VNReport»Kinh tế»Tăng trưởng kinh tế Mỹ kém xa kỳ vọng

Tăng trưởng kinh tế Mỹ kém xa kỳ vọng

09:45 - 29/10/2021

Kinh tế Mỹ chỉ tăng 2% trong quý III so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất trong đợt phục hồi sau đại dịch.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm tốc trong quý III do chi tiêu tiêu dùng chậm lại trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 mới bùng phát trở lại và các khoản hỗ trợ của chính phủ giảm.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng với tốc độ 2% theo năm từ tháng 7 đến tháng 9, mức yếu nhất trong đợt phục hồi (từ quý III/2020 đến nay), theo ước tính do Bộ Thương mại công bố hôm thứ Năm. Các nhà phân tích được Refinitiv khảo sát kỳ vọng mức tăng trưởng 2,7%. GDP quý II tăng 6,7%.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ hàng quý. Nguồn: Bộ Thương mại Mỹ, WSJ.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ hàng quý. Nguồn: Bộ Thương mại Mỹ, WSJ.

Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại công ty nghiên cứu Capital Economics, cho biết: “Làn sóng lây nhiễm Delta, kích thích tài chính suy yếu và tình trạng thiếu hụt, đặc biệt là xe cơ giới, đã gây ra sự chậm lại rõ rệt trong tăng trưởng tiêu dùng”.

Tiêu dùng cá nhân tăng với tốc độ chỉ 1,6% sau khi tăng 12% trong quý II. Kể từ khi nền kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại, các doanh nghiệp đã gặp nhiều thách thức trong việc lấp đầy các kệ hàng do tắc nghẽn chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động. Việc thiếu hụt nguồn cung dẫn đến giá cao hơn cho người tiêu dùng.

Chi tiêu tiêu dùng cá nhân cơ bản, chỉ số lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), tăng 4,5% trong quý III. Mặc dù con số này thấp hơn mức tăng 6,1% trong quý II, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu dài hạn 2% của Fed.

Một phần trong mức gia tăng đầu tư hàng tồn kho tư nhân, chi tiêu tiêu dùng cá nhân, chi tiêu của chính quyền địa phương và tiểu bang, và đầu tư cố định ngoài nhà ở bị ảnh hưởng bởi mức sụt giảm đầu tư cố định nhà ở, chi tiêu của chính phủ liên bang và xuất khẩu.

Chi tiêu cho phương tiện cơ giới thấp hơn đóng góp mức giảm 2,39% vào GDP trong quý. Nhập khẩu hàng hóa nước ngoài kỷ lục dẫn đến xuất khẩu ròng đóng góp -1,14% trong tăng trưởng.

Những hạn chế về nguồn cung – bao gồm sự gián đoạn chuỗi cung ứng và lực lượng lao động bị thu hẹp – có thể tồn tại lâu dài và là trở ngại cho tăng trưởng kinh tế trong những tháng tới. Một số công ty lớn, trong các cuộc họp công bố lợi nhuận gần đây, cho biết các vấn đề về nguồn cung có thể cản trở nhu cầu mạnh mẽ trong kỳ nghỉ lễ.

Các công ty đồ chơi đang chạy đua để đưa tất cả sản phẩm của mình lên kệ trước Giáng sinh, khi ngành công nghiệp này thường ghi nhận khoảng một nửa doanh số bán lẻ trong năm. Những nhà sản xuất lớn như Hasbro và Mattel cho biết họ có thể vượt qua sự gián đoạn chuỗi cung ứng và đưa sản phẩm của mình đến tay các nhà bán lẻ, mặc dù có thể muộn hơn một chút.

Các nhà sản xuất chứng kiến tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng chậm hơn do tình trạng thiếu linh kiện cản trở việc sản xuất thành phẩm. GM tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu chip, với lượng xe xuất xưởng ở Bắc Mỹ giảm gần một nửa trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 so với năm trước. Giám đốc tài chính Paul Jacobson nói rằng các ràng buộc liên quan đến chip sẽ ít nghiêm trọng hơn trong quý IV, nhưng công ty dự kiến đối mặt với áp lực từ việc tăng chi phí nguyên vật liệu.

Tình trạng thiếu hụt và tắc nghẽn có thể đè nặng lên sản xuất, trì hoãn chi tiêu và giữ lạm phát cao trong nhiều tháng. Khoảng 45% các nhà kinh tế được Wall Street Journal khảo sát vào tháng 10 ước tính rằng phải đến nửa cuối năm 2022 thì các nút thắt mới hầu hết biến mất.