VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Ngành gỗ có động lực tăng trưởng sau khi mở cửa

Ngành gỗ có động lực tăng trưởng sau khi mở cửa

16:48 - 22/10/2021

Sau đà liên tiếp suy giảm bởi làn sóng Covid-19 và giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều tỉnh thành, tình hình đang dần khả quan hơn với ngành gỗ khi nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng lấp đầy đến quý I năm sau.

Do ảnh hưởng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước và tại các quốc gia châu Á, các doanh nghiệp ngành gỗ phải đối mặt với tình trạng ngưng trệ sản xuất, hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã giảm tốc từ tháng 7 đến nay. Cụ thể trong tháng 9, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 701,23 triệu USD, trong đó, sản phẩm gỗ đạt 422 triệu USD, giảm 19,6% so với tháng trước.

Ngành gỗ đang lấy lại đà tăng trưởng khi mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 9, nhiều địa phương nới lỏng giãn cách, tình hình sản xuất hàng hoá dần phục hồi trở lại, bên cạnh đó, nhu cầu tại nhiều thị trường lớn trên thế giới đang tăng cao là yếu tố thúc đẩy ngành gỗ phục hồi trong các tháng cuối năm. Trong đó, những biến chuyển trong kế hoạch phòng chống đại dịch của Chính phủ, từ nỗ lực đạt “zero Covid-19” đến chấp nhận “sống chung với Covid-19” đã gỡ khó cho hơn 4.500 doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất Việt Nam quay lại sản xuất.

Động lực tăng trưởng tiếp theo của ngành gỗ được dự báo sẽ đến từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 cũng giúp các nhà xuất khẩu gỗ Việt Nam gia tăng thị phần của mình tại các quốc gia thuộc khối châu Âu.

Cùng với đó, lộ trình các FTA song phương và đa phương như: Hiệp định CPTPP, RCEP và các FTA song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc góp phần gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ nay tới cuối năm và đầu năm 2022 rất khả quan, bởi các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ và các nước EU đang bắt đầu trong quá trình phục hồi sau dịch Covid-19. Theo đó, xuất khẩu đồ nội thất văn phòng của Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan nhờ dịch trong nước đã được kiểm soát, nhu cầu trên thị trường thế giới tăng; nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm và thậm chí đến hết quý 1/2022.

Dù còn nhiều thách thức như giá nguyên liệu nhập khẩu và chi phí vận chuyển tăng cao, song ngành gỗ Việt và doanh nghiệp đang tích cực phục hồi chuỗi cung ứng, tận dụng hiệu quả cơ hội thị trường để lấy lại đà tăng trưởng.

Ông Bùi Chính Nghĩa – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, nhận định nếu việc khôi phục sản xuất được đẩy nhanh, trong 3 tháng cuối năm mỗi tháng xuất khẩu đạt 800 triệu USD đến 1 tỷ USD thì ngành gỗ và lâm sản có thể đảm bảo mục tiêu mang về 14,5 tỷ USD mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra từ đầu năm, thậm chí có thể sẽ cán đích xuất khẩu 15 tỷ USD.