VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Lối đi cho startup Việt hậu Covid-19

Lối đi cho startup Việt hậu Covid-19

13:23 - 28/10/2021

Đại dịch mang lại nhiều thách thức song cũng không ít cơ hội cho các startup Việt Nam bứt phá khi hoạt động đầu tư dần phục hồi sau mở cửa trở lại.

Đại dịch Covid-19 được giới chuyên gia nhận định như một phép thử khả năng “sinh tồn” của hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp (startup). Do tác động của dịch bệnh, 3/4 startup tại hầu khắp các quốc gia trong đó có Việt Nam phải tạm dừng và không có hi vọng huy động được thêm vốn đầu tư trong ngắn hạn. Vậy startup Việt nên phát triển theo hướng nào sau dịch Covid-19 vẫn là một câu hỏi khó được nhiều người quan tâm hiện nay.

Điêu đứng vì Covid

Từ năm 2016, khi Thủ tướng Chính phủ phát động Năm quốc gia khởi nghiệp, làn sóng startup đã nhanh chóng lớn mạnh, phủ khắp các lĩnh vực và lan tỏa ra cả nước. Nhiều mô hình, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là của các bạn trẻ, đã đạt được thành công, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và tạo việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, kể từ khi Covid-19 xuất hiện trong gần 2 năm qua, giống như mọi doanh nghiệp trong nền kinh tế, các công ty startup cũng hứng chịu những tác động nặng nề từ đại dịch. Đặc biệt, đại dịch chập chờn và dai dẳng trong lần bùng phát thứ 4 được coi là cú bồi khiến các startup Việt lao đao.

Các startup được dự đoán có nhiều cơ hội bứt phá sau mở cửa trở lại

Chia sẻ điều này, ông Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, đại diện Quỹ đầu tư Vinacapital Ventures, nhà đồng sáng lập mô hình không gian làm việc chung Up Co-working Space cho biết, qua khảo sát, trong năm vừa qua, khoảng một nửa lượng đầu tư mạo hiểm vào các startup Việt Nam đã giảm, hầu hết startup non trẻ phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

Đơn cử như Trần Nguyễn Duy Tuấn, gương mặt khởi nghiệp từng đoạt nhiều giải thưởng uy tín về khởi nghiệp trong nước lẫn quốc tế (trong đó có Giải nhất Bánh xe khởi nghiệp 2019), thừa nhận Covid-19 khiến startup của anh thật sự “điêu đứng”. Nhưng “cái khó ló cái khôn”, startup này hiện đang thử nghiệm ý tưởng mới với tên gọi Coolbrace. Ứng dụng tuy chỉ mới ra đời vài tháng nhưng hiện đã gọi quỹ cộng đồng thành công và chuẩn bị ra mắt những lô hàng đầu tiên.

Tương tự, Huỳnh Tấn Cảnh (CEO của Vinh Danh Education) từng là cán bộ Đoàn đến từ một huyện vùng sâu, vùng xa nên anh luôn tham vọng xây dựng một ứng dụng học ngoại ngữ giá rẻ cho những cá nhân thiếu cơ hội học, và phải chật vật với tiếng Anh giống mình. Startup của anh đang phát triển khá tốt thì đại dịch quay lại, khiến công việc và đội ngũ đảo lộn hoàn toàn, nhất là giai đoạn trong nhóm có người trở thành F0 khiến các hoạt động phải dừng lại gần hết.

Khó khăn là thế song theo nhận định của bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP HCM, sau thời gian dài giãn cách, đây là giai đoạn có thể tái khởi nghiệp rất mạnh mẽ vì thời điểm này, chi phí thấp hơn so với bình thường. Chẳng hạn như chi phí mặt bằng bây giờ sẽ ít hơn, chi phí nhân sự cũng thấp hơn. Mỗi thách thức luôn đi cùng với cơ hội. Trong khi nhiều startup rơi vào “thế yếu” thì họ lại càng vươn lên, tận dụng thời cơ để đổi mới, sáng tạo và trở nên mạnh mẽ…

Công nghệ là đòn bẩy bứt phá

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và quá trình chuyển đổi số đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp nói riêng. Những tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được xem là chất xúc tác thúc đẩy các startup ứng dụng công nghệ số để phát triển.

Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) công bố cũng phân tích triển vọng năm 2021 rằng, mặc dù thị trường đầu tư công nghệ Việt Nam có sự chững lại do tác động của Covid-19 nhưng các nhà sáng lập tại Việt Nam đã tận dụng mọi nguồn lực có thể để trụ vững và tiếp tục phát triển. Khủng hoảng luôn là chất xúc tác mạnh mẽ để các mô hình kinh doanh đột phá xuất hiện.

Và cũng không thể phủ nhận có những startup tăng trưởng mạnh nhờ sản phẩm và công nghệ phù hợp với thời đại và bối cảnh chống dịch. Anh Vương Hoài Nam, Giám đốc Công nghệ của Techainer (Top 10 Giải pháp trí tuệ nhân tạo Việt Nam năm 2020 cung cấp các giải pháp công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro) cho hay, trong khi rất nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng và thực hiện giãn cách xã hội theo yêu cầu phòng, chống dịch thì đặc thù của ngành công nghệ thông tin là ít bị ảnh hưởng nhất bởi ít sử dụng nguyên, vật liệu và có thể duy trì làm việc từ xa. Đó cũng chính là lợi thế giúp Techainer duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Không chỉ có AI, trong bối cảnh dịch Covid-19, khi sự quan tâm đổ dồn về phía công nghệ tiên phong thì blockchain như một “thỏi nam châm” thu hút các startup trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.

Là một startup khá thành công hiện nay, anh Đặng Vương Anh, nhà sáng lập của TAPME (một ứng dụng game sử dụng công nghệ blockchain) chia sẻ, sau không ít lần “bầm dập” khi khởi nghiệp, nhóm đã tìm ra hướng đi mới, đó là việc sử dụng công nghệ blockchain như một công cụ quản lý tài khoản của người chơi, bảo đảm tính công bằng và minh bạch.

Dù đang trong quá trình chạy thử nhưng bản Alpha của TAPME thu được kết quả khá ấn tượng khi số lượng người đăng ký sử dụng (user) trong 2 tuần qua đạt gần 1,9 triệu (tại Việt Nam); lượt người theo dõi (followers) trên Telegram là gần 180.000, trên kênh Twitter là hơn 50.000. Theo anh Đặng Vương Anh, công nghệ blockchain đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Tạp chí Forbes cũng dự đoán Việt Nam sẽ sớm trở thành trung tâm sáng kiến phát triển blockchain của khu vực Đông Nam Á.

Với những nỗ lực từ phía Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, các startup Việt Nam sẽ càng có thêm nhiều cơ hội để bứt phá khi hoạt động đầu tư dần phục hồi sau mở cửa trở lại. Để làm được điều này, cần sự chung tay của rất nhiều bộ, ban, ngành để mở đường cho những ý tưởng mới, thúc đẩy các startup Việt phát triển bền vững và có thể ứng biến với mọi thách thức của nền kinh tế.