VNReport»Top»10 mỏ khí tự nhiên lớn nhất thế giới

10 mỏ khí tự nhiên lớn nhất thế giới

16:59 - 22/10/2021

5 trong số 10 mỏ khí tự nhiên lớn thế giới nằm ở Nga.

Gần 80% trữ lượng khí tự nhiên của toàn thế giới nằm ở 10 quốc gia. Trong đó, Nga đã chiếm gần 1/4 trữ lượng toàn cầu và cũng có đến 5 đại diện trong danh sách 10 mỏ khí tự nhiên lớn nhất thế giới sau đây.

  1. Nam Pars/Bắc Dome (35.000 km3)

Mỏ Nam Pars/Bắc Dome là một mỏ khí tự nhiên ngưng tụ nằm trong Vịnh Ba Tư. Đây là mỏ khí tự nhiên lớn nhất thế giới, với trữ lượng 35.000 km3, gấp hơn 5 lần so với mỏ xếp thứ 2. Quyền sở hữu mỏ được chia sẻ giữa Iran và Qatar và mỏ có ảnh hưởng địa chiến lược đáng kể ở khu vực Trung Đông.

Mỏ khí đốt này có diện tích 9.700 km2, trong đó 3.700 km2 (Nam Pars) thuộc lãnh hải Iran và 6.000 km2 (Bắc Dome) thuộc lãnh hải Qatar.

  1. Urengoy (6.300 km3)

Mỏ Urengoy ở phía bắc bể dầu khí Tây Siberia (thuộc Nga) lớn thứ 2 với trữ lượng 6.300 km3. Mỏ này được khám phá vào tháng 6/1966 và bắt đầu sản xuất từ năm 1978. Từ tháng 1/1984, khí của mỏ bắt đầu được xuất khẩu sang Tây Âu qua đường ống Urengoy-Pomary-Uzhhorod.

Sản lượng khai thác mỗi năm của mỏ Urengoy là khoảng 260 km3, hơn 5.000 tấn khí ngưng tụ và 825.000 tấn dầu. Mỏ được vận hành bởi một công ty con của Gazprom, tập đoàn khí tự nhiên quốc gia của Nga.

  1. Yamburg (3.900 km3)

Mỏ khí Yamberg nằm khoảng 149 km về phía bắc Vòng Bắc Cực, thuộc tỉnh Tyumen (Nga). Mỏ được khám phá vào năm 1969, bắt đầu phát triển vào năm 1980 và sản xuất năm 1986. Mỏ này cũng do một công ty con của Gazprom vận hành.

Mỏ có trữ lượng 3.900 km3, chủ yếu được khai thác ở độ sâu 1.000-1.210 m. Đường ống xuất khẩu chính từ mỏ Yamburg có tên là Progress. Trong những năm gần đây, việc khai thác đang chuyển sang khu vực phía ngoài của mỏ.

  1. Hassi R’Mel (3.500 km3)

Mỏ Hassi R’Mel nằm gần ngôi làng cùng tên, cách thủ đô Algiers của Algeria 550 km về phía nam. Mỏ này được khám phá năm 1956 và bắt đầu khai thác năm 1961. Mỏ có trữ lượng 3.500 km3 với sản lượng khai thác hàng năm đạt khoảng 100 km3.

Khí từ mỏ Hassi R’Mel được vận chuyển đến các thành phố ven biển Địa Trung Hải của Algeria, sau đó xuất sang Nam Âu qua những đường ống xuyên biển.

  1. Shtokman (3.100 km3)

Mỏ Shtokman nằm ở phía tây nam Bể Nam Barents, thuộc lãnh thổ của Nga ở Bắc Băng Dương. Trữ lượng của mỏ được ước tính là 3.100 km3 khí và hơn 37 triệu tấn khí ngưng tụ.

