VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Trung Quốc cam kết không xây dự án điện than ở nước ngoài

Trung Quốc cam kết không xây dự án điện than ở nước ngoài

09:32 - 22/09/2021

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Ba cho biết Bắc Kinh sẽ ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài.

“Chúng ta cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và carbon thấp”, ông Tập nói trong một bài phát biểu qua video ghi hình trước tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. “Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để đạt được những mục tiêu này. Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các nước đang phát triển khác trong việc phát triển năng lượng xanh và carbon thấp, đồng thời không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài”.

Ông Tập phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc qua video ghi hình trước.

Ông Tập phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc qua video ghi hình trước.

Bắc Kinh phải đối mặt với áp lực từ Mỹ, Liên minh Châu Âu và các nhóm môi trường vì tiếp tục tài trợ và xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ở nhiều nước đang phát triển, ngay cả khi tuyên bố sẽ cắt giảm lượng khí thải nhà kính trong nước.

Than là nguồn năng lượng quan trọng nhất của Trung Quốc – nhà sản xuất và tiêu thụ lớn nhất thế giới của loại tài nguyên này.

Trung Quốc có vẻ đã rút lui khỏi một số hợp đồng xây dựng nhà máy điện ở nước ngoài kể từ khi ông Tập đưa ra cam kết về khí hậu tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc năm ngoái. Một số quan chức chính phủ cấp thấp hơn cho biết Bắc Kinh không còn mặn mà với điện than.

Trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc, ông Tập nhắc lại cam kết của mình rằng Trung Quốc sẽ hạn chế lượng khí thải carbon của nước này vào năm 2030 và đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2060. “Điều này đòi hỏi nỗ lực vô cùng vất vả”, ông nói. Mặc dù Trung Quốc tiếp tục xây dựng các nhà máy điện than trong nước với tốc độ nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác, nhưng trong một hội nghị vào tháng 4, ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ bắt đầu cắt giảm tiêu thụ than sau năm 2026.

Theo một nghiên cứu của Viện Tài chính Xanh Quốc tế có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc không cung cấp tài chính hoặc đầu tư vào bất kỳ dự án điện than nào trong nửa đầu năm 2021 trong sáng kiến ​​cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của ông Tập. Hơn một nửa trong số 160 tỷ USD đầu tư nhiệt điện than thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường kể từ năm 2014 đã bị hủy bỏ hoặc gác lại, theo một nghiên cứu khác của viện vào tháng 6.

Giải quyết phát thải carbon là một chủ đề tại cuộc họp Đại hội đồng năm nay trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc vào tháng 11 tại thành phố Glasgow của Scotland. Trong bài phát biểu của mình vào đầu ngày, tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nước này sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho các nước không đủ khả năng chuyển đổi sang những nguồn năng lượng xanh. Ông cũng nói rằng, với sự hỗ trợ của Mỹ, vốn tư nhân và tiền từ các quốc gia khác, sẽ có khoảng 100 tỷ USD để hỗ trợ hành động vì khí hậu ở các nước đang phát triển.

Ông Tập đề cập đến cam kết ngừng xây dựng nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài mà không nói rõ thời điểm cũng như liệu các nhà máy đã quy hoạch có bị ảnh hưởng hay không. Là một phần trong quá trình thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu của ông Tập, các công ty của Trung Quốc xây dựng những nhà máy điện theo những thỏa thuận do Bắc Kinh điều phối, có liên kết chặt chẽ với nguồn tài chính từ các ngân hàng lớn của đất nước. Ông Tập không đề cập đến khía cạnh tài chính này.

“Ngoài việc thiếu lịch trình cụ thể, đây là điều vô cùng quan trọng”, Greig Aitken, một nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn của Mỹ Global Energy Monitor, cho biết. Ông nhận xét tuyên bố của ông Tập thể hiện cam kết và ý chí cấp cao nhất từ ​​Trung Quốc.

Trong một email, David Sandalow, nhà nghiên cứu của Đại học Columbia và cựu quan chức cấp cao của Bộ Năng lượng Mỹ, viết: “Chi tiết rất quan trọng. Đặc biệt, điều gì sẽ xảy ra với các dự án đã và đang trong quá trình triển khai? Nhưng đây là một thông báo có ý nghĩa và rất tích cực”.

Các chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã cam kết ngừng xây dựng nhà máy nhiệt điện than ở những nước đang phát triển, cũng như nhiều ngân hàng thương mại lớn và các tổ chức đa phương chủ chốt mà Mỹ có ảnh hưởng.

Trước đây, ông Tập từng cho biết Trung Quốc đặt mục tiêu 25% năng lượng sử dụng vào năm 2030 không từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch, so với 20% trong mục tiêu năm 2016. Ông cũng cho biết Trung Quốc sẽ cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide trên một đơn vị tổng sản phẩm quốc nội hơn 65% so với mức năm 2005, tăng trữ lượng rừng lên 6 tỷ m3 và nâng tổng công suất lắp đặt điện gió và mặt trời của Trung Quốc lên 1.200 GW.