VNReport»Top»10 nước sản xuất cà phê nhiều nhất thế giới

10 nước sản xuất cà phê nhiều nhất thế giới

16:36 - 21/09/2021

Việt Nam đứng đầu về sản lượng cà phê robusta và đứng thứ 2 về tổng sản lượng robusta và arabica.

Cà phê là một trong những đồ uống phổ biến nhất thế giới. Vì vậy, hạt cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nhiều quốc gia trên thế giới. Cây cà phê được trồng ở hơn 70 nước, chủ yếu trong các khu vực gần xích đạo ở châu Mỹ, Đông Nam Á, tiểu lục địa Ấn Độ và châu Phi.

Sau đây là 10 nước sản xuất cà phê nhiều nhất thế giới, theo số liệu của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO).

  1. Brazil (3,8 triệu tấn)

Sản xuất cà phê đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Brazil và tiếp tục là một động lực của nền kinh tế đất nước.

Cây trồng này được đưa đến Brazil lần đầu tiên vào đầu thế kỷ 18 bởi những người nhập cư từ Pháp. Khi cà phê ngày càng trở nên phổ biến với người châu Âu, Brazil trở thành nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới từ những năm 1840 và giữ vững vị trí đó cho đến ngày nay.

Trên khắp lãnh thổ nước này, ước tính có hơn 300.000 đồn điền cà phê. Trong năm 2020, Brazil đã sản xuất 3,8 triệu tấn mặt hàng này, chiếm hơn 1/3 sản lượng toàn thế giới.

  1. Việt Nam (1,7 triệu tấn)

Mặc dù là người chơi mới trên thị trường cà phê quốc tế, Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một trong những nhà sản xuất lớn nhất. Vào những năm 1980, cà phê bắt đầu được đầu tư mạnh, giúp sản lượng tăng lên 20-30% mỗi năm trong thập kỷ sau đó, thay đổi nền kinh tế của vùng trồng cà phê trọng điểm Tây Nguyên. Năm 2020, sản lượng cà phê của Việt Nam là 1,7 triệu tấn.

Việt Nam tập trung chủ yếu vào hạt cà phê robusta với mức giá thấp hơn. Loài cà phê này đắng hơn so với arabica vè có nhiều caffeine hơn. Sản lượng cà phê robusta của Việt Nam chiến hơn 40% tổng sản lượng thế giới, đứng đầu thị trường này.

  1. Colombia (858.000 tấn)

Chiến dịch quảng cáo nổi tiếng có hình ảnh một nông dân trồng cà phê hư cấu tên là Juan Valdez đã giúp thương hiệu cà phê Colombia nổi tiếng toàn thế giới. Colombia nổi tiếng với chất lượng cà phê và ước tính đã sản xuất 858.000 tấn trong năm 2020.

Trong vài năm kể từ năm 2008, cây cà phê Colombia đã bị ảnh hưởng bởi một loại bệnh lá được gọi là bệnh gỉ sắt cà phê. Sản lượng giảm mạnh nhưng sau đó đã tăng trở lại khi đất nước thay thế giống cũ bằng giống cây kháng bệnh. Colombia đứng thứ 2 thế giới về sản lượng arabica.

  1. Indonesia (717.000 tấn)

Vị trí và khí hậu của Indonesia giúp nước này trở thành nhà sản xuất cà phê robusta lớn thứ 3 trên thế giới. Tổng sản lượng, bao gồm cả robusta và arabica, là 717.000 tấn trong năm ngoái. Ở Indonesia, có 1,2 triệu ha trồng cà phê. Các đồn điền nhỏ và độc lập chiếm phần lớn sản lượng, với diện tích canh tác của mỗi đồn điền từ 1 đến 2 ha.

Indonesia sản xuất một số loại cà phê đặc sản được nhiều người săn tìm. Trong đó thú vị nhất là Kopi Luwak, hay còn gọi là cà phê chồn. Được thu hoạch từ phân của những con cầy vòi hương châu Á, những hạt cà phê này có một hương vị rất đặc biệt. Quá trình thu hoạch hạt khá tốn kém, khiến cà phê chồn trở thành một trong những loại cà phê đắt giá nhất thế giới.

  1. Ethiopia (443.000 tấn)

Ethiopia sản xuất một lượng lớn hạt cà phê hàng năm, với 443.000 tấn trong năm 2020. Nước này là quê hương của giống cà phê arabica, loại cà phê phổ biến nhất trên thế giới. Cà phê chiếm vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Ethiopia: Hơn 28% kim ngạch xuất khẩu hàng năm của đất nước châu Phi này là nhờ cà phê, và ước tính có 15 triệu công dân đang làm việc trong lĩnh vực sản xuất cà phê.

