VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Chuyên gia: “Cần thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi”

Chuyên gia: “Cần thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi”

11:48 - 01/12/2021

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa có quy mô đủ lớn để doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh mạnh mẽ, đóng góp vào đà phục hồi nền kinh tế.

Nghị quyết 124 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 nêu rõ nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Đồng thời, Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, cũng nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng tận dụng cơ hội để khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.

Chính sách hỗ trợ chưa đủ

Đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam những thách thức và khó khăn chưa từng có. Nền kinh tế cần phục hồi vững chắc trong bối cảnh thích ứng linh hoạt với đại dịch Covid-19. Theo các tổ chức quốc tế, việc ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng trung hạn có thể giúp đất nước đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 5 năm tới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần nhận diện rõ để tháo gỡ.

Chính sách tiền tệ và tài khóa chưa đủ hỗ trợ doanh nghiệp khi lực cầu trong nền kinh tế còn yếu.

Chính sách tiền tệ và tài khóa chưa đủ hỗ trợ doanh nghiệp khi lực cầu trong nền kinh tế còn yếu.

Trong một báo cáo mới đây, nhóm chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra một thực tế là mặt bằng lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn so với các nước trong khu vực. Ngoài ra, công cụ dự trữ bắt buộc chưa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành linh hoạt nên chưa phát huy hiệu quả trong việc tăng nguồn cung tín dụng, giảm chi phí tín dụng và mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế.

Đối với chính sách tài khóa, các chuyên gia cho rằng hầu hết được thiết kế và thực hiện theo hướng “bình quân hóa” ​​giữa các địa phương, ngành nghề, quy mô, dẫn đến lợi ích từ chính sách dàn trải. “Các chính sách tài khóa hiện nay tập trung chủ yếu vào miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Các gói này có tác dụng giảm áp lực tài chính ngắn hạn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi lực cầu trong nền kinh tế còn yếu và doanh nghiệp còn phải tiêu tốn chi phí không nhỏ để phòng chống dịch thì tác động của các chính sách này tới sự hồi phục của nền kinh tế là hạn chế”, nhóm chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định.

Theo đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai), doanh nghiệp là linh hồn của nền kinh tế. Nhưng trên thực tế, sự quan tâm của Nhà nước đối với doanh nghiệp trong thời gian qua vẫn chưa đủ. “Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, tuy nhiên lợi nhuận của các ngân hàng thương mại vẫn còn cao, chưa hài hòa với tình hình khó khăn của doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi”. Ông An cho rằng cần đánh giá chặt chẽ hơn nữa vai trò của ngân hàng đối với doanh nghiệp để có chính sách phù hợp, nhất là khi chi phí đầu vào đang có xu hướng tăng.

Tăng quy mô, thời gian hỗ trợ doanh nghiệp

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5-7% trong 5 năm 2021-2025, các chính sách hỗ trợ tập trung vào doanh nghiệp – trung tâm của nền kinh tế – cần đủ mạnh.

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, thời điểm này, các doanh nghiệp kỳ vọng nhất vào dòng tiền thông qua chính sách tiền tệ, cụ thể là giảm lãi; khoanh, hoãn, cơ cấu lại các khoản nợ; vay vốn mới. Tuy nhiên, chính sách hiện tại không thực tế hoặc các điều kiện quá chặt chẽ. “Đề nghị Chính phủ, các bộ – ngành thường xuyên trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để có tiếng nói chung, thúc đẩy thực thi chính sách hiệu quả, từ đó cải thiện chính sách theo hướng đúng, trúng, đủ và mang tính dài hạn hơn để chính sách đã ban hành có thể đi vào thực tiễn, phù hợp với từng doanh nghiệp, từng ngành, từng giai đoạn”, ông Bình nói.

Chính sách hỗ trợ cần tập trung hơn vào doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.

Chính sách hỗ trợ cần tập trung hơn vào doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội), những năm gần đây, chính sách tài khóa mới chỉ tập trung vào những doanh nghiệp hoạt động tốt, có nguồn thu. Trong khi đó, có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất cần sự hỗ trợ để có cơ hội vực dậy sau thời gian giãn cách xã hội. Vì vậy, ông đề nghị cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn.

PGS TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng NHNN cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra từ đầu năm là 12%, nếu không ít nhất cũng phải trên 10%.

“NHNN cần nghiên cứu giảm 0,5% tỉ lệ dự trữ bắt buộc trong 2 tháng cuối năm 2021 và giảm tiếp 0,5% trong quý I/2022. Từ đó, sẽ giải phóng được số vốn lên tới 50.000 tỉ đồng để cho vay đối với nền kinh tế. Cùng với đó, chỉ đạo và giám sát các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh; cam kết giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch theo các thông tư của NHNN”, ông Chương cho biết.

Một số chuyên gia kinh tế đề nghị khi thiết kế chính sách tài khóa cần tăng liều lượng và thời gian hỗ trợ đối với các gói chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp thuế, tiền thuê đất, tiền điện, bảo hiểm xã hội… Song song đó là việc ban hành và thực hiện các chính sách bình ổn giá các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí vận tải…