VNReport»Kinh tế»Đại dịch gây thiệt hại hơn 37 tỷ USD cho kinh tế Việt Nam

Đại dịch gây thiệt hại hơn 37 tỷ USD cho kinh tế Việt Nam

09:28 - 06/12/2021

Covid-19 đã khiến nền kinh tế Việt Nam bị thiệt hại khoảng 847.000 tỷ đồng trong 2 năm qua.

Ngày 5/12, ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương cho biết qua tính toán, ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế là rất nặng nề. Với giả thiết nếu như năm 2020 và 2021 không có đại dịch Covid-19 xảy ra thì GDP của Việt Nam tăng trưởng khoảng 7%. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 xảy ra khiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 chỉ tăng 2,91% và năm 2021 dự kiến chỉ tăng 2,5%.

Như vậy, kinh tế thiệt hại khoảng 160.000 tỷ đồng vào năm 2020 và 346.000 tỷ đồng năm 2021. Tổng cộng 2 năm qua, thiệt hại khoảng 507.000 tỷ đồng (tính theo giá năm 2010), còn theo giá hiện hành lên tới 847.000 tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD.

Để giảm thiệt hại cho nền kinh tế, Phó trưởng ban Kinh tế trung ương cho rằng cần gói giải pháp phục hồi tổng thể với 4 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và chuyển đổi số.

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nặng nề tới nền kinh tế Việt Nam

Cũng theo nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các chuyên gia, trước những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, khác với thế giới Việt Nam đang phục hồi theo mô hình chữ U thay vì chữ V như các nước đã có các gói kích thích kinh tế lớn. Việt Nam có thể lỡ nhịp nếu không kịp thời đưa ra các gói chính sách đủ lớn. Đặc biệt, biến thể Omicron không quá ghê gớm nhưng có thể khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam sụt giảm thêm.

Theo cá chuyên gia, các nước trên thế giới đã tung ra các gói hỗ trợ tương đối lớn, bình quân toàn cầu là 16,4% GDP, trong đó chủ yếu là hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ, đi kèm các chính sách khác. Trong khi đó, so với các nước thu nhập thấp, Việt Nam có điểm tương đồng khi đưa ra các gói hỗ trợ tương đương 4% GDP nhưng khá khiêm tốn so với các nước mới nổi (7,51% GDP).

Phân tích dư địa chính sách của Việt Nam, chuyên gia tài chính – ngân hàng Cấn Văn Lực nhấn mạnh Việt Nam vẫn còn dư địa mở rộng chính sách tài khóa và có phần thuận lợi hơn chính sách tiền tệ. Thu ngân sách nhà nước năm 2021 nhiều khả năng đạt 100% kế hoạch. Cùng với đó, thâm hụt ngân sách nhà nước và nợ công được kiểm soát tốt trong giai đoạn trước. Trong khi đó, quy mô hỗ trợ tài khoá vẫn còn khiêm tốn và ở ngưỡng an toàn (gần 3% GDP).

Về chính sách tiền tệ, Việt Nam vẫn còn dư địa dù ít hơn, các chuyên gia cho rằng có thể áp dụng các biện pháp gián tiếp và trực tiếp để giảm lãi suất thêm khoảng 0,5-1%.

Dựa trên cơ sở những phân tích trên, nhóm chuyên gia cùng Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra một số đề xuất cho các gói hỗ trợ kinh tế thời gian tới, trong đó kiến nghị gói chính sách 445.760 tỷ đồng, tương đương 5,48% GDP nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế trong 2022-2023.

Ông Nguyễn Minh Cường – Đại diện Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng khuyến nghị Việt Nam cần xác định mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ với quy mô đủ lớn. Hiện gói ngân sách hỗ trợ cho nền kinh tế chưa đến 3% GDP nên có thể nâng lên khoảng 5% – 7% GDP, để đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như mong đợi.

Từ phía cộng đồng doanh nghiệp, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam cho rằng cần giám sát để tiền “chảy” vào sản xuất, thay vì các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán. Đại diện Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát theo tinh thần “từ xa, từ sớm” ngay từ khâu xây dựng chính sách, đánh giá hiệu quả quá trình triển khai gói hỗ trợ, nhanh chóng cập nhật, điều chỉnh chính sách kịp thời khi gặp những vấn đề phát sinh.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, hầu hết các chuyên gia đều đồng tình rằng nếu không có hỗ trợ đặc biệt và không kịp thời đưa ra các gói chính sách hỗ trợ đủ lớn, Việt Nam sẽ tụt hậu, lỡ nhịp và bỏ lỡ cơ hội phát triển cũng như không thể thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm đã đề ra.