VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Hội nghị biến đổi khí hậu đối mặt nhiều vấn đề

Hội nghị biến đổi khí hậu đối mặt nhiều vấn đề

10:53 - 30/10/2021

Hội nghị COP26 đến khi thế giới đang bước vào một cuộc khủng hoảng năng lượng và sau khi các nước đạt được rất ít tiến bộ về những cam kết khí hậu trước đó.

Các nhà lãnh đạo thế giới hội tụ về Glasgow, Anh cuối tuần này để tham dự Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26) trong thời điểm nhạy cảm, khi khủng hoảng năng lượng nhăm nhe trên toàn cầu. Châu Âu đối mặt khủng hoảng nhiên liệu vào mùa đông này. Tổng thống Mỹ Joe Biden mong OPEC sản xuất thêm dầu. Trung Quốc tăng hết công suất các nhà máy điện chạy bằng than trong bối cảnh thiếu điện.

Một tua bin điện gió và nhà máy điện than ở Đức.

Một tua bin điện gió và nhà máy điện than ở Đức.

Hội nghị thượng đỉnh này được gọi là COP26 bởi có 25 hội nghị như thế trước đó. Trong tuần này, Liên Hợp Quốc thừa nhận rằng các nước đã đạt được rất ít tiến bộ trong những cam kết về khí hậu trước đó của mình. Nhưng thay vì điều chỉnh mục tiêu theo hướng thực dụng hơn, các đại biểu sẽ đưa ra thêm những lời hứa không thực tế.

Hai ưu tiên chính của hội nghị thượng đỉnh là cam kết đạt mức phát thải khí nhà kính ròng bằng không (net zero) vào một ngày nào đó trong tương lai, có lẽ là năm 2050, và thuyết phục các nước phát triển trả tiền cho các nước nghèo để đăng ký cắt giảm nhiều khí CO2 hơn.

Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson có kế hoạch đưa ra cam kết lớn về khí thải cho đất nước của mình. Ông Biden sẽ tuyên bố Mỹ cũng cam kết “net zero”. Nhưng chương trình nghị sự về khí hậu của ông Biden bị cắt giảm mạnh để được Quốc hội Mỹ thông qua. Các biện pháp ép buộc không còn, chỉ để lại những khoản trợ cấp cho năng lượng xanh.

Trong khi đó, cam kết từ những nước đang phát triển phụ thuộc hầu hết vào viện trợ từ những nước giàu. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong tuần này kêu gọi thêm viện trợ quốc tế để tài trợ cho việc giảm phát thải, với “mức sàn” 100 tỷ USD/năm. Trong số mức giảm phát thải carbon 75% mà Philippines lên kế hoạch đạt được vào năm 2030, 72% phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, Nikkei Asia đưa tin. Những nước giàu lần đầu tiên cam kết 100 tỷ USD vào năm 2009, nhưng số tiền này vẫn chưa thấy đâu.

Đáng chú ý, Trung Quốc và Nga – 2 trong số những nước phát thải hàng đầu thế giới không có lãnh đạo tham dự COP26. Vào năm 2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa sẽ giảm phát thải khí hậu, nhưng chỉ sau năm 2030. Hiện tại, Trung Quốc đang xây dựng thêm nhiều nhà máy chạy bằng than hơn vì phát triển nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu. Ngân sách của Điện Kremlin phụ thuộc vào sản xuất dầu và khí đốt, và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có thêm đòn bẩy trong đàm phán năng lượng nếu Tây Âu tiếp tục cắt giảm than để hướng tới mục tiêu “net zero”.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo của Ấn Độ – nước phát thải nhiều thứ 3 – sẽ có mặt ở Glasgow, nhưng không cam kết “net zero”, theo bộ trưởng môi trường của nước này. Với việc hàng trăm triệu người Ấn Độ vẫn đang sống trong cảnh nghèo đói, nước này cần nhiều năng lượng hơn từ nhiên liệu hóa thạch, tương tự như toàn bộ châu Phi.

Một ý tưởng mới gần đây là quy định buộc các ngân hàng và tổ chức tài chính phải ưu tiên các dự án xanh thông qua những quyết định cho vay và đầu tư của mình. COP26 sẽ dành trọn một ngày cho chủ đề này vào thứ Tư và các ngân hàng trung ương trên thế giới muốn biến khí hậu trở thành một phần trong những quyết định về tiền tệ và quản lý của mình. Điều này có khả năng phân bổ sai nguồn vốn đầu tư vào những dự án và công ty hoạt động kém hiệu quả.

Mặc dù nhiều người mô tả biến đổi khí hậu như ngày tận thế, xã hội hiện đại vẫn cần nhiên liệu hóa thạch để phát triển kinh tế. Hội nghị này sẽ chỉ làm nổi bật sự khác biệt giữa những phát biểu về biến đổi khí hậu và những gì người dân sẵn sàng hy sinh để thay đổi nó.