VNReport»Kinh tế»WB hạ dự báo tăng trưởng GDP 2021 của Việt Nam

WB hạ dự báo tăng trưởng GDP 2021 của Việt Nam

13:35 - 14/10/2021

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam xuống từ 2 – 2,5%. 

Theo WB, GDP trong quý III/2021 của Việt Nam đã giảm 6,2% so cùng kỳ năm trước, là mức giảm mạnh nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP theo quý.

Do đó, mặc dù nửa đầu năm 2021 có kết quả tăng trưởng tốt nhưng mức suy giảm sâu vừa ghi nhận khiến nền kinh tế Việt Nam chỉ được ước tính tăng trưởng từ 2,0% đến 2,5%, tùy thuộc vào mức độ mạnh mẽ của quá trình phục hồi kinh tế trong quý IV/2021. Đây là mức dự báo thấp hơn đáng kể so với con số 4,8% mà WB công bố tại thời điểm tháng 8/2021.

Nền kinh tế Việt Nam được ước tính tăng trưởng từ 2,0% đến 2,5% trong năm 2021

Trong đó, ngành công nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng, giảm 5,0% (so cùng kỳ năm trước) khi các trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo ở khu vực phía Nam phải đóng cửa để kiềm chế dịch lây lan. Các nhà máy sản xuất ở TP HCM và các tỉnh lân cận đều hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn, do các hạn chế đi lại tiếp tục được áp dụng. Trong khi đó, các trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo lớn ở miền Bắc (trừ Hà Nội) vẫn đạt tốc độ tăng trưởng hai con số nhờ kiểm soát đại dịch thành công. Ngành nông nghiệp vẫn đạt kết quả tương đối vững, tăng trưởng 1,0% (so cùng kỳ năm trước).

Tuy nhiên, WB lạc quan rằng, với số lượng ca nhiễm mới bắt đầu giảm, Hà Nội và một số địa phương đã nới lỏng những hạn chế nghiêm ngặt giúp cho mức độ đi lại, chỉ số sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng bắt đầu hồi phục.

Mặt khác theo WB, việc vận hành trở lại của nền kinh tế cũng sẽ đối diện với một số thách thức trong thời gian tới. Trong đó, tổ chức này lưu ý đến rủi ro thiếu hụt lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng trong hoạt động sản xuất công nghiệp và cung cấp dịch vụ. Để gỡ bỏ những nút thắt về logistics, WB nhấn mạnh Việt Nam cần tiếp tục thực hiện xét nghiệm và tiêm vaccine, đồng thời khuyến khích dịch chuyển lao động.

Bên cạnh đó, các cấp có thẩm quyền nên áp dụng chính sách tài khóa mở rộng và sử dụng các công cụ tài khóa khác nhau trong khả năng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi như: Giảm sự cứng nhắc về thủ tục trong chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển; Mở rộng hơn nữa việc hỗ trợ cho người lao động để có thể vượt qua khó khăn, sớm quay lại sản xuất bình thường; Tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp để tái khởi động các hoạt động kinh doanh sau một thời kỳ dài đóng cửa, đặc biệt trong ngành dịch vụ du lịch, ăn uống và lưu trú…