VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó gượng dậy khi mở cửa trở lại

Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó gượng dậy khi mở cửa trở lại

14:53 - 06/10/2021

Phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 đang trở thành nhiệm vụ cấp bách nhưng không hề dễ dàng với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Khó vào guồng trở lại

Khảo sát do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện vừa qua với sự tham gia của 21.517 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cho thấy có 69% (tương đương 14.890 doanh nghiệp) đã phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh do dịch. Hầu hết trong số này là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Thời điểm hiện tại, nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách, doanh nghiệp cũng nóng lòng trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh sau thời gian dài giãn cách ở nhiều địa phương. Tuy nhiên khi đối diện với thực tế, guồng máy hoạt động của đa số doanh nghiệp vẫn mắc kẹt ở nhiều điểm, khó có thể vận hành một cách trơn tru trong giai đoạn mới.

Những khó khăn hiện hữu là dòng tiền hoạt động đang cạn dần, chi phí xét nghiệm đội lên cao, lao động thiếu hụt trầm trọng, chuỗi cung ứng vẫn chưa nối lại… Trong đó, thiếu nhân lực được coi là thách thức rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tại các thị trường việc làm trọng điểm, hàng triệu người lao động trở về quê, khiến nguồn cung lao động khan hiếm, thậm chí đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó phục hồi sau dịch

Theo tính toán của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ở nhiều địa phương, nhất là thành phố Hồ Chí Minh, mức thiếu hụt lao động chiếm tới khoảng 30% so với nhu cầu sử dụng nhân lực. Còn tại Hà Nội, tuy thị trường lao động không đứng trước nguy cơ đứt gãy, song hiện nay, nhiều đơn vị, doanh nghiệp vẫn thiếu người làm việc, rõ nhất là ở một số ngành nghề, lĩnh vực, như: Xây dựng, lắp đặt nội thất, cơ khí…

Bên cạnh đó, khảo sát của Ban IV cũng cho thấy hơn một nửa số các doanh nghiệp còn đang cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cho biết dòng tiền hiện tại chỉ có thể giúp duy trì họ hoạt động từ 1 đến dưới 3 tháng. Doanh nghiệp không thu được công nợ nên không đủ chi phí trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng và những khoản vay đến hạn chưa có khả năng đáo hạn, ngân hàng siết chặt các khoản vay.

Ông Nguyễn Vinh Huỳnh, Phó giám đốc Công ty VMPC (Hà Nội), cho biết công ty đang “khát” vốn để mở cửa trở lại sau thời gian dài giãn cách, khi xuất khẩu giảm thêm 6% thời gian gần đây và giảm mạnh 60 – 70% kể từ khi bùng phát dịch Covid-19. Gần đây, cước vận chuyển tăng đột biến, nhiều đơn bị huỷ, chậm, khách hàng không chấp nhận tăng giá… khiến chi phí giao mỗi chuyến hàng tăng thêm cả trăm triệu đồng.

Càng làm càng lỗ nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận để giữ chân đối tác, giữ chân thị trường. 3 tháng cuối năm là giai đoạn nước rút để các doanh nghiệp có thể hoàn thành kế hoạch năm nên việc nhanh chóng tái sản xuất kinh doanh là nhu cầu cấp thiết song không phải doanh nghiệp nào cũng có thể gắng gượng được.

Cần những giải pháp cứu nguy

Để hỗ trợ doanh nghiệp dần hồi phục, lấy lại đà tăng trưởng và bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động, các cơ quan chức năng đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cấp bách.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Hiển, Phó trưởng Ban Đào tạo và hội viên, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chưa bao giờ việc hỗ trợ doanh nghiệp lại phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. Đa phần doanh nghiệp đều cần được hỗ trợ, từ tiêm vaccine tới việc giảm thuế, tiếp cận vốn ngân hàng, giảm lãi suất thấp…

Trong đó, để vận hành trở lại, vấn đề “tiền đâu” là nỗi lo của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay. Khảo sát của Ban IV cho thấy tiền được ví như là nguồn sống của doanh nghiệp, nhưng phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa đang thiếu “máu”. Hơn 40% doanh nghiệp phản ánh chỉ đủ tiền duy trì hoạt động dưới 1 tháng. Tỷ lệ này ở công ty trách nhiệm hữu hạn, cổ phần là 39,5%. Điều này cho thấy nếu không có hỗ trợ thì khả năng giải thể là rất cao.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc vay vốn từ ngân hàng cũng rất khó khăn. Các ngân hàng cho rằng phần nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện có thông tin tài chính kế toán không đảm bảo tính minh bạch, khó thẩm định hồ sơ cho vay vốn. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp nhỏ không còn tài sản thế chấp để vay khoản mới và không đảm bảo nguồn thu để trả nợ nên cho vay sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn. Còn với những doanh nghiệp nào đã “chết lâm sàng” thì gần như không có cơ hội được vay vốn.

Khảo sát tại một số doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy tình hình chung doanh nghiệp đang nỗ lực để phục hồi sản xuất nhưng đang rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước và các ngành chức năng. Theo đó, doanh nghiệp đang đối mặt với việc phải trả lãi suất vay tại ngân hàng theo định kỳ, ảnh hưởng đến tâm lý sản xuất. Bởi thế, doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ miễn, giảm lãi suất vốn vay, giãn nợ, cơ cấu lại thời gian trả nợ nhiều hơn để có kế hoạch khôi phục sản xuất cho thời gian tới.

Một khó khăn nữa là việc cân đối đồng vốn trong giai đoạn này của nhiều doanh nghiệp gặp khó khi thị phần bị giảm mạnh do các đối tác kinh doanh cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, doanh thu sụt giảm. Các doanh nghiệp cho hay, đối với họ, đồng vốn được ví như máu trong cơ thể, nếu tình trạng kéo dài và trầm trọng thì sẽ ảnh hưởng đến sức sống của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp mong muốn có thêm trợ lực từ nhiều phía, và Nhà nước có thêm những giải pháp cấp thiết để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó phục hồi sản xuất, kinh doanh.