VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»COP26 đạt thỏa thuận

COP26 đạt thỏa thuận

09:45 - 15/11/2021

197 nước đồng ý với các cam kết hạn chế phát thải khí nhà kính. Ấn Độ và Trung Quốc phản đối cụm từ “loại bỏ” điện than và thay bằng “giảm”.

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 tại Glasgow kết thúc bằng việc 197 quốc gia đồng ý với các quy tắc mới về hạn chế phát thải khí nhà kính. Nhưng sự phản đối vào phút chót của Ấn Độ và Trung Quốc cản trở cam kết chấm dứt sử dụng than và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.

Chủ tịch hội nghị Alok Sharma khóc khi xin lỗi các đại biểu trong những phút cuối vì phải giảm nhẹ một điều khoản về nhiên liệu hóa thạch để xoa dịu Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh đánh dấu lần đầu tiên than đá hoặc nhiên liệu hóa thạch được nhắc đến trực tiếp trong một thỏa thuận COP.

Các nước cũng nhất trí về những quy tắc chi phối hiệp định khí hậu Paris 2015, nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 2 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp, và lý tưởng là 1,5 độ C. Đồng thời tăng cường tài trợ để giúp các nước thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phần lớn nguồn điện của Ấn Độ và Trung Quốc được sản xuất từ than.

Phần lớn nguồn điện của Ấn Độ và Trung Quốc được sản xuất từ than.

Trong những giờ cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh, kế hoạch thông qua cam kết COP26 bị chệch hướng khi Ấn Độ và Trung Quốc phản đối cụm từ “loại bỏ” điện than không suy giảm (các nhà máy điện không thu giữ CO2), cũng như tất cả các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch. Sau cuộc nói chuyện giữa Mỹ, EU và Trung Quốc, đã có một thỏa hiệp với cam kết “giảm” than đá thay vì “loại bỏ” than đá.

Nhưng nhiều quốc đảo nhỏ và dễ bị tổn thương phản đối ngôn từ trên, nói rằng lượng khí thải lớn hơn sẽ gây nguy hiểm cho tương lai của họ. “Tôi muốn ghi lại sự thất vọng sâu sắc của chúng tôi đối với sự thay đổi ngôn từ về than, từ loại bỏ thành giảm. Chúng tôi chấp nhận sự thay đổi này, với sự miễn cưỡng tối đa”, Tina Stege, đặc phái viên COP26 từ Quần đảo Marshall, cho biết. “Chúng tôi chỉ làm như vậy bởi vì có những yếu tố quan trọng trong văn bản này mà người dân đất nước tôi cần, như một cứu cánh cho tương lai của họ”.

Thụy Sĩ bày tỏ “sự thất vọng sâu sắc do kết quả của quá trình không minh bạch”. Đại diện Thụy Sĩ tại hội nghị cho biết: “Điều này sẽ không đưa chúng ta đến gần [giới hạn tăng nhiệt độ] 1,5°C nhưng khiến việc đạt được nó trở nên khó khăn hơn”.

Sharma cho biết ông “vô cùng lấy làm tiếc” về cách thức đi đến cam kết cuối cùng, nhưng kêu gọi các quốc gia chấp thuận thỏa thuận để mọi chuyện không đổ vỡ.

“Ngay cả sau những gì đã xảy ra, than đá vẫn còn trên cam kết”, đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry cho biết. “Bạn phải giảm bớt than trước khi có thể kết thúc sử dụng than”, ông bảo vệ sự thay đổi trên. “Tôi không đánh giá cao việc chúng ta phải điều chỉnh điều đó tối nay theo cách rất bất thường. Nhưng nếu chúng ta không làm điều đó, chúng ta sẽ không có một thỏa thuận”.

Trong một tuyên bố trên trang web của mình vào Chủ nhật, Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với hợp tác quốc tế để chống lại biến đổi khí hậu, nhưng kêu gọi một hệ thống trong đó “mỗi quốc gia có thể tự quyết định về đóng góp của mình”.

Với những trở ngại của đại dịch và căng thẳng địa chính trị gia tăng, hội nghị thượng đỉnh có lúc dự kiến ​​sẽ không diễn ra sau khi bị trì hoãn từ năm 2020. Các quy tắc cho hiệp định khí hậu Paris, vốn đã khiến một số hội nghị thượng đỉnh về khí hậu trước đây không đạt được kết quả, được hoàn thiện tại COP26; bao gồm quy định về tính minh bạch với cách các nước báo cáo lượng khí thải của mình. Bộ quy tắc hướng dẫn về thị trường carbon toàn cầu cũng được thông qua, cho phép các nước giao dịch tín chỉ carbon.

Một số nhà đàm phán cho biết họ ngạc nhiên và hài lòng vì các quy tắc được thông qua sau nhiều năm tranh luận gay gắt. Ngay cả Ả Rập Xê-út cũng cho biết họ chấp nhận thỏa thuận này. Ayman Shasly, người đứng đầu phái đoàn nước này và là cựu giám đốc điều hành của Saudi Aramco tại Trung Quốc, nói với Financial Times bên lề phiên họp toàn thể: “Nó bao gồm tất cả các nước, tất cả các yếu tố phù hợp với thỏa thuận Paris. Tất cả các bên đều hài lòng với nó”.