VNReport»Top»10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam

10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam

16:48 - 09/11/2021

Hầu hết các doanh nghiệp có trụ sở đặt tại đồng bằng sông Cửu Long, vùng trọng điểm nuôi trồng thủy sản của cả nước.

Thủy sản là một trong những lĩnh vực xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đạt kim ngạch 8,1 tỷ USD trong năm 2020, xếp thứ 4 thế giới chỉ sau EU, Trung Quốc và Na Uy.

Sau đây là 10 doanh nghiệp đã đóng góp nhiều nhất vào ngành thủy sản Việt Nam (số liệu về kim ngạch xuất khẩu do Hải Quan Việt Nam công bố).

  1. Tập đoàn Thủy sản Minh Phú

Minh Phú là tập đoàn thủy sản số 1 Việt Nam, với sản phẩm có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Thành lập ngày 14/12/1992 với tiền thân là Xí nghiệp cung ứng hàng xuất khẩu Minh Phú, doanh nghiệp chuyển sang hình thức công ty cổ phần vào ngày 31/5/2006 và niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán (mã MPC) từ năm 2007.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu năm nay của Minh Phú là khoảng 6,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái, với sản phẩm chủ lực là tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

  1. Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng

Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng, thường gọi là Stapimex, được thành lập từ năm 1978, và hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ ngày 8/5/2006 đến nay. Kể từ khi thành lập, Stapimex luôn là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về chế biến và xuất khẩu tôm sú. Công ty đã áp dụng thành công hệ thống truy xuất nguyên liệu đến tận ao nuôi từ năm 2003.

Stapimex đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản 3,4 nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2020.

  1. Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn

Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn xuất khẩu 2,8 nghìn tỷ đồng thủy sản, chủ yếu là cá tra, trong nửa đầu năm 2021.

Được thành lập năm 1997 ở tỉnh Đồng Tháp với tư cách là một cơ sở chế biến cá nhỏ, Vĩnh Hoàn đã phát triển mạnh mảng nuôi cá tra và chế biến các sản phẩm cá tra đông lạnh, trở thành nhà xuất khẩu số một thế giới mặt hàng này năm 2010, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP). Cổ phiếu của công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM (HoSE) từ năm 2007 với mã VHC.

  1. Công ty Cổ phần Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau

Công ty Cổ phần Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau (CASES) là doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nhiều sản phẩm thủy sản các loại, bao gồm: tôm sú với công suất 4.000-5.000 tấn/năm, các loài thân mềm như mực và bạch tuộc với công suất 7.000-8.000 tấn/năm, bột cá dùng làm thức ăn chăn nuôi với công suất 8.000 tấn/năm và thịt cá xay surimi với công suất khoảng 8.000 tấn/năm.

CASES xuất khẩu lượng sản phẩm trị giá 1,9 nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.

  1. Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FIMEX) thành lập năm 1996, tiền thân là doanh nghiệp nhà nước chuyên chế biến tôm đông lạnh để xuất khẩu. Doanh nghiệp được chuyển đổi thành công ty cổ phần vào năm 2003 và lên sàn HoSE vào tháng 12/2006 với mã chứng khoán FMC.

Doanh nghiệp có trụ sở tại tỉnh Sóc Trăng vẫn giữ thế mạnh về chế biến tôm, với vùng nuôi tôm riêng rộng 270 ha. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Sao Ta xuất khẩu khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng giá trị thủy sản sang các thị trường quốc tế.

  1. Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông

Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông là nhà sản xuất cá tra phi lê, được thành lập vào năm 2007 tại thành phố Cần Thơ. Đây là một trong những nhà chế biến và xuất khẩu cá tra lớn nhất đất nước. Ngoài việc thu mua nguyên liệu từ nông dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thủy sản Biển Đông cũng đầu tư vào hệ thống ao nuôi và thức ăn cho cá của riêng mình.

Doanh nghiệp ghi nhận kim ngạch xuất khẩu gần 1,4 nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.

  1. Công ty Cổ phần Thủy sản Sạch Việt Nam

Công ty Cổ phần Thủy sản Sạch Việt Nam (Vina Cleanfood) là doanh nghiệp có tuổi đời tương đối trẻ, được thành lập năm 2010, nhưng đã khẳng định được vị thế của mình. Trong 2 quý đầu năm 2021, doanh nghiệp này đạt kim ngạch xuất khẩu 1,3 nghìn tỷ đồng thủy sản, bao gồm tôm và các sản phẩm từ tôm.

Công ty chuyên chế biến và xuất khẩu tôm thẻ chân trắng và tôm sú cho các thị trường bao gồm Nhật Bản, châu Âu, Bắc Mỹ… Công ty cũng chế biến nhiều sản phẩm khác từ tôm như tôm tẩm bột, tempura, sushi, …

  1. Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước

Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước được thành lập tháng 6/1987 và hoạt động ở Khu công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Là một trong những nhà chế biến và xuất khẩu thủy sản lớn, công ty ghi nhận kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 100 tỷ USD. Con số này trong nửa đầu năm nay là 1,3 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 46% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các sản phẩm chính của công ty gồm tôm thẻ chân trắng và các sản phẩm từ tôm, mực nang và phi lê cá.

  1. Công ty Cổ phần Nam Việt

Công ty Cổ phần Nam Việt (NAVICO) là nhà chế biến cá tra có trụ sở tại tỉnh An Giang. Doanh nghiệp tuyên bố là nhà xuất khẩu cá tra lớn thứ 2 trên thế giới với 70 thị trường tiêu thụ và sử dụng 6.300 lao động. NAVICO được thành lập năm 1993 và chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần từ năm 2000. Từ năm 2003, doanh nghiệp niêm yết ở sàn HoSE dưới mã ANV.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm của NAVICO là 1,1 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ 2020.

  1. Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia (IDI) ghi nhận giá trị xuất khẩu đạt 850 tỷ đồng từ các sản phẩm cá tra trong nửa đầu năm 2021.

Doanh nghiệp có trụ sở tại tỉnh Đồng Tháp được thành lập năm 2008, với việc xây dựng nhà máy chế biến đầu tiên. Tính đến nay, hơn 80 sản phẩm từ cá tra của IDI đã vươn ra hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cổ phiếu của IDI được niêm yết ở HoSE từ năm 2011.