VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp sản xuất phân bón khó tăng giá bán

Doanh nghiệp sản xuất phân bón khó tăng giá bán

14:45 - 04/10/2021

Giá phân bón tăng cao kỷ lục Diễn biến giá phân bón trên thị trường thế giới đang có những thay đổi đột ngột và biến động rất nhanh trong thời gian qua do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như dịch Covid-19; khủng hoảng khí đốt tại Châu Âu; giá dầu, giá khí tăng […]

Giá phân bón tăng cao kỷ lục

Diễn biến giá phân bón trên thị trường thế giới đang có những thay đổi đột ngột và biến động rất nhanh trong thời gian qua do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như dịch Covid-19; khủng hoảng khí đốt tại Châu Âu; giá dầu, giá khí tăng mạnh khiến giá nguyên liệu sản xuất ure tăng cao; nguồn cung thắt chặt từ các nước xuất khẩu lớn ở Trung Quốc, Trung Đông, Baltic; giá cước vận chuyển tăng phi mã…

Tại Brazil, ngày 28/9 giá urea giao dịch ở mức 610 – 640 USD/tấn CFR, tăng 62,5 USD/tấn so với ngày trước đó. Tại Đông Nam Á, giá urea giao dịch kết thúc tuần 23/9/2021 nhảy vọt lên mức 503 – 527 USD/tấn FOB, tăng bình quân 84 USD/tấn chỉ trong vòng 1 tuần. Đây cũng là mức giá kỷ lục trong khoảng 10 năm trở lại đây. Tại Mỹ, giá ure hạt đục tại Nola đã kéo dài đà tăng trong nhiều tuần nay và đạt trên 600 USD/tấn FOB kỳ hạn tháng 1/2022, thiết lập đỉnh cao mới trong 9 năm.

Doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước rối bời vì giá đầu vào tăng cao

Với ngành phân bón trong nước, các doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng không ít từ diễn biến giá phân bón thế giới tăng cao. Bên cạnh chi phí đầu vào được các chuyên gia dự báo sẽ có nhiều biến động trong thời gian tới, các doanh nghiệp phân bón đang gánh chịu khoản chi phí vận hành tăng mạnh. Theo chia sẻ từ lãnh đạo Đạm Cà Mau, kể từ khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đến nay, doanh nghiệp đã chi hơn 100 tỷ đồng để phòng chống dịch Covid-19 theo tinh thần “sản xuất 3 tại chỗ”.

Ngoài ra, còn phải kể đến các chi phí liên quan đến lưu thông, vận chuyển, chậm giải phóng tàu, giải phóng kho tăng 15% do phát sinh liên quan đến hoạt động xét nghiệm, thông chốt, thông quan, chuyển khẩu tại chỗ… gây áp lực không ít lên các doanh nghiệp.

Thế khó của doanh nghiệp phân bón

Trong bối cảnh giá phân bón thế giới đang tăng cao và có nhiều bất ổn, sản xuất trong nước đang là chìa khóa để cân bằng lại giá phân bón, tránh tình trạng giá tăng phi mã như một số mặt hàng khác. Tuy nhiên, theo cơ chế thị trường và các quy định hiện hành, doanh nghiệp rất khó bán thấp hơn FOB (giá tại cửa khẩu của bên xuất hàng) bình quân của thị trường khu vực, bởi vậy giá thế giới tiếp tục tăng đồng nghĩa với các doanh nghiệp buộc phải tăng giá.

Trong khi đó, nếu tăng giá đầu ra cao hơn sẽ gây khó khăn rất lớn cho ngành sản xuất nông nghiệp bởi đây cũng là thời điểm hết sức khó khăn của ngành này do giá nông sản thấp. Hiện đầu ra của nhiều loại nông sản gặp khó khăn do các thị trường xuất khẩu chủ lực thu hẹp, khiến đời sống của nông dân khó khăn hơn trước rất nhiều.

Chỉ còn hơn một tháng nữa, Đồng bằng sông Cửu Long lại chuẩn bị bước vào vụ Đông Xuân trong mối lo e ngại giá phân bón tiếp tục tăng theo đà tăng của giá phân bón thế giới. Đây cũng là mối trăn trở của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong ngành phân bón. Bởi nếu giá phân bón tăng quá cao sẽ ảnh hưởng tới đầu ra của doanh nghiệp do giá vật tư đầu vào cao, bà con nông dân sẽ có khuynh hướng giảm mức bón phân, tiết giảm chi phí đầu vào.

Chưa kể đến nguy cơ tiềm ẩn có thể nảy sinh khi một số tổ chức, cá nhân tranh thủ lợi dụng cơ hội này sản xuất, cung cấp các hàng phân bón giả, kém chất lượng để tận dụng tâm lý của người nông dân. Điều này sẽ gây thiệt đơn, thiệt kép cho doanh nghiệp và người nông dân.