VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Nhiều hãng quần áo, giày dép chuyển sản xuất khỏi châu Á

Nhiều hãng quần áo, giày dép chuyển sản xuất khỏi châu Á

17:16 - 10/11/2021

Gián đoạn sản xuất do Covid-19 và chi phí vận tải biển tăng vọt khiến các công ty quần áo và giày dép lớn cân nhắc chuyển đơn hàng từ Việt Nam và Trung Quốc sang Đông Âu và Mỹ Latinh.

Các công ty quần áo và giày dép lớn đang chuyển sản xuất sang những nước gần hơn với Mỹ và châu Âu, nơi đặt các cửa hàng của mình. Những doanh nghiệp này chịu thiệt hại trong năm nay do dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát ở Việt Nam và Trung Quốc, làm chậm hoặc ngừng sản xuất trong vài tuần. Họ cũng đang gặp khó khăn do đợt tắc nghẽn vận tải biển làm tăng chi phí và buộc họ phải suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng trải dài toàn cầu và các trung tâm sản xuất chi phí thấp ở châu Á.

Nhiều nhà máy sản xuất quần áo và giày dép ở Việt Nam phải đóng cửa trong quý III.

Nhiều nhà máy sản xuất quần áo và giày dép ở Việt Nam phải đóng cửa trong quý III.

Hãng thời trang Tây Ban Nha Mango cho biết “đẩy nhanh” quá trình tăng sản lượng ở các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Maroc và Bồ Đào Nha. Trong năm 2019, công ty chủ yếu đặt hàng sản phẩm của mình từ Trung Quốc và Việt Nam. Mango cũng nói rằng họ sẽ mở rộng “đáng kể” số lượng các đơn vị sản xuất ở châu Âu vào năm 2022.

Tương tự, nhà bán lẻ giày của Mỹ Steve Madden cho biết ngừng sản xuất tại Việt Nam và chuyển 50% sản lượng giày dép sang Brazil và Mexico từ Trung Quốc. Trong khi đó, nhà sản xuất guốc cao su Crocs vào tháng trước cho biết họ đang chuyển sản xuất sang các nước bao gồm Indonesia và Bosnia.

Bulgaria, Ukraine, Romania, Cộng hòa Séc, Maroc và Thổ Nhĩ Kỳ là một số quốc gia thu hút sự quan tâm mới từ các nhà sản xuất quần áo và giày dép, mặc dù Trung Quốc vẫn tiếp tục sản xuất một tỷ lệ lớn hàng may mặc cho các chuỗi quần áo của Mỹ và châu Âu. Barry Conlon, giám đốc điều hành của Overhaul, một công ty quản lý rủi ro chuỗi cung ứng, cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến ​​sự tăng trưởng rất nhiều trong hoạt động vận tải hàng hóa và đường bộ ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ… một sự gia tăng lớn ở Hungary và Romania”.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, xuất khẩu hàng may mặc dự kiến ​​sẽ đạt 20 tỷ USD trong năm nay, mức cao nhất mọi thời đại, được thúc đẩy bởi sự gia tăng đột biến trong số lượng đơn đặt hàng từ Liên minh châu Âu. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 17 tỷ USD.

Tại Bosnia & Herzegovina, xuất khẩu hàng dệt may và da giày đạt 739,56 triệu marka (436,65 triệu USD) trong nửa đầu năm 2021, cao hơn so với cả năm 2020. “Nhiều công ty từ Liên minh châu Âu, đối tác thương mại quan trọng nhất của chúng tôi, đang tìm kiếm các nhà cung cấp mới và chuỗi cung ứng mới tại thị trường Balkan”, GS Muris Pozderac, thư ký hiệp hội dệt may và da giày Bosnia & Herzegovina cho biết.

Vào năm 2020, Nordstrom dịch chuyển đáng kể sản lượng hàng mang nhãn hiệu đến Guatemala. Đất nước này ghi nhận xuất khẩu hàng may mặc đạt hơn 1 tỷ USD tính đến cuối tháng 8 năm nay, tăng 34,2% so với năm 2020.

Dù vậy, nhiều công ty vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào Việt Nam, nơi việc ngừng sản xuất gần đây gây ra những gián đoạn đáng kể. Chính phủ cho biết vào tháng 10 rằng thành tích xuất khẩu hàng may mặc trong năm nay có thể kém mục tiêu 5 tỷ USD trong trường hợp xấu nhất, do tác động của các hạn chế Covid và tình trạng thiếu công nhân.

Số lượt kiểm tra nhà máy ở Việt Nam – chỉ số đại diện cho số đơn đặt hàng sản xuất của các nhà bán lẻ – giảm 40% trong quý III so với quý II. Sản lượng trong những tháng đó nhanh chóng chuyển sang Bangladesh, Ấn Độ và Campuchia. Mathieu Labasse, phó chủ tịch QIMA, một công ty kiểm tra và kiểm soát chất lượng chuỗi cung ứng đại diện cho hơn 15.000 thương hiệu, cho biết số lượt kiểm tra ở Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn trong quý IV, dù tăng nhẹ vào cuối tháng 10.

Nhà sản xuất trang phục VF Corp và hãng sản xuất đồ dùng ngoài trời Columbia Sportswear nằm trong số các công ty đã cảnh báo rằng sẽ có sự chậm trễ trong các bộ sưu tập mùa thu và mùa xuân, không đủ chủng loại kích cỡ trong một số trường hợp. Capri Holdings – nhà sản xuất túi xách Michael Kors – cho biết hôm thứ Tư rằng họ sẽ không có hàng tồn kho như mong muốn cho kỳ nghỉ lễ. Nhà sản xuất đồ thể thao Under Armour cho biết vào thứ Ba tuần trước rằng họ đã hủy đơn đặt hàng từ Việt Nam chỉ để giúp “các nhà máy hoạt động trở lại và bắt kịp”.