VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Giá năng lượng tăng có thể gây lạm phát ở châu Âu

Giá năng lượng tăng có thể gây lạm phát ở châu Âu

09:18 - 20/09/2021

Người tiêu dùng châu Âu sẽ đối mặt với hóa đơn năng lượng cao hơn, đe dọa sự phục hồi kinh tế sau đại dịch của khu vực, theo các nhà kinh tế.

Các nhà kinh tế cảnh báo rằng giá năng lượng tăng cao sẽ đẩy lạm phát chung tăng trên khắp châu Âu trong năm nay, làm tổn thương người tiêu dùng và đe dọa sự phục hồi kinh tế sau đại dịch của khu vực.

Giá khí đốt chuẩn của châu Âu tăng gấp 3 lần trong năm nay, ngay cả trước khi có nhu cầu cao điểm vào mùa đông. Equinor của Na Uy, một trong những nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu, đã cho biết rằng giá năng lượng cao có thể kéo dài đến năm 2022 và cảnh báo giá có thể tăng đột biến.

Claus Vistesen, nhà kinh tế trưởng khu vực đồng euro tại Pantheon Macroeconomics cho biết: “Hãy chuẩn bị cho sự gia tăng giá khí đốt ở khu vực đồng euro”. Daniel Kral, nhà kinh tế tại Oxford Economics, nói thêm rằng giá năng lượng tăng sẽ thúc đẩy “sự gia tăng lạm phát của khu vực đồng euro”.

Một trong những nguyên nhân giá năng lượng ở châu Âu tăng cao là các chính sách biến đổi khí hậu.

Một trong những nguyên nhân giá năng lượng ở châu Âu tăng cao là các chính sách biến đổi khí hậu.

Có nhiều lý do đằng sau đợt tăng giá này. Đầu tiên là các chính sách biến đổi khí hậu như giấy phép cacbon gây áp lực lên giá nhiên liệu hóa thạch bao gồm than đá và khí tự nhiên. Kho dự trữ năng lượng của châu Âu đang đạt mức thấp và những cơn bão ở Mỹ đã hạn chế xuất khẩu khí đốt của bang Texas. Ngoài ra, nhu cầu cũng đang tăng lên khi các nền kinh tế mở cửa trở lại.

Chỉ số giá tiêu dùng năng lượng của khu vực đồng euro đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 1996. Vào tháng 8, mức tăng 15,4% theo năm của giá năng lượng đẩy tỷ lệ lạm phát của khu vực lên 3% – mức cao nhất trong 1 thập kỷ. Con số này cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Tuy nhiên, các quan chức và nhà kinh tế ECB cho biết họ dự báo sự gia tăng chỉ là tạm thời, vì những yếu tố như gián đoạn chuỗi cung ứng, khi các nước phát triển hồi phục sau đại dịch.

Mặc dù vậy, giá năng lượng tăng kéo dài có thể làm lệch các dự báo lạm phát đó. Hóa đơn năng lượng cao hơn cũng sẽ ảnh hưởng đến ngân sách hộ gia đình và niềm tin của người tiêu dùng, đe dọa sự phục hồi kinh tế. Điều đó “sẽ như một biện pháp tăng thuế đối với các hộ gia đình… giảm mức tiêu dùng của họ và làm chậm đà hồi phục của châu Âu, vốn có động lực chính từ sự phục hồi chi tiêu tiêu dùng”, Nick Andrews, nhà phân tích tại Gavekal, một nhóm nghiên cứu đầu tư, nói.

Năng lượng chiếm gần 10% chi tiêu của người tiêu dùng ở châu Âu, vì vậy “mức tăng giá năng lượng 2 con số theo năm… đang có một tác động quan trọng”, Peter Vanden Houte, nhà kinh tế trưởng của ING, cho biết.

Tác động của giá năng lượng cao vượt ra ngoài EU. Vào tháng 8, tỷ lệ lạm phát giá năng lượng hàng năm đã tăng hơn 60% ở Na Uy, vượt 20% ở Canada và Mỹ, và ghi nhận mức tăng 2 con số ở Hàn Quốc, Chile và Mexico.

Chỉ số giá tiêu dùng năng lượng ở khu vực đồng euro. Nguồn: Financial Times, Eurostat và Refintiv.

Chỉ số giá tiêu dùng năng lượng ở khu vực đồng euro. Nguồn: Financial Times, Eurostat và Refintiv.

Điều này đã có tác động lên những mặt hàng khác, đẩy giá dầu và có thể là thực phẩm lên cao. Đối mặt với nguy cơ đó, các chính phủ đã có biện pháp phản ứng.

Tuần trước, Tây Ban Nha công bố việc thu hồi 3 tỷ euro lợi nhuận của các công ty năng lượng. Chính phủ Ý chi khoảng 1,2 tỷ euro để trợ cấp cho những hóa đơn của người tiêu dùng. Một số nhà lập pháp EU cũng kêu gọi một cuộc điều tra về việc liệu nhà xuất khẩu khí đốt Nga Gazprom có ​​thao túng giá khí đốt hay không.

Alexei Miller, người đứng đầu Gazprom, cho biết hôm thứ Sáu rằng lượng dự trữ thấp có thể khiến giá khí đốt châu Âu lên mức cao mới trong suốt mùa đông, theo tờ Tass của Nga.

Ngoài ra, giá giấy phép cacbon, một công cụ trọng tâm trong kế hoạch cắt giảm khí thải ở EU, đã tăng gần gấp đôi trong năm nay. Điều này “cho thấy rằng hóa đơn năng lượng sẽ cao hơn trong tương lai”, Jessica Hinds, nhà kinh tế tại Capital Economics, cho biết.

Tác động lạm phát tức thời của giá năng lượng cao là không thể chối cãi. Nhà kinh tế học Silvia Ardagna của Barclays ước tính điều này có thể đẩy lạm phát khu vực đồng euro lên mức đỉnh 4,3% vào tháng 11 này.

Liệu điều đó có dẫn đến lạm phát cơ bản (lạm phát không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm – thước đo của ECB để đánh giá chính sách tiền tệ) cao hơn là một vấn đề khác. “Chỉ riêng lạm phát năng lượng cao hơn sẽ không thúc đẩy ECB”, Vistesen nói.