VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Giá xăng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2014

Giá xăng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2014

16:06 - 26/10/2021

Giá xăng tăng 1.430-1.460 đồng/lít lên 23.110-24.330 đồng/lít, lên mức cao nhất trong hơn 7 năm và tiến sát mức kỷ lục mọi thời đại mùa hè 2014.

Giá xăng RON 95 tăng 1.460 đồng/lít lên 24.330 đồng/lít và xăng E5 RON 92 tăng 1.430 đồng/lít lên 23.110 đồng/lít, mức cao nhất kể từ tháng 9/2014. Các mức giá trên được liên Bộ Tài chính – Công Thương áp dụng từ 16h chiều ngày 26/10, theo chu kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu 15 ngày một lần.

Như vậy, giá xăng dầu thành phẩm trong nước lần thứ 4 liên tiếp tăng và hiện đang ở mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm.

Kể từ ngày 11/11/2020, giá xăng thành phẩm trong nước đã tăng 17 lần, giảm 3 lần và giữ nguyên 3 lần, với xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 9.230 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 9.730 đồng/lít. Chỉ trong 2 tháng gần đây (tính từ đầu tháng 9), mỗi lít xăng E5 RON 92 đắt thêm 3.200 đồng và xăng E5 RON 92 thêm 3.220 đồng.

Đợt tăng giá này đã đưa xăng RON 95 tiến sát mức đỉnh lịch sử là 26.140 đồng/lít vào tháng 7/2014, khi giá dầu thô thế giới đạt trên 100 USD/thùng. Xăng E5 RON 92 cũng chỉ còn kém mức kỷ lục 25.640 đồng/lít của mình không xa.

Ngoài ra, giá các mặt hàng dầu cũng tăng mạnh. Sau khi điều chỉnh tăng 1.170 đồng/lít, giá bán dầu diesel là 18.710 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 1.010 đồng/lít lên 17.630 đồng/lít. Dầu mazut lên 17.210 đồng/kg sau khi tăng 120 đồng/kg.

Trong kỳ điều chỉnh này, liên Bộ Tài chính – Công Thương chi sử dụng quỹ bình ổn giá với xăng E5 RON 92 ở mức 1.100 đồng/lít, RON 95 là 400 đồng/lít, dầu diesel và dầu hỏa lần lượt là 150 và 100 đồng/lít. Riêng dầu mazut không chi quỹ, đồng thời trích lập quỹ bình ổn 100 đồng/kg.

Giá các mặt hàng nhiên liệu liên tục đạt đỉnh do lo ngại thiếu hụt than và khí đốt ở Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu khiến các thị trường này phải chuyển sang dùng dầu mỏ. Đồng thời, một số nước thành viên OPEC+ không nâng mức sản lượng hơn nữa để bù đắp chênh lệch cung-cầu khi nhu cầu tăng do nền kinh tế thế giới hồi phục.

Trong nước, giá xăng dầu tăng vọt đang tác động tiêu cực đến phục hồi kinh tế, đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Để ổn định giá xăng dầu, ngoài sử dụng quỹ bình ổn giá, các chuyên gia kiến nghị Nhà nước xem xét giảm thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu, góp phần hạ chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.