VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp không dễ “hồi sinh” sau dịch

Doanh nghiệp không dễ “hồi sinh” sau dịch

10:09 - 15/10/2021

Cơn bão” Covid-19 đã tạm ngưng, mọi sự dần trở lại bình thường, nhưng để “sức khỏe” thực sự hồi phục đối với các doanh nghiệp (DN), tiểu thương là một điều không hề đơn giản…!

Tiến thoái lưỡng nan

Không chỉ ở Thủ đô Hà Nội, mà ngay cả tâm điểm dịch bệnh Covid-19 TP HCM, nhiều dịch vụ kinh doanh đã được phép hoạt động trở lại, các DN đủ điều kiện, bảo đảm an toàn bắt đầu khởi động… Tuy nhiên, họ vẫn ở trạng thái bất an vì nhiều lẽ…

Tại Hà Nội, không khí nhộn nhịp đã trở lại trên các đường phố, ngõ ngách nhưng nhiều nhà hàng, quán ăn… vẫn “cửa đóng then cài” bởi nhiều lý do. Trên đường Nguyễn Chí Thanh, tiệm cơm Mai Vân gần chân cầu vượt Ngọc Khánh có thương hiệu bao năm, vốn đông khách là thế nhưng cũng đành sang nhượng lại cho chủ khác vì không chịu nổi tiền thuê mặt bằng, rơi vào tình trạng phá sản trước khi kịp phục hồi.

Doanh nghiệp không dễ phục hồi sau giãn cách

Một trong những đối tượng chịu hậu quả nặng nề nhất của “cơn bão” Covid-19 phải kể tới các trường tư thục. Nữ chủ nhân một trường mầm non tư thục ở khu vực bán đảo Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: Kể cả tiền thuê mặt bằng, giáo viên, nhân công, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ học tập, chị mất hàng tỷ đồng mỗi tháng. Từ ngày dịch bệnh bùng phát, trường học phải đóng cửa. Đến giờ, khi mọi thứ đã trở lại bình thường nhưng trường của chị chắc phải đóng cửa dài dài vì khó đảm bảo an toàn cho đối tượng trẻ nhỏ (các em không thể đeo khẩu trang suốt ngày) và cũng không thể triển khai dạy học online cho đối tượng này.

Khó khăn không chỉ dừng lại ở đó, chị và Ban giám hiệu nhà trường lại lo lắng khi một số phụ huynh đang rục rịch xin chuyển trường cho con, phần vì thu nhập sụt giảm nên chuyển con sang học ở các trường có mức học phí thấp hơn, phần vì chuyển về trường gần nhà để tiện đưa đón. Ngoài nỗi lo mất nguồn học sinh, nhà trường còn phải đối mặt với việc tuyển dụng nhân sự mới vì hàng loạt giáo viên, nhân viên xin nghỉ việc, chuyển sang làm các công việc khác như bán hàng online, shipper, về quê tránh dịch…

Cùng chung tâm trạng với các DN, tiểu thương khác, anh Hồ Tài –Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị và Xây dựng Hồ Gia cũng bộc bạch: Không chỉ nguồn nhân lực chính vận hành văn phòng của DN bị rối tung, nguồn lao động thợ lành nghề của DN cũng không còn, phải đào tạo lại từ đầu như một DN vừa “khai sinh”. Về nguồn vốn, trải qua 4 đợt dịch Covid-19 kéo dài 2 năm, DN gần như cạn kiệt không còn vốn để hoạt động trở lại và không thể vay được vốn của các tổ chức tín dụng do không còn tài sản để đảm bảo thế chấp, thậm chí bị nhảy nhóm nợ xấu trên hệ thông ngân hàng Nhà nước.

Không có nguồn thu trong thời gian giãn cách xã hội đã đành, công ty còn phải trả lãi vay, tiền thuê mặt bằng vẫn phải trả đủ 100% vì chủ cho thuê cũng vay ngân hàng xây dựng văn phòng cho thuê nên không thể giảm vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Lương cơ bản nhân viên và người lao động, DN cũng vẫn phải thanh toán 100% để “giữ chân” họ, dù nguồn thu của DN gần như số 0, chưa tính oxy hóa sản phẩm và hết hạn sản phẩm sản xuất ra trong thời giãn cách dài ngày không bán hoặc tiêu thụ được.

Khó khăn trăm bề nhưng DN vẫn phải chấp nhận cắt lỗ hoặc dừng hoạt động vì càng sản xuất, kinh doanh trong lúc này càng lỗ. Mặt khác, do xã hội hiện tại vẫn chưa mấy ổn định nên dù có đơn hàng, DN cũng không dám nhận vì sợ phải đền bù hợp đồng.

