VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Hạn chế đi lại gây thiệt hại kinh tế cho châu Á

Hạn chế đi lại gây thiệt hại kinh tế cho châu Á

12:08 - 13/09/2021

Các doanh nghiệp đa quốc gia đang trì hoãn đầu tư và cắt giảm việc làm khi các hạn chế đi lại do Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Thiệt hại kinh tế từ các hạn chế đi lại do Covid-19 đang chồng chất, khi nhiều công ty đa quốc gia kìm hãm các khoản đầu tư lớn hoặc trì hoãn quyết định đầu tư do việc đóng cửa biên giới và chậm trễ trong cấp thị thực.

Tình hình nghiêm trọng nhất ở châu Á, nơi các chính phủ từ chối dỡ bỏ các hạn chế đi lại đã kéo dài hơn 1 năm do lo ngại biến thể Delta. Trung Quốc hầu như đóng cửa biên giới kể từ tháng 3/2020. Nhật Bản, Úc, Singapore và các quốc gia khác vẫn đang phong tỏa biên giới hoặc yêu cầu cách ly kéo dài đối với du khách.

Những hạn chế với mức độ thấp hơn ở Châu Âu, Nam Mỹ và các nơi khác đang góp phần gây ra ảnh hưởng kéo dài trong nhiều ngành công nghiệp từ du lịch đến giáo dục đại học. Trước tình hình này, các công ty đang buộc phải suy nghĩ lại về chiến lược ở nước ngoài và từ bỏ một số dự án có thể giúp duy trì tăng trưởng của các quốc gia.

Sảnh đi vắng vẻ ở Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.

Sảnh đi vắng vẻ ở Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.

François Grezes, giám đốc sản xuất châu Á tại D3O – một nhà sản xuất đồ bảo hộ cho người đi xe máy của Anh, đã quản lý nhóm của mình ở Trung Quốc từ miền nam nước Pháp trong 1 năm nay sau khi không lấy được thị thực để quay lại Trung Quốc.

Ông cho biết công ty của mình muốn tìm thêm đối tác sản xuất và bổ sung thêm nhân viên và thiết bị thử nghiệm tại Trung Quốc, do nhu cầu đối với các sản phẩm của họ tăng vọt trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, những kế hoạch đó đã phải tạm dừng, vì D30 không có quản lý cấp cao ở Trung Quốc để tìm kiếm các nhà máy sản xuất mới. “Thị trường xe máy đang bùng nổ” ông Grezes nói. “Nhưng chúng tôi không thể tạo ra sản phẩm đủ nhanh”.

Vào tháng 7, Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Trung Quốc cho biết các hạn chế đi lại liên quan đến Covid là 1 trong 3 thách thức hàng đầu đối với các thành viên trong năm nay. Khách nước ngoài cần có sự chấp thuận đặc biệt của chính phủ để vào Trung Quốc và những người có thị thực phải thực hiện cách ly ở một số thành phố kéo dài đến 28 ngày. Gần 30% số người được hỏi trong cuộc thăm dò ý kiến của Hội đồng đã trì hoãn hoặc hủy bỏ các quyết định kinh doanh quan trọng vì các giám đốc điều hành không ở trong nước.

Phòng Thương mại Mỹ ở miền nam Trung Quốc, trung tâm của ngành công nghiệp sản xuất, cho biết việc thiếu thị thực kinh doanh dẫn đến số lượng dự án lớn giảm. Chỉ 4% thành viên được khảo sát cho biết họ đã lập ngân sách cho các khoản tái đầu tư trị giá hơn 250 triệu USD. Các doanh nghiệp cho rằng một nguyên nhân là họ không thể cử các kỹ sư có khả năng giám sát việc xây dựng hoặc thay đổi dây chuyền sản xuất.

Phòng Thương mại Mỹ dự đoán tổng vốn tái đầu tư sẽ vẫn ổn định, khi các công ty chuyển hướng chi tiêu sang các dự án nhỏ hơn, như mở rộng nhà máy hiện có. Tuy nhiên, việc khan hiếm các khoản tái đầu tư lớn sẽ “tác động nghiêm trọng đến sản lượng sản xuất của Trung Quốc 2-3 năm sau”.

Cảnh sát yêu cầu người dân quét mã QR để đăng ký thông tin đi lại ở Bắc Kinh.

Cảnh sát yêu cầu người dân quét mã QR để đăng ký thông tin đi lại ở Bắc Kinh.

Jake Phipps, người sáng lập Phipps & Co., một doanh nghiệp trang trí nội thất ở New York, đã thu mua sản phẩm từ Trung Quốc trong gần 2 thập kỷ. Sau khi Covid-19 tấn công, nhà quản lý doanh nghiệp ở Trung Quốc của Phipps bị buộc phải rời khỏi đất nước và chuyển đến Việt Nam, mang theo nhiều đơn đặt hàng của công ty.

Ông Phipps cho biết, nguồn cung của sàn gỗ được chuyển đến Belarus và Tây Ban Nha, trong khi một số sản phẩm đá cẩm thạch và đá được chuyển đến Brazil. Khoảng 40% tổng số đơn đặt hàng của ông hiện đến các nhà máy ở Trung Quốc, so với khoảng 3/4 trước tháng 3/2020.

