VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Ý kiến trái chiều về đề xuất mua bán bất động sản phải qua sàn

Ý kiến trái chiều về đề xuất mua bán bất động sản phải qua sàn

14:31 - 18/11/2021

Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam ủng hộ đề xuất của Bộ Xây dựng để thị trường trở nên minh bạch hơn. Còn Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM phản đối vì lo ngại gây áp lực lên giá bán nhà.

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến ​​góp ý dự thảo đề cương Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi. Trong đó, quy định chủ đầu tư dự án bất động sản phải bán, chuyển nhượng qua các sàn giao dịch bất động sản. Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến ​​trái chiều từ giới chuyên gia.

Minh bạch hóa thị trường

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã trao quyền cho các chủ đầu tư dự án bất động sản tự quyết định cách thức và chủ động đưa sản phẩm đến khách hàng với mục tiêu giảm giá bất động sản. Tuy nhiên, kết quả không được như mong đợi. Minh chứng rõ ràng nhất là giá bất động sản không ngừng tăng lên. Riêng tại Hà Nội và TP HCM, phân khúc nhà giá rẻ, bình dân gần như không còn trên thị trường.

Theo VARs, việc các chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản mỗi năm tạo ra hàng trăm nghìn sản phẩm đã góp phần cung cấp cho thị trường bất động sản hạ tầng đô thị, hạ tầng dịch vụ và nhà ở. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra nhiều hệ lụy, gây bất ổn cho thị trường bất động sản Việt Nam với những khiếu nại, kiện cáo, tranh chấp của khách hàng vì bị chủ đầu tư lừa dối, thậm chí lừa đảo.

Hiện tượng này không phổ biến nhưng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Mặt khác, tình trạng trốn thuế, rửa tiền… cũng đang diễn ra gay gắt, khó kiểm soát.

Nguyên nhân của tình trạng này là do thị trường và pháp luật hiện hành thiếu cơ quan hoặc cơ chế kiểm tra, kiểm soát và ngăn ngừa vi phạm. Các nhà đầu tư và khách hàng là đối tượng chịu mọi hậu quả của các hiện tượng tiêu cực, đặc biệt là nhà đầu tư và khách hàng mua bất động sản hình thành trong tương lai.

Đề xuất mới có thể giúp ngăn chặn các vụ lừa đảo bất động sản.

Đề xuất mới có thể giúp ngăn chặn các vụ lừa đảo bất động sản.

Trên thị trường giao dịch hàng hóa hiện nay, loại hình bất động sản có sổ đỏ và chứng khoán được pháp luật quy định cụ thể về cơ quan trung gian chịu trách nhiệm thẩm tra và kiểm soát thông tin. Đó là văn phòng công chứng và sàn giao dịch chứng khoán. Điều này đã thực sự tạo ra hàng rào vững chắc để ngăn chặn các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và khách hàng. Thông qua các cơ quan này, gần như không thể lừa dối hoặc truyền tải thông tin sai lệch tới khách hàng.

Vì vậy, ông Đính cho rằng, quan điểm của Bộ Xây dựng về việc sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản, trong đó “quy định giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai phải thông qua sàn giao dịch” là rất cần thiết và hợp lý.

Gắn trách nhiệm và năng lực của sàn giao dịch bất động sản nhằm đảm bảo tính minh bạch của thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng, nhà đầu tư. Nhìn chung, quy định này mang lại nhiều ưu điểm. Cụ thể, quy trình mua bán sẽ chặt chẽ hơn, tuân thủ pháp luật hơn và chuyên nghiệp hơn.

Cũng theo ông Đính, hàng hóa bất động sản hình thành trong tương lai khi qua sàn giao dịch phải được thẩm định, thẩm tra, tuân thủ các quy định của pháp luật trước khi niêm yết, công bố và giao dịch. Điều này giúp ngăn chặn các vụ lừa đảo bán bất động sản ma, bất động sản ảo.

Cùng với đó, khách hàng được hỗ trợ về pháp lý, thông tin, thủ tục giao dịch và được bảo vệ quyền lợi. Nhà nước quản lý hoạt động và thông tin giao dịch của thị trường bất động sản, chống thất thu thuế và thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

Lo ngại làm tăng giá nhà

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đề xuất bỏ quy định trên do lo ngại sẽ kéo chi phí, làm tăng thêm giá bán nhà.

HoREA cho rằng, Điều 14 của dự thảo “bổ sung quy định chủ đầu tư dự án bất động sản phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch bất động sản” là một bước lùi. Điều này không phù hợp với quy định hiện hành và không sát thực tế, có thể phát sinh “đặc quyền, đặc lợi” cho các sàn giao dịch bất động sản, vi phạm quyền tự chủ kinh doanh của chủ đầu tư dự án và sẽ làm tăng giá bán nhà ở.

Người mua nhà có thể phải gánh thêm phí giao dịch bất động sản qua sàn.

Người mua nhà có thể phải gánh thêm phí giao dịch bất động sản qua sàn.

Phân tích vấn đề này, ông Châu chỉ ra hàng loạt bất cập. Thứ nhất, quy định trên đã vi phạm quyền “tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư kinh doanh, tự chủ kinh doanh, lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh, tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng” của chủ đầu tư dự án bất động sản vì chỉ cho phép chủ đầu tư bán 20% sản phẩm, 80% sản phẩm còn lại phải qua sàn giao dịch bất động sản.

Thứ hai, sàn giao dịch bất động sản không đầu tư vốn vào dự án bất động sản, nhưng có “đặc quyền” bán 80% sản phẩm của dự án là không công bằng giữa các doanh nghiệp.

Thứ ba, các sàn giao dịch bất động sản được “đặc lợi” khi “hưởng phí giao dịch” với mức phí khoảng 2% giá trị hợp đồng cũng là không công bằng, chưa kể trường hợp sàn giao dịch bất động sản có thể chiếm đoạt tiền thanh toán hợp đồng của khách hàng với chủ đầu tư.

Thứ tư, phí giao dịch bất động sản qua sàn giao dịch là một khoản chi phí không nhỏ, mà chủ đầu tư phải cộng vào giá bán bất động sản và người mua phải gánh chịu khi mua nhà.

Thứ năm, hoạt động môi giới, sàn giao dịch là rất cần thiết, là một bộ phận của thị trường bất động sản và là cầu nối giữa chủ đầu tư dự án với khách hàng. Nhưng cần nhận thức rõ “các sàn giao dịch bất động sản chỉ được làm trung gian để thực hiện bán, cho thuê nhà ở theo ủy quyền của chủ đầu tư và hưởng phí giao dịch qua sàn”.

“Nếu tiếp tục cho quy định chủ đầu tư dự án bất động sản phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản, sẽ không phù hợp với các quy định của Luật Doanh nghiệp 2020; Luật Đầu tư 2020; Luật Thương mại 2005; Bộ Luật Dân sự 2015; Luật Kinh doanh bất động sản 2014”, ông Châu nhấn mạnh.

Ông Châu cũng cho rằng, quy định này chưa phù hợp với nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng của pháp luật về dân sự, đầu tư, thương mại; vi phạm quyền tự chủ kinh doanh của chủ đầu tư và không làm tăng tính minh bạch của thị trường bất động sản như mong đợi. Vẫn có thể xảy ra tranh chấp, khiếu kiện giữa khách hàng, chủ đầu tư và sàn giao dịch…