VNReport»Kinh tế»Tài chính»DBS nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2022 lên 8%

DBS nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2022 lên 8%

14:02 - 05/10/2021

Ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á DBS hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 xuống 1,8%, nhưng lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2022.

Điều tồi tệ nhất đã qua đối với Việt Nam, với việc tái mở cửa đất nước khi tỷ lệ tiêm chủng tăng và tỷ lệ lây nhiễm giảm, nhà kinh tế Chua Han Teng thuộc ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á DBS cho biết trong một báo cáo hôm thứ Hai.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ vẫn là động lực tăng trưởng chính, trong khi hoạt động sản xuất và xuất khẩu nhiều khả năng tiếp tục mở rộng, ông cho biết.

Theo DBS, những động lực cho nền kinh tế Việt Nam gồm: bán lẻ và giải trí hồi phục, các nhà máy tái mở cửa và việc số hóa nền kinh tế.

Theo DBS, những động lực cho nền kinh tế Việt Nam gồm: bán lẻ và giải trí hồi phục, các nhà máy tái mở cửa và việc số hóa nền kinh tế.

Nền kinh tế Việt Nam suy thoái đáng kể trong quý 3, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh những hạn chế nghiêm ngặt nhằm hạn chế lây lan Covid-19, khiến hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và sản xuất sụp đổ.

“Theo quan điểm của chúng tôi, sự sụt giảm lần đầu trong nhiều thập kỷ trong quý III khiến tăng trưởng khó lấy lại mức tăng 2,9% của năm ngoái, ít hơn nhiều so với mục tiêu GDP chính thức của chính phủ là 6-6,5%”. Nhóm nghiên cứu DBS hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 xuống 1,8% (từ 5,0% trước đây); lạm phát cũng được hạ xuống 2,1%, từ mức 3,3% trước đó.

Nhưng năm 2022 có vẻ tươi sáng hơn rất nhiều đối với Việt Nam. Nhóm nghiên cứu DBS nâng mục tiêu GDP năm 2022 lên 8,0%, so với 6,8% trước đó.

“Chúng tôi kỳ vọng tính di động trong lĩnh vực bán lẻ và giải trí sẽ cải thiện hơn nữa trong bối cảnh hạn chế được nới lỏng và khả năng thích ứng cao hơn đối với “sống chung với virus”. Do đó, doanh số bán lẻ và dịch vụ lưu trú và ăn uống, chứng kiến ​​sự sụt giảm đáng kể 2 con số trong quý III/2021, có khả năng cũng hồi phục vào năm 2022″, ông Chua cho biết.

DBS cũng dự báo sự phục hồi của hoạt động sản xuất và xuất khẩu với việc các nhà máy tại các khu công nghiệp ở TP HCM được mở lại, và những kế hoạch ngăn chặn virus như xét nghiệm bắt buộc.

Ông Chua lưu ý rằng việc ngừng hoạt động nhà máy ở Việt Nam đã gây ra sự gián đoạn sản xuất nghiêm trọng cho các công ty đa quốc gia. Các công ty này “phần nào hy vọng” vào sự phục hồi hoạt động trong những tháng tới, với mục đích tăng cường năng lực sản xuất vào mùa lễ cuối năm.

Tuy nhiên, việc phục hồi sau khi các nhà máy đóng cửa sẽ mất thời gian và một phần hoạt động sản xuất đã tạm thời được chuyển sang những địa điểm khác để đáp ứng nhu cầu cuối năm, ông lưu ý.

Cuối cùng, việc số hóa và áp dụng công nghệ, một yếu tố vượt trội trong đại dịch, đã sẵn sàng tăng vọt trong trạng thái “bình thường mới”.

Theo báo cáo Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain, nền kinh tế số của Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, với khả năng mở rộng 29% hàng năm từ 2020 đến 2025, sẽ ghi nhận 52 tỷ USD vào năm 2025. Năm 2020, lĩnh vực này ở Việt Nam chứng kiến ​​mức tăng trưởng mạnh nhất trong khối ASEAN-6, tăng 16% so với năm 2019.

Đáng chú ý, Chính phủ đang tìm cách tăng cường vai trò của số hóa trong nền kinh tế 5 năm tới. Chính phủ đã phê duyệt chiến lược Chuyển đổi số quốc gia vào tháng 6 năm ngoái và đang đặt mục tiêu mở rộng nền kinh tế số lên 25% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030, từ mức chỉ 8,2% hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông Chua, dân số năng động của Việt Nam đang tụt hậu về kỹ năng số. “Vì vậy, Việt Nam có nhiều dư địa để nâng cao kỹ năng nhằm trang bị cho lực lượng lao động của mình những kiến thức công nghệ cần thiết, cùng với việc nâng cao trình độ học vấn đại học”, ông cho biết.

“Việc có nhiều hơn các kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng số, và lực lượng lao động có trình độ cao hơn trong những năm tới sẽ không chỉ giúp tăng năng suất mà còn tạo ra một vòng lặp tích cực để cho phép Việt Nam đi lên trong chuỗi giá trị sản xuất và thu hút thêm vốn FDI”.