Việc không thể đến Trung Quốc cản trở khả năng tiến hành đàm phán trực tiếp với các chủ nhà máy để giữ cho chi phí sản xuất ở mức cạnh tranh. “Các chuyến tham quan sàn nhà máy là nơi bạn gặp ông chủ, tạo mối quan hệ, thương lượng về chiết khấu”, ông nói. “Điều đó hiện đã biến mất”.

Các rào cản đi lại đã làm trầm trọng thêm những vấn đề khác ở châu Á, bao gồm tắc nghẽn cảng, chi phí vận chuyển tăng cao và căng thẳng địa chính trị.

Trong một bức thư ngỏ vào tháng 8 gửi tới Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam, Phòng Thương mại Châu Âu cảnh báo rằng hạn chế đi lại có thể dẫn đến việc nhiều người nước ngoài rời đi và đe dọa hơn nữa vị thế của thành phố như một trung tâm kinh doanh quốc tế. Hầu hết những người đến từ nước ngoài phải cách ly trong một phòng khách sạn trong khoảng thời gian lên đến 3 tuần. Người phát ngôn của chính phủ cho biết nhà chức trách đã xin lỗi vì sự gián đoạn và đang cố gắng bảo vệ thành phố.

Cũng như ở Hong Kong, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Tokyo đã bày tỏ quan ngại sâu sắc rằng việc hạn chế đi lại và cách ly bắt buộc đang làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của họ.

Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản trong tháng này đề xuất mở cửa biên giới của Nhật Bản cho người nước ngoài đã được tiêm vaccine, đồng thời cho biết họ lo ngại nước này đang tụt hậu so với Mỹ và châu Âu, những quốc gia cởi mở hơn với du lịch quốc tế. Hiện tại, Nhật Bản cấm gần như tất cả khách nước ngoài ở lại trong thời gian ngắn.

Những người nhập cảnh vào Nhật Bản phải tự cách ly trong 14 ngày. Liên đoàn đang kiến ​​nghị chính quyền giảm bớt điều này để giúp các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản đi ra nước ngoài dễ dàng hơn. Thủ tướng Yoshihide Suga hôm thứ Năm cho biết ông muốn mở cửa trở lại Nhật Bản theo khuyến nghị của liên đoàn, nhưng không nêu rõ thời gian.

Một vị khách đang cách ly ở khách sạn trong Sân bay Melbourne, Úc.

Một vị khách đang cách ly ở khách sạn trong Sân bay Melbourne, Úc.

Tại Úc, các trường đại học đang gặp khó khăn để có được thị thực cho sinh viên quốc tế nhập cảnh kể từ khi Thủ tướng Scott Morrison đóng cửa biên giới đối với những người không phải công dân và không cư trú vào tháng 3/2020.

Học phí từ sinh viên quốc tế giảm dẫn đến hơn 1,8 tỷ USD doanh thu mất mát cho các trường đại học Úc vào năm 2020 và góp phần làm mất đi 17.000 việc làm, theo tổ chức Universities Australia. Tổ chức này dự kiến ​​sẽ mất ít nhất 2 tỷ USD nữa trong năm nay, trong khi các trường đại học đã thông báo cắt giảm thêm 950 việc làm.

Tại Singapore, giới hạn nhập cảnh khiến việc đưa lao động nhập cư từ các quốc gia như Ấn Độ và Bangladesh trở nên khó khăn hơn, dẫn đến việc những dự án xây dựng bị trì hoãn lên đến cả năm. Các nhà thầu đã vận động chính quyền mở biên giới có chọn lọc để giảm bớt tình trạng thiếu nhân lực.

Dữ liệu của chính phủ cho thấy có ít hơn khoảng 52.000 công nhân làm việc vào tháng 12/2020 so với cuối năm 2019. Điều đó đã đẩy lương và chi phí khác lên cao. Các nhà thầu phải trả khoảng 4.500 USD cho đợt cách ly 4 tuần để nhập cảnh 1 công nhân mới, Ng Yek Meng, chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Singapore, cho biết.

Trong khi đó, tác động của các hạn chế biên giới đối với du lịch vẫn tiếp tục gia tăng.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc, tính đến tháng 6, 70% điểm đến ở Châu Á – Thái Bình Dương được coi là “đóng cửa hoàn toàn”. Trong khi đó, 13% đóng cửa ở Châu Âu, 20% ở Châu Mỹ và 31% ở Trung Đông.

Vào năm 2020, du lịch và lữ hành toàn cầu bị thiệt hại gần 4,5 nghìn tỷ USD, tương đương với quy mô tổng sản phẩm quốc nội của Đức, với khoảng 62 triệu việc làm bị mất, theo Hội đồng Du lịch & Lữ hành Thế giới. Du lịch quốc tế năm nay chỉ bằng khoảng 20% ​​so với năm 2019, theo Willie Walsh, người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế.

Nhiều công ty đã tìm cách để giải quyết các hạn chế đi lại, bằng họp trực tuyến và các công cụ khác. Thương mại quốc tế là một trong những điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu và hầu hết doanh nghiệp nhận thấy có thể tiếp tục đặt hàng và nhận hàng từ nước ngoài mà không cần phải đi lại nhiều.

Một số doanh nghiệp cũng mong muốn đầu tư vào các quốc gia bị hạn chế đi lại, bao gồm cả Trung Quốc. Trong 7 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài được sử dụng thực tế của Trung Quốc đạt khoảng 101 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2019, theo Bộ Thương mại nước này.