VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp chịu áp lực chi phí đầu vào tăng

Doanh nghiệp chịu áp lực chi phí đầu vào tăng

16:30 - 04/11/2021

Doanh nghiệp đối mặt với chi phí nhân công và nguyên vật liệu tăng mạnh. Điều này gây nguy cơ lạm phát tăng, đặc biệt khi giá xăng dầu lên cao.

Một trong những thách thức lớn nhất của bài toàn phục hồi sau dịch đối với các doanh nghiệp là chi phí đầu vào. Chi phí nhân công và nguyên vật liệu đồng loạt tăng mạnh khiến các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong việc tăng cường sản xuất.

Chi phí tăng mạnh ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau thời gian dài đình trệ.

Chi phí tăng mạnh ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau thời gian dài đình trệ.

Bà Đặng Thị Phương Ninh – Giám đốc Công ty phát triển kinh tế Duyên Hải – Cofidec (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc) cho biết, công ty đang tiếp tục tuyển thêm lao động vì còn thiếu khoảng 25-30% lao động so với nhu cầu, nhưng vẫn rất khó tuyển dụng.

Không những vậy, các doanh nghiệp còn đang gặp khó khăn do giá nguyên vật liệu rất cao. “Mặt hàng nào cũng tăng giá, trong đó, dầu ăn là phụ liệu tăng cao nhất, khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020 và dự kiến còn tăng cao hơn nữa”, bà nói. Lãnh đạo Cofidec cho biết, từ đầu năm đến nay, giá các loại nguyên liệu đầu vào đều tăng nhưng gần đây giá bắt đầu tăng vọt. “Hiện khâu vận chuyển, nguyên liệu, lao động đều ổn định, chỉ có giá cả tăng cao khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về chi phí”, bà chia sẻ.

Ông Trương Chí Thiện – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt – cho biết, tất cả chi phí sản xuất đều tăng từ bao bì, vỉ nhựa đựng trứng đến chi phí nhân công. Trong khi đó, sức mua của người dân tại các kênh chợ truyền thống và siêu thị lại giảm mạnh.

Ông cho biết phải mua những vỉ đựng trứng bằng nhựa với giá cao gấp rưỡi so với trước đây nhưng số lượng cũng hạn chế. Các nhà máy sản xuất bao bì cũng đang gặp khó vì thiếu lao động và không thu mua được nguyên liệu để sản xuất. “Chúng tôi thường dự trữ bao bì đủ dùng cho 1 tháng nhưng đến khi cả thị trường đều thiếu, nhà cung cấp chậm giao hàng cũng khó xoay xở”, ông Thiện nói và cho biết vẫn giữ nguyên giá trứng của công ty bất chấp chi phí tăng cao.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thảo Viên – giám đốc nhân sự của CJ Food Việt Nam và CJ Cầu Tre – cũng cho biết, doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn lớn về nguồn lao động và giá nguyên vật liệu sản xuất cao. “Giá xăng dầu tăng khiến giá tất cả các loại nguyên liệu cũng tăng theo. Lúc này đầu vào tăng mạnh nhưng đầu ra chỉ tăng không đáng kể”, bà nói.

Nhưng bà Viên vẫn chia sẻ rằng doanh nghiệp không thể tăng giá bán trong bối cảnh thu nhập người dân giảm mạnh.

Nguy cơ lạm phát

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 10 tháng đầu năm 2021 tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2020 – mức tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Lạm phát 10 tháng qua tăng 0,84% – thấp nhất kể từ năm 2011. Trong tháng 10/2021, chỉ có 3 nhóm hàng là hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhà ở, và vật liệu xây dựng giảm giá trong khi 8 nhóm hàng khác tăng giá. Giá tiêu dùng biến động chủ yếu do giá thực phẩm và năng lượng tăng.

PGS TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giá cả – cho rằng khi những chi phí đầu vào như xăng dầu, sắt thép, thức ăn chăn nuôi… tăng sẽ cảnh báo nguy cơ lạm phát. Thực trạng này đang ảnh hưởng đến quá trình phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sau thời gian đình trệ.

Ông cho biết giá nhiên liệu tăng đã tác động trực tiếp và gián tiếp đến hầu hết các lĩnh vực, đẩy CPI tăng. Những doanh nghiệp vận tải, logistics, đánh bắt hải sản xa bờ, nông nghiệp… sử dụng xăng dầu bị ảnh hưởng trực tiếp. “Còn các loại hàng hóa đến tay người tiêu dùng thông qua khâu vận chuyển sẽ chịu tác động gián tiếp từ giá nhiên liệu tăng. Khi giá xăng tăng, chi phí sản xuất tăng, giá hàng hóa, dịch vụ có xu hướng tăng”, ông nói.

Ông Long cho rằng, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc khá lớn vào giá xăng dầu thế giới. Hiện có 2 đơn vị liên quan đến việc quyết định tăng hoặc giảm giá xăng dầu là Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và thuế. Quỹ Bình ổn giá đang cạn kiệt. Bộ Tài chính ước tính quỹ này chỉ còn khoảng 600 tỷ đồng. Việc điều tiết thuế cũng cần được tính toán và cân nhắc, bởi giảm thuế sẽ gây áp lực lên nguồn thu ngân sách.

Theo ông, thời điểm này, các ngành phải vào cuộc, làm tốt công tác dự báo giá xăng dầu, từ đó có kịch bản điều hành phù hợp, tránh bị động. “Cùng với đó là các giải pháp hỗ trợ về tài chính, giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí đầu vào, sớm khôi phục sản xuất”, ông nói.