VNReport»Top»4 cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu

4 cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu

10:45 - 15/10/2021

Những cuộc khủng hoảng năng lượng có tác động trên toàn cầu thường bắt nguồn từ Trung Đông.

Hầu hết các cuộc khủng hoảng năng lượng đều bắt đầu từ lo ngại thiếu hụt nguồn cung, với những nguyên nhân như chiến tranh, căng thẳng chính trị, tắc nghẽn trong khai thác và vận chuyển… Tác động kinh tế vĩ mô của khủng hoảng năng lượng là rất lớn, bởi vì năng lượng là nguồn tài nguyên được sử dụng để khai thác tất cả các nguồn tài nguyên khác, gây ra tác động dây chuyền đến toàn bộ nền kinh tế.

Sau đây là 4 cuộc khủng hoảng năng lượng với quy mô toàn cầu từng được ghi nhận.

  1. Khủng hoảng dầu mỏ 1973

Từ năm 1861 đến trước thập niên 1970, giá dầu khá ổn định nhờ nguồn cung dồi dào từ Mỹ. Nhưng khi sản lượng ở nước này suy giảm, các quốc gia Trung Đông bắt đầu chiếm ưu thế, vươn lên nắm khoảng 80% nguồn cung dầu toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, hay còn gọi là cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu tiên, bắt đầu vào tháng 10/1973 khi những thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ Ả Rập (OAPEC) do Ả Rập Xê Út dẫn đầu tuyên bố cấm vận dầu mỏ với một số nước. Lệnh cấm vận nhằm vào những nước được cho là ủng hộ Israel trong Chiến tranh Yom Kippur. Các mục tiêu ban đầu bao gồm Canada, Nhật Bản, Hà Lan, Anh và Mỹ. Sau đó, lệnh cấm vận cũng được mở rộng sang Bồ Đào Nha, Rhodesia và Nam Phi.

Từ khi bắt đầu đến khi kết thúc lệnh cấm vận vào tháng 3/1974, giá dầu tăng từ 3 USD/thùng lên gần 12 USD/thùng trên toàn cầu. Giá ở Mỹ – một trong những nước bị cấm vận – cao hơn đáng kể. Lệnh cấm vận đã gây ra một cuộc khủng hoảng, hay còn gọi là “cú sốc” dầu mỏ, với nhiều tác động ngắn hạn và dài hạn đối với chính trị và kinh tế toàn cầu.

  1. Khủng hoảng dầu mỏ 1979

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ 2 bắt đầu vào năm 1979, với nguyên nhân là sự sụt giảm sản lượng dầu sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran. Mặc dù nguồn cung dầu toàn cầu chỉ giảm khoảng 4%, phản ứng của thị trường đã làm tăng mạnh giá dầu thô trong 12 tháng sau cuộc cách mạng, với giá tăng hơn gấp đôi lên 39,50 USD/thùng. Giá dầu tăng vọt gây ra tình trạng thiếu nhiên liệu và người tiêu dùng xếp hàng tại các trạm xăng tương tự như cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973.

Vào năm 1980, sau khi Chiến tranh Iran-Iraq bắt đầu, sản lượng dầu ở Iran giảm mạnh và sản lượng dầu của Iraq cũng giảm đáng kể. Điều này gây ra suy thoái kinh tế trên toàn thế giới, khi giá dầu tăng cao và không trở lại mức trước khủng hoảng cho đến giữa những năm 1980.

Giá dầu sau năm 1980 bắt đầu giảm dần trong 20 năm tiếp theo, ngoại trừ một đợt tăng ngắn trong Chiến tranh vùng Vịnh, sau đó giảm 60% vào những năm 1990. Các nước xuất khẩu dầu lớn như Mexico, Nigeria và Venezuela mở rộng sản xuất trong thời gian này. Liên Xô trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Đồng thời, dầu từ Biển Bắc và Alaska tràn ngập thị trường.

  1. Cú sốc giá dầu 1990

Cú sốc giá dầu năm 1990 xảy ra sau cuộc xâm lược Kuwait của Iraq vào ngày 2/8/1990, là cuộc xâm lược lần thứ hai của Saddam Hussein vào một thành viên OPEC. Chỉ kéo dài 9 tháng, đợt tăng giá này ít nghiêm trọng hơn và có thời gian ngắn hơn so với các cuộc khủng hoảng dầu mỏ trước đó vào năm 1973 và 1979. Tuy nhiên, đợt tăng đột biến này vẫn góp phần vào cuộc suy thoái đầu những năm 1990.

Trước cuộc xâm lược, Iraq và Kuwait đã sản xuất tổng cộng 4,3 triệu thùng dầu/ngày. Nguy cơ mất nguồn cung này, cùng với mối đe dọa đối với sản lượng dầu của Ả Rập Xê Út, dẫn đến dầu tăng giá từ 21 USD/thùng vào cuối tháng 7 lên 28 USD/thùng vào ngày 6/8. Sau cuộc xâm lược, giá tăng lên mức đỉnh 46 USD/thùng vào giữa tháng 10.

Sự can thiệp nhanh chóng và thành công của liên quân do Mỹ sau đó giúp giảm rủi ro dài hạn đối với nguồn cung dầu, nhờ đó hạ nhiệt thị trường và khôi phục niềm tin. Chỉ sau 9 tháng, mức tăng đột biến đã biến mất, mặc dù Iraq và Kuwait phải mất nhiều năm mới trở lại sản lượng khai thác trước chiến tranh.

  1. Khủng hoảng năng lượng thập niên 2000

Từ giữa những năm 1980 đến tháng 9/2003, giá của một thùng dầu thô về cơ bản đều dưới 25 USD/thùng (có điều chỉnh lạm phát theo mức giá 2008). Trong năm 2003, giá dầu ở Mỹ đã tăng lên trên 30 USD, đạt 60 USD vào ngày 11/8/2005, và đạt mức đỉnh 147,30 USD/thùng vào tháng 7/2008.

Các ý kiến bình luận cho rằng giá tăng do nhiều yếu tố, bao gồm căng thẳng ở Trung Đông, nhu cầu tăng từ Trung Quốc, giá trị đồng USD giảm, các báo cáo cho thấy dự trữ dầu mỏ giảm, lo lắng về hiện tượng đỉnh dầu và đầu cơ tài chính.

Đến cuối năm 2008, cuộc suy thoái kinh tế khiến nhu cầu năng lượng giảm. Giá dầu xuống từ mức cao nhất tháng 7/2008 là 147 USD/thùng xuống mức thấp nhất tháng 12 cùng năm là 32 USD/thùng. Giá dầu ổn định vào tháng 8/2009 và nhìn chung nằm trong biên độ từ 70-120 USD/thùng cho đến tháng 11/2014. Sau đó, giá dầu quay trở lại mức trước khủng hoảng năm 2003 vào đầu năm 2016, do sản lượng của Mỹ tăng đáng kể nhờ sự bùng nổ dầu đá phiến, đưa nước này trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới vào năm 2018.