VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Người chăn nuôi lợn trong nước lo ngại cạnh tranh từ Mỹ

Người chăn nuôi lợn trong nước lo ngại cạnh tranh từ Mỹ

16:15 - 19/12/2021

Từ ngày 1/7/2022, thuế nhập khẩu thịt lợn đông lạnh từ Mỹ giảm từ 15% xuống 10%. Người chăn nuôi lo ngại thịt sản xuất trong nước bị yếu thế do Mỹ có ngành chăn nuôi rất phát triển.

Giá thịt lợn trong nước thường có xu hướng tăng mạnh vào thời điểm cuối năm hoặc khi có dịch bệnh. Tuy nhiên, dù Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đã cận kề nhưng giá lợn hơi từ tháng 11 đến nay vẫn giữ nguyên.

Ông Nguyễn Kim Đoan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, giá lợn hơi tại tỉnh Đồng Nai – thủ phủ chăn nuôi của cả nước vẫn như một tháng trước và xoay quanh mốc 52.000-53.000 đồng/kg. Với các đơn vị sản xuất từ ​​A đến Z, mức giá này về lý thuyết thì có lãi nhưng thực tế chỉ hòa vốn. Do dịch tả lợn Châu Phi ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ sống của vật nuôi và năng suất sản xuất, các trang trại phải áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học nên chi phí rất cao. Còn các hộ phải mua con giống thì bị lỗ với mức giá này.

Hiện nguồn cung thịt trên thị trường đến từ 2 nguồn: thịt sản xuất trong nước và thịt đông lạnh nhập khẩu từ 24 quốc gia trên thế giới. Đó là các nước có ngành chăn nuôi phát triển như Mỹ, EU, Brazil, Nga; trong đó Mỹ có ngành chăn nuôi tiên tiến nhất.

Dự kiến ​​từ ngày 1/7/2022, Việt Nam sẽ chính thức giảm thuế quan theo quy tắc Tối huệ quốc (MFN) đối với thịt lợn đông lạnh của Mỹ từ 15% xuống 10%. Trước đó, trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP, thuế nhập khẩu thịt lợn đông lạnh vào Việt Nam cũng đã giảm xuống 7,5% đối với các nước thành viên khác của Hiệp định.

Giá lợn hơi đang ở mức 52.000-53.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi đang ở mức 52.000-53.000 đồng/kg.

“Mặc dù thuế nhập khẩu thịt heo đông lạnh từ Mỹ cao hơn khối CPTPP và các FTA khác, nhưng vẫn tạo ra mối quan ngại lớn cho người chăn nuôi trong nước. Vì Mỹ là đất nước có nền công nghệ chăn nuôi phát triển bậc nhất toàn cầu, các trang trại chăn nuôi của Mỹ có diện tích rất lớn và độ an toàn sinh học rất tốt, và Mỹ cũng là nước xuất khẩu thịt heo đông lạnh hàng đầu thế giới.

Bên cạnh đó, Mỹ còn đứng đầu về cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nên giá thức ăn chăn nuôi của họ chỉ bằng 1/2 giá của Việt Nam. Lợi thế cạnh tranh của ngành chăn nuôi Mỹ là tất nhiên và điều này khiến người chăn nuôi trong nước cảm thấy lo lắng, vì có thêm đối thủ cạnh tranh rất nặng ký”, ông Đoan cho biết.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất thịt lợn Mỹ (NPPC), mặc dù việc giảm thuế nhập khẩu sẽ có lợi nhưng ngành thịt lợn Mỹ vẫn phải cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác như EU, Nga và đặc biệt là các nước trong khối CPTPP. Thuế xuất khẩu thịt lợn đông lạnh mà Việt Nam dành cho các nước CPTPP chỉ là 7,5%, thấp hơn so với mức thuế nhập khẩu mới đối với Mỹ là 10%.

Do hàng rào thuế quan và phi thuế quan cao của Việt Nam đối với thịt lợn đông lạnh nhập khẩu của Mỹ, trong năm 2020, ngành thịt lợn của Mỹ chỉ có thể xuất khẩu khoảng 25.000 tấn thịt lợn vào thị trường Việt Nam, trị giá 54 triệu USD, thấp hơn nhiều so với các nước có lợi thế trong CPTPP.

Việt Nam là nước tiêu thụ nhiều thịt lợn, nhưng do phải đối phó với dịch tả lợn châu Phi nên sản lượng thịt trong nước giảm dẫn đến kim ngạch nhập khẩu từ nước ngoài tăng.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, để 2 triệu người chăn nuôi lợn cả nước yên tâm không bỏ cuộc, nhường sân chơi cho các doanh nghiệp lớn trước dự báo không mấy sáng sủa về tương lai của ngành, nhất là với giá thức ăn chăn nuôi cực cao như hiện nay, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ.

Thứ nhất, cần đưa giá thức ăn chăn nuôi về mức hợp lý nhằm giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi trong nước, để người chăn nuôi tiếp tục sống được bằng nghề.

Thứ hai, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do FTA hoặc có cam kết trao đổi thương mại với các nước, đương nhiên chính phủ các nước sẽ dành cho nhau những ưu đãi về thuế quan. Lượng thịt nhập khẩu theo các cam kết này không đáng ngại vì luôn có sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp thấy giá lợn trong nước tăng thì nhập về bán kiếm lời, khi giá trong nước giảm thì ngừng nhập nên người chăn nuôi sẽ rất khó khăn. Vì vậy, người chăn nuôi mong muốn các bộ, ngành liên quan đặc biệt quan tâm đến trường hợp này, không để doanh nghiệp nhập khẩu tràn lan ảnh hưởng đến người chăn nuôi trong nước.

Thứ ba, công tác quản lý giá của Nhà nước đòi hỏi phải làm nghiêm túc vì trước đây giá sản phẩm chăn nuôi quá thấp, còn người tiêu dùng lại phải mua với giá rất cao. Lợi nhuận đa phần rơi vào khâu trung gian, gây bức xúc cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng. Như vậy, cần sắp xếp lại chuỗi sản xuất để khi giá bán của người chăn nuôi thấp thì người tiêu dùng cũng được hưởng mức giá hợp lý.