VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu được 136 nước thông qua

Thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu được 136 nước thông qua

17:56 - 09/10/2021

Thỏa thuận đặt mục tiêu lập thuế suất doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu. Nhưng các chuyên gia nhận thấy những thách thức trong việc thực hiện hiệp định.

136 nước, bao gồm Việt Nam, đã đồng ý về đợt cải cách các quy tắc thuế toàn cầu sâu rộng nhất trong 1 thế kỷ. Đây là động thái nhằm hạn chế việc tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia và có thể bổ sung doanh thu thuế lên tới 150 tỷ USD mỗi năm.

Nhưng hiệp định – được nung nấu trong 1 thập kỷ – bây giờ phải được các bên ký kết thực hiện. Đây có thể không phải là một quá trình suôn sẻ, bao gồm cả ở Quốc hội Mỹ, nơi đang chia rẽ sâu sắc.

Thỏa thuận giữa 136 nước đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15%, nhằm mục đích ngăn chặn các công ty lạm dụng các khu vực pháp lý thuế thấp. Thỏa thuận cũng nhằm giải quyết những thách thức đặt ra bởi các công ty, đặc biệt là những gã khổng lồ công nghệ, đăng ký sở hữu trí tuệ ở mọi nơi trên thế giới để giữ lại lợi nhuận. Do đó, nhiều công ty đã lập hoạt động tại các quốc gia có thuế suất thấp như Ireland để giảm hóa đơn thuế của mình.

Văn phòng của Google ở Dublin, Ireland – một đất nước có thuế suất doanh nghiệp thấp.

Văn phòng của Google ở Dublin, Ireland – một đất nước có thuế suất doanh nghiệp thấp.

Thỏa thuận cuối cùng đã nhận được sự ủng hộ của Ireland, Estonia và Hungary, 3 thành viên của Liên minh châu Âu từ chối ủng hộ thỏa thuận sơ bộ vào tháng 7. Nhưng Nigeria, Kenya, Sri Lanka và Pakistan tiếp tục từ chối thỏa thuận mới.

Thỏa thuận mới, nếu được thực thi, sẽ phân chia doanh thu thuế hiện có theo cách có lợi cho các quốc gia nơi có nhiều khách hàng. Các nước lớn, cũng như các khu vực pháp lý thuế thấp, phải thực hiện hiệp định này để giảm việc tránh thuế một cách có ý nghĩa.

Nhìn chung, OECD ước tính những quy tắc mới có thể mang lại cho các chính phủ trên thế giới nguồn thu bổ sung 150 tỷ USD mỗi năm.

Thỏa thuận cuối cùng dự kiến ​​sẽ nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) khi họ họp tại Rome vào cuối tháng này. Sau đó, các bên ký kết sẽ phải thay đổi luật quốc gia của mình và sửa đổi các hiệp định quốc tế để đưa thỏa thuận vào thực tiễn.

Các bên ký kết đặt mục tiêu thực hiện vào năm 2023, mục tiêu mà các chuyên gia ngành thuế đánh giá là đầy tham vọng. Trong khi thỏa thuận có thể sẽ tồn tại kể cả khi một nền kinh tế nhỏ không thông qua luật mới, nó sẽ bị suy yếu rất nhiều nếu một nền kinh tế lớn – chẳng hạn như Mỹ – không sửa đổi luật.

“Tất cả chúng ta đều tin tưởng vào việc tất cả các nước lớn có thể cùng nhau thay đổi với tốc độ tương tự”, Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe cho biết. “Nếu bất kỳ nền kinh tế lớn nào không có vị thế để thực hiện thỏa thuận, điều đó sẽ quan trọng đối với các quốc gia khác. Nhưng có thể mất một thời gian ta mới thấy rõ được”.