VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Việt Nam có thể xuất khẩu vaccine Covid-19 vào năm 2022

Việt Nam có thể xuất khẩu vaccine Covid-19 vào năm 2022

16:20 - 15/10/2021

Dự kiến đầu năm 2022, Việt Nam sẽ có ít nhất một nhà máy sản xuất vaccine đi vào hoạt động, đáp ứng yêu cầu trong nước và có thể xuất khẩu.

Theo kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về thuốc, vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch Covid-19 vừa diễn ra, trong thời gian qua nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu vaccine, sinh phẩm, thuốc, vật tư thiết bị phòng chống dịch bệnh chủ động, hiệu quả, tiết kiệm, đồng thời tăng cường năng lực công nghiệp dược, trang thiết bị y tế.

 

Dự kiến đầu năm 2022, Việt Nam sẽ có ít nhất một nhà máy sản xuất vaccine đi vào hoạt động

Ngay từ đầu năm 2020 nhiều nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu đã được Bộ Khoa học & Công nghệ, các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp xác định, tham gia, thực hiện. Đến nay, Việt Nam đã làm chủ công nghệ, sản xuất được nhiều loại sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị phục vụ công tác chống dịch. Nghiên cứu sản xuất vaccine đã có những bước đi ban đầu rất nhanh, đạt kết quả tốt.

Từ giữa năm 2021, Việt Nam chủ yếu tập trung các khâu thử nghiệm lâm sàng, xem xét cấp phép thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Cũng trong khoảng thời gian này, các doanh nghiệp tham gia tích cực tiếp nhận chuyển giao sản xuất sinh phẩm, vaccine, thuốc điều trị Covid-19 và Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng nhiều loại sinh phẩm xét nghiệm, thuốc.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam đã sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm theo công nghệ RT-PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên với công suất đủ lớn và dự kiến đầu năm 2022 sẽ có ít nhất một nhà máy sản xuất vaccine đi vào hoạt động tham gia đáp ứng yêu cầu trong nước và có thể xuất khẩu.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Khoa học & Công nghệ tiếp tục khẩn trương triển khai Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia nghiên cứu vaccine cho người đến năm 2030 và các chương trình, nhiệm vụ khoa học phục vụ phòng chống dịch Covid-19; Cập nhật các công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong phòng chống dịch Covid-19, chủ động tổ chức, triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ theo quy định.

Trong đó, Bộ Y tế khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của mình để thúc đẩy hiệu quả, thiết thực các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu, nhận chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, cấp phép… đặc biệt trong khâu thử nghiệm lâm sàng, cấp phép nhằm sớm chủ động được vaccine, thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị… phòng chống dịch.

Về tốc độ tiêm chủng, từ chỗ tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 thấp, trong một tháng trở lại đây, Việt Nam đã đẩy mạnh tiêm vaccine và là nước có tốc độ tiêm chủng nhanh trên thế giới. Thậm chí có nhiều ngày vượt trên 1 triệu liều/ngày.

Với 41,41% dân số đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, Việt Nam gần đạt tỷ lệ tiêm trung bình của thế giới. Đến nay, tổng số liều vaccine đã được tiêm ở Việt Nam là 57.457.092 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 40.654.892 liều, tiêm mũi 2 là 16.802.200 liều.