Chia sẻ với những khó khăn, mất mát của các DN ngành may mặc, anh Trần Xuân Khi – Giám đốc Công ty TNHH Thời trang Khánh Vy phản ánh: Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến các DN may mặc. Có những công ty gây dựng và phát triển hàng chục năm nay, đang “lên như diều gặp gió”, nhưng bỗng dưng điêu đứng, phá sản, phải đóng cửa trả lại mặt bằng, rút vốn 100% tích lũy trong bao năm…

Theo Giám đốc Công ty TNHH Thời trang Khánh Vy: Khó khăn lớn nhất mà các DN may mặc gặp phải là các đơn hàng bị ngưng, một số đơn hàng, dự án lớn đọng vốn vì tất cả đều phải giãn cách để cùng Nhà nước chống dịch, nhiều khách hàng bị ảnh hưởng chung, phá sản nên bỏ hợp đồng mặc dù đã ứng tiền cho bên sản xuất…

Cần sự chung tay, giúp sức

Khó khăn là thế nhưng hầu hết các DN, doanh nhân đều ở trong tâm thế quyết tâm vượt bão. Và ngay từ bây giờ họ đang lập kế hoạch, xây dựng các phương án để phục hồi. Với quyết tâm mãnh liệt sẽ “làm lại từ đầu”, Giám đốc Công ty TNHH Thời trang Khánh Vy mong Nhà nước, ngân hàng hỗ trợ để lấy đà hoạt động trở lại. Đối với các khu vực có dịch, anh đề xuất phải truy vết nhanh chóng, cách ly dứt khoát, rõ ràng, không để dịch bùng phát lai rai nhiều tháng trong năm vì công nhân nhiều người không muốn trở lại làm, họ thay đổi tư duy đơn giản, không muốn bon chen nơi thành phố mà trở về quê làm ruộng, chăn nuôi…

Để vượt qua khó khăn, Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị và Xây dựng Hồ Gia đề nghị Chính phủ cần hỗ trợ rà soát, ưu tiên những DN có thành tích nộp thuế và đóng góp cho ngân sách Nhà nước tốt trước đây như: Giãn thời gian nộp thuế thu nhập DN; Hỗ trợ nguồn vay dễ dàng, ưu đãi về lãi suất; Hỗ trợ xóa nhảy nhóm trên hệ Ngân hàng Nhà nước tính từ thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát; Tạm hoãn truy thu phí bảo hiểm y tế (đây cũng là chi phí rất cao so với tình hình hiện nay) và thu dần lại sau 1, 2 năm tới.

Về phía Công ty TNHH Thiết bị và Xây dựng Hồ Gia, doanh nhân Hồ Tài cho biết: Trong thời gian giãn cách xã hội do Covid-19 công ty anh đã tìm kiếm và tiếp cận rất nhiều tập đoàn bên Hàn Quốc. Thực tế, họ cũng đang tìm hiểu thị trường Việt Nam với mục đích liên doanh hoặc chuyển giao công nghệ sản xuất để hạ giá thành sản phẩm xuất đi các nước châu Âu, Mỹ các đơn hàng đã có sẵn từ trước và cả thị trường mới nội địa Việt Nam.

“Đây sẽ là cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài và chuyển mình của DN, giúp khắc phục hậu quả của dịch bệnh, bởi chi phí lao động của chúng ta đang thấp hơn rất nhiều các nước trong khu vực Đông Nam Á và đang được Chính phủ ưu đãi về thuế, thu hút đầu tư nước ngoài, sản xuất và nội địa hóa trong nước xuất khẩu đi các nước khác…” – doanh nhân Hồ Tài kỳ vọng.

Trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp, thực tế nhà nước và các cơ quan, ban ngành đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy, phục hồi sản xuất kinh doanh như: Cắt giảm 30% thuế thu nhập DN cho các DN quy mô vừa và nhỏ; Kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Giãn, hoãn thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất và các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng… nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN vực dậy sau thời gian dài giãn cách.

Trong tình thế các DN nói chung đang “tiến thoái lưỡng nan”, chưa muốn mở lòng bắt nhịp sản xuất, kinh doanh trở lại, theo Viện trưởng Viện Kinh tế Công nghệ Việt Nam Ths Nguyễn Thị Hồng Liên khuyến khích: Dù chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid–19 nhưng đây cũng là cơ hội lớn để các DN nhìn lại điểm mạnh, điểm yếu để tự làm mới mình, thay đổi hướng đi phù hợp với tình hình, thị trường hiện nay, nhanh chóng đổi mới nắm bắt cơ hội để đột phá, phát triển vững mạnh hơn.