VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ tăng trưởng đến năm 2026

Thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ tăng trưởng đến năm 2026

14:42 - 28/09/2021

Nhà nghiên cứu thị trường TechSci dự báo thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ mở rộng nhờ nhu cầu tăng cao đối với các loại thuốc điều trị bệnh mãn tính như tim mạch.

Thị trường dược phẩm Việt Nam đã cho thấy sự tăng trưởng đầy hứa hẹn cho đến năm 2019 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các năm từ 2021 đến 2026. Đây là thông tin trong báo cáo của nhà nghiên cứu thị trường TechSci về “Thị trường dược phẩm Việt Nam theo loại thuốc, loại sản phẩm, ứng dụng, kênh phân phối, khu vực, dự báo và cơ hội cạnh tranh, 2026”.

Thị trường dược phẩm Việt Nam tăng trưởng nhờ các yếu tố như nhu cầu tăng cao đối với thuốc tân dược điều trị các bệnh mãn tính, vấn đề về thần kinh và các bệnh gây ưng thư ngày càng gia tăng. Ngoài ra, những sáng kiến ​​của Chính phủ nhằm thúc đẩy công nghệ để nghiên cứu thuốc và sản xuất dược phẩm cũng đang hỗ trợ cho đà tăng trưởng của thị trường.

Điều kiện sống được cải thiện và sự chú trọng của người dân vào lối sống cũng đang hỗ trợ ngành dược trong nước. Hơn nữa, khoảng 12% GDP cả nước đến từ ngành chăm sóc sức khỏe. Các chính sách và quy định dành cho sản xuất, thương mại hóa và ứng dụng các sản phẩm dược phẩm và thuốc cũng là dấu hiệu chứng tỏ sự tăng trưởng của thị trường dược phẩm Việt Nam trong 5 năm tới.

Dựa trên loại sản phẩm, thị trường được phân chia giữa thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn. Thuốc không kê đơn được dự đoán sẽ chiếm thị phần doanh thu lớn nhất trên thị trường và thống trị ngành trong 5 năm tới do chi phí thấp hơn một cách tương đối và khả năng tiếp cận thuốc dễ dàng hơn. Ngoài ra, những loại thuốc này có thể mua được mà không cần sự chấp thuận, kê đơn của bác sĩ.

Thuốc kê đơn cũng được dự đoán sẽ tăng trưởng, chiếm thị phần đáng kể của thị trường trong 5 năm tới do chi phí thuốc kê đơn ngày càng tăng trong nước.

Dựa trên ứng dụng, có các loại thuốc danh cho tim mạch, cơ xương khớp, ung thư, chống nhiễm trùng, rối loạn chuyển hóa và các loại khác. Thuốc tim mạch được dự đoán sẽ chiếm thị phần doanh thu lớn nhất trên thị trường do số ca mắc bệnh tim mạch đang gia tăng nhanh chóng. Ngoài ra, các ca béo phì, huyết áp, tiểu đường và các bệnh lối sống khác đang làm gia tăng số lượng bệnh nhân đau tim, suy tim, …

Một số đối thủ lớn trên thị trường dược phẩm Việt Nam bao gồm: Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (DHG), Công ty Cổ phần Traphaco, Công ty Cổ phần Pymepharco, Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây, Công ty Cổ phần Hóa – Dược phẩm Mekophar, Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm, Công ty Cổ phần Dược phẩm OPC, …

Việc R&D (nghiên cứu và phát triển) hiệu quả các loại dược phẩm và phương pháp công nghệ tiên tiến để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng sẽ hỗ trợ thị trường tăng trưởng và mang lại lợi ích cho các bên tham gia thị trường cũng như người tiêu dùng.

Các bên tham gia thị trường mới có thể tập trung vào R&D để cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cũng như mang lại lợi ích cho các bên tham gia thị trường nhằm xây dựng giá trị thương hiệu của họ. Những chiến lược cạnh tranh khác bao gồm sáp nhập, mua lại và phát triển sản phẩm mới.

“Ngành dược Việt Nam có một tương lai rất ấn tượng. Việt Nam có ngành dược phát triển nhanh nhờ điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi. Hơn nữa, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang tăng nhanh, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ và nỗ lực mở rộng của các doanh nghiệp. Thị trường được dự đoán sẽ phát triển nhanh chóng trong tương lai và mang lại lợi ích cho toàn ngành chăm sóc sức khỏe”, ông Karan Chechi, Giám đốc Nghiên cứu của TechSci Research, cho biết.

“Các quy trình phát triển thuốc, nghiên cứu nhất quán và sản xuất hàng loạt thuốc gốc (thuốc hết thời hạn bản quyền) cũng đang hỗ trợ sự tăng trưởng của thị trường trong 5 năm tới. Các công ty mới tham gia thị trường có đủ phạm vi để thiết lập thương hiệu của họ, nhưng họ phải đầu tư để mở rộng nghiên cứu và phát triển công nghệ nhằm tạo ra những sản phẩm tốt hơn vì sự hài lòng của người tiêu dùng”, ông nói thêm.