Mỏ này được phát hiện vào năm 1988. Tuy nhiên, nó vẫn chưa được phát triển do điều kiện khí hậu vô cùng khắc nghiệt ở Bắc Cực và độ sâu khai thác từ 320 đến 340 m. Kế hoạch khai thác dang dở dự kiến sản xuất 22.5 km3 khí tự nhiên và 205.000 tấn khí ngưng tụ, với chi phí phát triển là 15 đến 20 tỷ USD, theo Gazprom.

  1. Galkynysh (2.800 km3)

Mỏ Galkynysh ở Turkmenistan được phát hiện ngày 2/11/2006, với sự tham gia của các tập đoàn năng lượng của Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Vào năm 2009, hợp đồng phát triển mỏ này được trao cho CNPC của Trung Quốc, Hyundai Engineering của Hàn Quốc và Petrofac của Anh, trong một liên mình với công ty khí quốc gia của Turkmenistan. Mỏ đi vào khai thác tháng 9/2013.

Undated Petrofac handout of the Thistle Alpha platform North Sea oil rig.

Mỏ có trữ lượng 2.800 km3, nằm trên diện tích 2.700 km2, với độ sâu 3.900 đến 5.100 m. Ngoài ra, mỏ còn có trữ lượng dầu 300 triệu tấn.

  1. Zapolyarnoye (2.700 km3)

Mỏ Zapolyarnoye thuộc khu tự trị Yamalo-Nenets của Nga, được phát hiện năm 1965 và thuộc quyền sở hữu và vận hành của Gazprom. Mỏ được phát triển từ năm 1994 và bắt đầu khai thác năm 2001. Ngoài khí tự nhiên, mỏ còn khai thác dầu và khí ngưng tụ.

Trữ lượng của mỏ là 2.700 km3 khí và sản lượng đạt trên 10 km3/năm. Trữ lượng dầu của mỏ là 9 triệu tấn, tương đương 66 triệu thùng.

  1. Hugoton (2.300 km3)

Mỏ Hugoton nằm ở các bang Kansas, Oklahoma và Texas của Mỹ. Mỏ này được phát hiện lần đầu vào năm 1922, nhưng không được chú trọng khai thác khi đó vì nhu cầu khí ở khu vực lân cận thấp trong khi chưa có công nghệ tiên tiến để vận chuyển khí sang những địa điểm xa hơn.

Mỏ này có trữ lượng 2.300 km3, nhưng sắp cạn kiệt với mức khai thác liên tục giảm trong những năm gần đây. Một điểm đáng chú ý là mỏ này chứa nhiều helium, một phụ phẩm từ khí tự nhiên, với nồng độ 0,3 đến 1,9%.

  1. Gronigen (2.100 km3)

Mỏ khí đốt lớn nhất châu Âu nằm ở tỉnh Gronigen, đông bắc Hà Lan, có trữ lượng 2.100 km3. Mỏ này được khám phá vào năm 1959, sau khi đào sâu xuống 3.000 m. Mỏ bắt đầu khai thác từ năm 1963. Trong thập kỷ đầu tiên, sản lượng đạt khoảng 100 km3/năm nhưng sau đó giảm xuống còn khoảng 35 km3/năm.

Mỏ Gronigen được vận hành bởi một liên minh giữa Royal Dutch Shell của Anh-Hà Lan và ExxonMobil của Mỹ. Mỗi công ty chiếm 50% cổ phần.

  1. Bovannekovo (2.000 km3)

Mỏ Bovanenkovo nằm ở khu tự trị Yamalo-Nenets của Nga, được phát hiện vào năm 1972 và bắt đầu cung cấp khí tự nhiên và khí ngưng tụ từ năm 2012. Tổng trữ lượng của mỏ này khoảng 2.000 km3 và sản lượng khai thác năm 2010 là khoảng 11,5 km3.

Mỏ Bovannekovo thuộc quyền sở hữu và vận hành của Gazprom. Công ty dự kiến khai thác mỏ trong hơn 100 năm.