Ethiopia có nền văn hóa cà phê rất phong phú. Trong hơn 1.100 năm, người Ethiopia đã biết đến cà phê như một chất kích thích. Kể từ khi cây cà phê được thuần hóa và bắt đầu được trồng trọt, đã có nhiều các biến thể theo khu vực của hạt arabica. Trong đó, các loại hạt Harar, Limu, Sidamo và Yirgacheffe đã được chính phủ nước này đăng ký thương hiệu.

  1. Honduras (366.000 tấn)

Honduras đã sản xuất 366.000 tấn cà phê trong năm 2020, vượt qua các đối thủ để trở thành nhà sản xuất cà phê số một Trung Mỹ. Tuy nhiên, cà phê Honduras vẫn còn thiếu thương hiệu quốc gia. Trong khi hầu hết người tiêu dùng thế giới nhận diện được cà phê Colombia hoặc Ethiopia, hạt cà phê từ Honduras chủ yếu được sử dụng để pha trộn và do đó có mức nhận diện thương hiệu thấp hơn.

Mặc dù vậy, cà phê vẫn là một phần quan trọng của nền kinh tế Honduras, và ngành công nghiệp cà phê vẫn đang cung cấp việc làm và thu nhập cho một bộ phận lớn người dân.

  1. Ấn Độ (342.000 tấn)

Ấn Độ đã sản xuất 342.000 tấn cà phê trong năm 2020. Không phải nơi nào ở Ấn Độ cũng thích hợp để trồng cà phê. Phần lớn các đồn điền nằm ở vùng đồi núi phía nam của đất nước. Hạt cà phê được trồng bởi nông dân nhỏ lẻ trong điều kiện mưa gió mùa, và thường được trồng cùng với các loại gia vị như quế, giúp cà phê có vị cay và mùi thơm.

Năm 2004, thương hiệu cà phê Ấn Độ Tata đã giành được 3 huy chương vàng tại cuộc thi Grand Cus De Cafe. Vì cà phê không phổ biến như trà ở Ấn Độ, 80% sản lượng của nước này dành cho mục đích xuất khẩu, với các khách hàng chính là châu Âu và Nga.

  1. Uganda (337.000 tấn)

Uganda có sản lượng cà phê cao nhất Trung Phi, đạt 337.000 tấn vào năm 2020. Quốc gia này trồng hạt robusta – một loại cây có nguồn gốc từ khu vực rừng Kibale – cũng như hạt arabica từ Ethiopia gần đó.

Cà phê là một phần quan trọng của nền kinh tế Uganda, với một phần lớn dân số nước này làm việc trong các ngành liên quan đến cà phê. Sản xuất cà phê ban đầu không thành công khi nhà nước kiểm soát. Tuy nhiên, sau khi chính phủ tư nhân hóa vào năm 1991, ngành này đã hồi sinh mạnh mẽ, dẫn đến sản lượng tăng hơn 50 lần kể từ năm 1989. Tuy nhiên, chính phủ vẫn kiểm soát việc xuất khẩu cà phê.

  1. Peru (228.000 tấn)

Peru là nhà sản xuất cà phê arabica lớn thứ 5 thế giới. Tính chung cả arabica và robusta, nước này đạt sản lượng 228.000 tấn trong năm ngoái, đứng thứ 9 toàn cầu.

Peru có 3 vùng trồng cà phê lớn, đều nằm ở sườn đông của dãy Andes. Khoảng 75% diện tích trồng cà phê của Peru nằm ở độ cao 1.000-1.800 m so với mặt nước biển. Hầu hết các đồn điền thuộc sở hữu của nông dân nhỏ lẻ, và cà phê được hái bằng tay.

Hầu hết cà phê Peru dành cho xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Đức, Bỉ, Thụy Điển, …; trong khi tiêu dùng nội địa chỉ chiếm khoảng 10%.

  1. Guatemala (225.000 tấn)

Guatemala đã sản xuất 225.000 tấn hạt cà phê trong năm 2020 và sản lượng của họ vẫn khá ổn định trong vài năm gần đây. Hạt cà phê được trồng ở những khu vực có nhiệt độ từ 16 đến 32°C và độ cao từ 500 đến 5.000 m trên mực nước biển. Guatemala là nhà sản xuất hàng đầu của Trung Mỹ cho đến khi bị Honduras vượt mặt vào năm 2011.

Guatemala tham gia cuộc chơi cà phê chủ yếu nhằm tìm mặt hàng xuất khẩu thay thế chàm và cochineal – những mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã trở nên vô dụng sau khi thuốc nhuộm hóa học được phát minh. Vào thời điểm đó, chính phủ bắt đầu chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp này bằng cách cung cấp các lợi ích về thương mại và thuế. Vào những năm 1960, chính phủ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu quốc tế lớn hơn đối với cà phê Guatemala thông qua việc thành lập hiệp hội tiếp thị. Cho đến ngày nay, hiệp hội này vẫn tiếp tục quảng bá các sản phẩm cà phê của đất nước trên toàn thế giới.