảng 50 tấn bưởi; 200 tấn cam, quýt; 800 tấn củ đậu; rau củ quả dư khoảng 1.000 tấn; gà lông trắng dư thừa 200.000 con, vịt dư 80.000 con, dê dư 6.000 con, chim cút dư 300.000 con. Riêng thủy sản tại tỉnh Đồng Nai cũng đang dư khoảng 1.000 tấn, trong đó có 800 tấn cá nước ngọt, 200 tấn tôm.

Tại Gia Lai, tỉnh này còn 30.000 con gà công nghiệp lông trắng đến thời điểm xuất chuồng, khoảng 1.500 ha rau với sản lượng khoảng 25.000 sắp được thu hoạch nhưng gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ dù đã có nhiều chương trình kết nối cung cầu. Ngoài ra, còn có hơn 7.500 ha trái cây chủ yếu là bơ, sầu riêng, nhãn đang vào giai đoạn thu hoạch rộ nhưng chưa có đầu ra.

Tại Sóc Trăng đang tồn khoảng hơn 50 tấn khoai môn, 20 tấn ớt sừng vàng, gần 1.000 tấn cá chẻm đầu ra đang bị tắc nghẽn, cần được hỗ trợ tiêu thụ tại các thị trường ngoài tỉnh, đặc biệt là thị trường TP HCM.

Trước tình trạng này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị, các Sở NN-PTNT cần tiếp tục duy trì Tổ phát triển thị trường hay Tổ kết nối nông sản, để gắn kết thông tin với Bộ và với doanh nghiệp. Theo đó, tư duy bán hàng phải cụ thể, rành mạch, hàng hóa ở đâu, cung cấp thế nào phải nắm được. Đặc biệt, các tỉnh không nên cạnh tranh để giành thị phần, hạ giá nông sản để “phá giá”, làm mất giá trị sản phẩm. Nông sản phải tính theo giá thành, tính các chi phí và cố gắng nâng giá trị bằng thương hiệu, bao bì, mẫu mã…

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Bộ Giao thông vận tải với Sở Giao thông vận tải 63 tỉnh, thành phố về công tác vận tải hàng hóa gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vvừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đã yêu cầu thời gian tới các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quan tâm đặc biệt đảm bảo giao thông thông suốt, nhưng phải thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tổng cục Đường bộ thông báo rộng rãi về việc cấp mã QR Code, triển khai phần mềm tự động cấp mã QR Code, khắc phục tình trạng tiêu cực.