VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chứng khoán 22/10: Cổ phiếu lớn phân hóa, VN-Index tăng nhẹ

Chứng khoán 22/10: Cổ phiếu lớn phân hóa, VN-Index tăng nhẹ

15:37 - 22/10/2021

Sự phân hóa trong nhóm VN30 khiến VN30-Index giảm nhẹ và kìm hãm mức tăng của VN-Index. UPCoM-Index lần đầu vượt 100 điểm.

Xu hướng của thị trường chứng khoán đang trở nên không rõ ràng trong những phiên gần đây. Hôm nay, VN-Index tăng mạnh 8 điểm, ngay từ đầu phiên; nhưng sau mỗi nhịp tăng của thị trường là lực bán lại dâng cao, đẩy VN-Index đi xuống. Chỉ số đóng cửa tuần này ở mức 1.389,24 điểm, tăng 4,47 điểm trong ngày hôm nay, tương đương 0,32%.

Một diễn biến đáng chú ý khác đến từ sàn UPCoM, nơi chỉ số UPCoM-Index lần đầu tiên đóng cửa trên mức 100 điểm. Cụ thể, chỉ số này đã tăng 0,59% trong phiên hôm nay, lên 100,36 điểm. Đây cũng là phiên tăng thứ 13 trong 15 phiên gần đây của UPCoM-Index (tính từ ngày 4/10), với mức tăng tổng cộng 4,56%. Ngoài ra, HNX cũng tăng 0,71% trong ngày để lập kỷ lục mới: 391,21 điểm.

Diễn biến giao dịch UPCoM-Index từ đầu năm. Nguồn: Vietstock.

Diễn biến giao dịch UPCoM-Index từ đầu năm. Nguồn: Vietstock.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục kìm hãm thị trường, khi VN30-Index giảm 0,04% với 15 mã tăng và 13 mã giảm. Trong đó có nhiều mã ngân hàng đi xuống, gồm: TCB (-1,1%), VPB (-0,9%), BID (-0,5%), CTG (-0,3%), ACB (-0,5%), …

Nhóm chứng khoán cũng chìm trong sắc đỏ, với các mã như: SSI (-1,3%), VND (-1,5%), VCI (-2,5%), HCM (-1,5%), FTS (-1,3%), …

Cũng có những nhóm ngành tăng giá tích cực, như bất động sản với VIC (+0,9%), NVL (+1,3%), PDR (+2,4%), … và nhóm năng lượng, đặc biệt là ngành than với một số mã tăng trần gồm NBC (+9,7%), TVD (+10,0%), TDN (+9,5%), HLC (+9,6%), …

Thanh khoản tăng nhẹ so với phiên hôm trước ở HoSE, đạt 21,6 nghìn tỷ đồng nhưng tăng mạnh ở 2 sàn HNX và UPCoM, đạt tổng cộng 26,9 nghìn tỷ đồng ở cả 3 sàn.

Khối ngoại bán ròng phiên thứ 5 liên tiếp nhưng với giá trị thấp hơn nhiều so với những phiên trước, chỉ 210,5 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh gồm NLG (-114,0 tỷ đồng), PAN (-97,7 tỷ đồng) và DPM (-65,3 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, VNM (+166,8 tỷ đồng), SSI (+51,5 tỷ đồng) và PDR (+46,6 tỷ đồng) được mua ròng nhiều nhất.