VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Evergrande nguy cơ vỡ nợ, Trung Quốc bơm 14 tỷ USD

Evergrande nguy cơ vỡ nợ, Trung Quốc bơm 14 tỷ USD

18:11 - 19/09/2021

Trung Quốc bơm tiền vào hệ thống tài chính khi giới đầu tư lo lắng về khả năng vỡ nợ của Evergrande – tập đoàn bất động sản lớn nhất nước này – có thể gây rủi ro hệ thống.

Trung Quốc tăng mạnh lượng vốn ngắn hạn đổ vào hệ thống tài chính của mình. Đây là một dấu hiệu cho thấy nhà chức trách đang cố gắng xoa dịu những lo lắng của thị trường về nhu cầu vốn cuối quý và đặc biệt là cuộc khủng hoảng nợ ở Evergrande – tập đoàn bất động sản lớn nhất nước này.

Theo Bloomberg, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 17/9 đã bơm 90 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 14 tỷ USD, thông qua nghiệp vụ repo nghịch đảo kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày. Đây là đợt bơm vốn ngắn hạn mạnh tay nhất của PBOC bằng nghiệp vụ này kể từ tháng 2, và cũng là lần đầu tiên trong tháng 9 này PBOC bơm hơn 10 tỷ Nhân dân tệ vốn ngắn hạn vào hệ thống ngân hàng chỉ trong 1 ngày.

Evergrande đang nợ hơn 300 tỷ USD.

Evergrande đang nợ hơn 300 tỷ USD.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Evergrande đã làm dấy lên lo ngại về sức khỏe của thị trường bất động sản và tín dụng của Trung Quốc. Áp lực càng gia tăng do nhu cầu tiền mặt tăng đột biến vào cuối quý, trong khi các ngân hàng không muốn cho vay vào thời điểm này vì đang chuẩn bị cho đợt kiểm tra quy chế. Ngoài ra, thanh khoản trong hệ thống tài chính của Trung Quốc cũng có xu hướng giảm vào thời điểm này trong năm, trước kỳ nghỉ lễ quốc khánh kéo dài 1 tuần vào đầu tháng 10.

“Tránh tình trạng siết chặt thanh khoản trên toàn hệ thống là ưu tiên tuyệt đối của PBOC vào lúc này và họ có các công cụ để làm điều đó”, Báo cáo của Societe Generale cho biết. “Chúng tôi không dự báo sẽ có một cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng một cuộc suy thoái sâu và kéo dài là có thể xảy ra”.

Những lo lắng về Evergrande đang tăng lên vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Các biện pháp chống Covid-19 mạnh tay đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động tiêu dùng và đi lại tại quốc gia này. Ngoài ra, các biện pháp hạ nhiệt bất động sản cũng tác động mạnh đến thị trường địa ốc nước này. Dữ liệu công bố hôm thứ Tư cho thấy doanh số bán lẻ tháng 8 của Trung Quốc giảm tốc, sản lượng công nghiệp và đầu tư tài sản cố định cũng suy yếu.

PBOC đang cố gắng đạt được sự cân bằng giữa việc kích thích nền kinh tế và đảm bảo rằng việc bơm tiền sẽ không dẫn đến bong bóng tài sản. Kể từ tháng 7, PBOC đã tránh bơm thêm thanh khoản trung hạn vào hệ thống tài chính ngay cả khi các khoản vay chính sách đáo hạn.

“Có thể nói rằng tình hình ở Evergrande và tác động đến thị trường bất động sản có tác động lớn hơn nhiều đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc so với bất kỳ sự thắt chặt quy định nào”, Alvin Tan, trưởng phòng Chiến lược ngoại hối châu Á tại Royal Bank of Canada ở Hongkong, cho biết. “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu PBOC hành động để kiểm soát tác động của cuộc khủng hoảng Evergrande đối với thị trường tiền tệ”.

Tình hình bấp bênh của Evergrande đang khiến giới quan sát đặt ra tình huống xấu nhất và suy đoán về mức độ mà chính phủ Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận thiệt hại trong cuộc khủng hoảng này. Áp lực đòi Bắc Kinh can thiệp vào Evergrande ngày càng lớn, vì có dấu hiệu ảnh hưởng tài chính sẽ lan rộng.

Việc PBOC bơm thanh khoản mạnh vào ngày 17/9 vẫn chưa làm giảm lãi suất trên thị trường tiền tệ. Lãi suất repo kỳ hạn 7 ngày trên thị trường cho vay liên ngân hàng ngày 17/9 tăng 0,12% lên 2,39%, cao nhất kể từ tháng 7.

Frances Cheung, chiến lược gia lãi suất tại ngân hàng OCBC ở Singapore cho biết: “PBOC một lần nữa đã chứng minh cho thị trường thấy rằng họ sẵn sàng giúp đỡ, nhưng chỉ khi thực sự cần thiết”.