VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá mạnh

Nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá mạnh

13:48 - 15/11/2021

Các nhà sản xuất và nhà bán lẻ đối mặt với áp lực giá nguyên liệu đầu vào, giá hàng nhập tăng mạnh.

Một mặt bằng giá mới có thể được xác lập trong thời điểm cuối năm đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hóa mỹ phẩm.

Ông Nguyễn Văn Hà – giám đốc Công ty Thiên Hương, nhà sản xuất mì các loại – cho biết nguyên liệu đầu vào của ngành này đã tăng giá từ năm ngoái và vẫn đang tăng mạnh. Giá bột mì tăng hơn 20%, dầu dùng để sản xuất còn tăng cao hơn (40%) khiến giá bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng tăng từ 10-25%.

“Mặt bằng giá mới này xảy ra với tất cả các doanh nghiệp ngành thực phẩm và càng rõ hơn trong giai đoạn phục hồi sản xuất sau dịch. Chi phí sản xuất tăng, bên cạnh sự thiếu hụt nguồn lao động, đã làm cho việc phục hồi của các doanh nghiệp cũng trắc trở hơn, lượng hàng bán ra vẫn chậm”, Ông Hà nói.

Mì gói tăng giá do nguyên liệu đầu vào.

Mì gói tăng giá do nguyên liệu đầu vào.

Đối với thực phẩm chế biến và thực phẩm đông lạnh, từ cuối tháng 10 đến nay, nhiều nhà phân phối, bán lẻ phải áp dụng bảng giá mới với xu hướng tăng từ 10-25%. Chỉ một số ít vẫn bán giá cũ do còn hàng tồn trong kho; tuy nhiên, nhà sản xuất cũng đã gửi thông báo giá mới cho nhà bán lẻ.

Mặt hàng hóa mỹ phẩm vẫn bán chạy trong đợt dịch nên đã được điều chỉnh tăng từ giữa tháng 10 với mức tăng từ 6-12%. Đặc biệt, nhiều thương hiệu kết hợp giảm giá và giảm size để giảm cảm giác tăng giá quá nhiều. Chẳng hạn, một loại dầu gội có size cũ là 640ml được hạ xuống còn 621ml, tương đương với mức tăng giá 3%. Một loại dầu gội khác từ 630ml điều chỉnh còn 618ml, giảm size 2%, đồng thời tăng giá 2%. Tương tự, các loại bột giặt, chất tẩy rửa cũng tăng từ 3-9%.

Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, thực phẩm – cho biết, sau một thời gian sản xuất trong điều kiện chống dịch khó khăn, hiện các doanh nghiệp trong hiệp hội đang bắt đầu ổn định để chuẩn bị hàng hóa cho những tháng cuối năm. “Trong suốt mùa dịch, các doanh nghiệp này đã nỗ lực không tăng giá đồng nào, kể cả những đơn vị không tham gia chương trình bình ổn giá. Nhưng bước vào tháng 12, nhiều mặt hàng sẽ phải điều chỉnh tăng giá vì áp lực đầu vào, nguyên liệu, chi phí sản xuấn rất lớn”, bà Chi nói.

Nguyên nhân tăng giá là để đáp ứng nhu cầu hàng hóa trong mùa dịch bệnh, các doanh nghiệp gần như đã sử dụng hết nguồn nguyên liệu dự trữ. Vấn đề hiện nay là các doanh nghiệp dù đã khởi động lại hoạt động sản xuất nhưng sức mua rất thấp, lượng bán ra rất ít, dù so với tháng trước sức mua tăng hơn 20%.

Đại diện Central Retail Việt Nam cho biết, áp lực tăng giá đang khiến các nhà bán lẻ phải vất vả hơn để tung ra những chương trình khuyến mại cuối năm. Chi phí vận hành, chi phí nhân công cũng như chi phí đầu vào đều chịu áp lực tăng giá nên các nhà sản xuất cũng không tránh xu hướng tăng giá chung. “Chúng tôi vẫn phải đang gồng các chi phí, cân bằng các yếu tố để tránh ảnh hưởng người tiêu dùng, chấp nhận chia sẻ lợi nhuận để bảo vệ sức mua khi khách ngày càng “lười” đi siêu thị hơn”, ông nói.

Theo các nhà bán lẻ, với vai trò trung gian đưa hàng đến tay người dùng, nhiều hệ thống đứng trước sự lựa chọn tạm dừng nhập hàng giá cao hoặc chấp nhận giá mới và chuyển sang người tiêu dùng. Nhiều nhà bán lẻ đã ngừng nhập một số loại sản phẩm có mức tăng giá cao sau khi đánh giá mức độ hấp dẫn của sản phẩm đối với thị trường. Trong bối cảnh sức mua rất thấp và vẫn chưa hồi phục, việc tăng giá sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro buộc họ phải tính toán kỹ.

Theo bà Huỳnh Thị Kim Thanh – giám đốc siêu thị AEON Tân Phú Celadon, trong tháng đầu tiên sau khi thành phố cho phép siêu thị mở cửa trở lại, AEON Việt Nam đã ghi nhận lượng khách hàng đến mua sắm tại các trung tâm thương mại thấp hơn cùng kỳ năm trước. “Có rất nhiều lý do trong đó có ảnh hưởng của dịch bệnh, các siêu thị đang phải đối mặt với các áp lực về tăng các chi phí đầu vào”, bà Thanh nói.

Do đó, trong những tháng cuối năm, hệ thống dự kiến ​​sẽ hạn chế tổ chức các sự kiện, chương trình kích cầu tại điểm bán hàng để hạn chế tụ tập đông người. Thay vào đó, họ tập trung ưu đãi về giá cho các sản phẩm thiết yếu để hỗ trợ khách hàng và tiếp tục đẩy mạnh mua sắm trực tuyến.