VNReport»Top»5 vụ phá sản lớn nhất

5 vụ phá sản lớn nhất

14:21 - 22/09/2021

Hầu hết các vụ phá sản lớn nhất đều xảy ra trong cuộc đại suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2007 đến năm 2009.

Phá sản là tình trạng một doanh nghiệp hoặc thực thể khác tìm cách giải quyết một phần hoặc toàn bộ nợ khi không thể đảm bảo thanh toán đầy đủ cho các chủ nợ. Nếu doanh nghiệp lớn phá sản, không chỉ các chủ nợ bị ảnh hưởng, mà có thể gây ra hệ lụy dây chuyền cho toàn bộ nền kinh tế.

Sau đây là 5 vụ phá sản lớn nhất từng được ghi nhận.

  1. Lehman Brothers

Lehman Brothers là một công ty dịch vụ tài chính toàn cầu. Trước khi phá sản, doanh nghiệp này tham gia kinh doanh trong các lĩnh vực ngân hàng đầu tư, bán cổ phiếu và trái phiếu, nghiên cứu và giao dịch, quản lý đầu tư, … Công ty là một đại lý chính trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ.

Lehman Brothers nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào ngày 15/9/2008. Đây là vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử với 691 tỷ USD tài sản. Điều này đã chấm dứt 158 năm hoạt động của công ty có khởi đầu là nhà kinh doanh bông ở miền nam nước Mỹ. Vụ phá sản của Lehman khiến Phố Wall và thị trường tài chính toàn cầu rơi vào trạng thái hoảng loạn, và là một trong những diễn biến đáng chú ý nhất của cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008.

  1. Washington Mutual

Vào ngày 26/9/2008, Washington Mutual, và công ty con duy nhất còn lại là WMI Investment, đã đệ đơn xin phá sản. Cổ phiếu của tập đoàn S&L (tiết kiệm và cho vay – một dạng tổ chức tín dụng của Mỹ chuyên cho vay mua nhà) đã nhanh chóng bị hủy giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán New York. Tất cả tài sản và hầu hết các khoản nợ phải trả (bao gồm tiền gửi, trái phiếu và các khoản nợ khác có bảo đảm) của Washington Mutual được JPMorgan Chase tiếp quản. Các nghĩa vụ nợ không có bảo đảm của tập đoàn không được tiếp quản, khiến chủ nợ của những khoản này không có nguồn thu hồi. Tổng tài sản của công ty vào thời điểm phá sản là 328 tỷ USD.

Khách hàng của Washington Mutual sau đó vẫn có thể tiếp tục giao dịch tại các chi nhánh và ATM của JPMorgan Chase như bình thường. Các khoản tiền gửi do Washington Mutual nắm giữ trở thành nghĩa vụ của JPMorgan Chase.

  1. WorldCom

WorldCom được thành lập vào năm 1983 và phát triển thành nhà cung cấp viễn thông đường dài lớn thứ 2 ở Mỹ. Những bê bối tài chính và sự phá sản của WorldCom khiến công ty này phải thay đổi tên thành MCI vào năm 2003. Cái tên này cũng biến mất vào tháng 1/2006 sau khi MCI được Verizon mua lại.

WorldCom nộp đơn phá sản vào năm 2002 với tài sản nắm giữ gần 104 tỷ USD. Vụ gian lận tài chính của công ty là một trong những bê bối kinh doanh lớn nhất trong lịch sử. Một số cựu giám đốc điều hành liên quan đến vụ việc này phải đối mặt với cáo buộc hình sự. Đáng chú ý nhất, người sáng lập công ty kiêm cựu CEO Bernard Ebbers bị kết án 25 năm tù và cựu giám đốc tài chính Scott Sullivan nhận bản án 5 năm tù.

  1. General Motors

General Motors, còn được gọi là GM, là nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại thành phố Detroit, Mỹ. Theo doanh số bán hàng, GM được xếp hạng là nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ và lớn thứ 2 thế giới trong năm 2008.

GM đã nộp đơn xin bảo vệ phá sản tại New York vào ngày 1/6/2009. Đây là đơn xin phá sản lớn nhất của một công ty công nghiệp Mỹ. Hồ sơ phá sản tiết lộ GM có tài sản 82 tỷ USD và khoản nợ 173 tỷ USD.

Vào ngày 10/7/2009, công ty bán các tài sản, bao gồm thương hiệu GM, cho một thực thể mới và giữ lại các nghĩa vụ nợ cho công ty cũ (được đổi tên thành Motors Liquidation Company). Điều này giúp cho GM tiếp tục kinh doanh dưới tư cách thực thể mới và giữ được vị trí là một trong những hãng ô tô lớn nhất thế giới.

  1. CIT

CIT là một công ty tài chính tiêu dùng và thương mại lớn của Mỹ, được thành lập vào năm 1908 và nộp đơn phá sản năm 2009. CIT từng là công ty hàng đầu trong lĩnh vực tài trợ thương mại, bao thanh toán, tài trợ máy móc và giao thông vận tải, cho vay doanh nghiệp nhỏ, … Công ty kinh doanh với hơn 80% trong 1000 công ty lớn nhất nước Mỹ (Fortune 1000), và cho 1 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ vay. Giống như nhiều tổ chức tài chính khác, CIT tăng trưởng bằng nợ. Nhưng khi sự sụp đổ của Lehman Brothers làm cạn kiệt nguồn thanh khoản của Phố Wall, CIT đã rơi vào tình trạng kiệt quệ.

Công ty đã nhận được tiền hỗ trợ từ chương trình mua nợ xấu TARP của chính phủ Mỹ. Thiếu tiền mặt, công ty lại tìm kiếm gói cứu trợ liên bang thứ 2 vào tháng 7/2009 nhưng bị từ chối; buộc họ phải vay 3 tỷ USD, rồi tăng lên 4,5 tỷ USD, từ các trái chủ lớn. CIT sau đó cố gắng hoán đổi nợ nhưng không thành công. Vào thời điểm phá sản, công ty có tổng tài sản 71 tỷ USD.