VNReport»Kinh tế»Các nền kinh tế mới nổi châu Á dự báo phục hồi tốt

Các nền kinh tế mới nổi châu Á dự báo phục hồi tốt

14:00 - 22/12/2021

Theo đánh giá của Moody’s Investor Service, các nước mới nổi châu Á sẽ tăng trưởng tốt hơn so với nhiều khu vực khác trên thế giới trên hành trình phục hồi nền kinh tế.

Trong năm vừa qua, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn cầu đương đầu với nhiều khó khăn khi mà các yếu tố gián đoạn thời đại dịch Covid-19 gây tổn hại nặng nề đến chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra tình trạng thiếu hụt và đẩy giá cả hàng hóa tăng cao. Trong đó, nhóm thị trường các nước mới nổi cũng phải đương đầu với nhiều thách thức trong việc điều hành quá trình phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, theo Moody’s Investor Service, châu Á nhìn chung sẽ vẫn tăng trưởng tốt hơn so với nhiều khu vực khác trên thế giới.

Khu vực châu Á tăng trưởng tốt hơn so với nhiều khu vực khác trên thế giới

Theo bà Atsi Sheth – Giám đốc điều hành bộ phận dịch vụ tín dụng và nghiên cứu tại Moody, đại dịch đã tác động lên nhóm các nước mới nổi châu Á nhiều hơn so với các nước phát triển. Suy thoái tại các nước mới nổi cũng tệ hơn so với nhóm nền kinh tế có trình độ phát triển cao.

Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 hiện vẫn đang ở mức thấp, biến chủng Omicron đang bắt đầu lây lan ra toàn cầu, nhu cầu chưa trở lại ngưỡng trước đại dịch và chính sách tiền tệ toàn cầu đang gây tổn hại đến sự phục hồi của các nền kinh tế mới nổi châu Á. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy khu vực này vẫn đang tốt hơn so với nhiều khu vực khác trên thế giới.

Ngoài yếu tố cầu vẫn mạnh tại châu Á và các yếu tố liên quan đến hạn chế nguồn cung đang giảm bớt thì một tín hiệu tích cực với các nền kinh tế mới nổi tại châu Á đó là giới chức Trung Quốc đang và sẽ có đủ công cụ chính sách cần thiết để ngăn đà suy giảm theo cách phù hợp nhất.

Nhiều chuyên gia tin rằng sự chững lại của kinh tế Trung Quốc không hề có đặc điểm của một cuộc khủng hoảng tài chính. Rắc rối đang xảy ra trong lĩnh vực bất động sản sẽ được khoanh vùng và nó sẽ không khiến cho lĩnh vực tài chính của nước này chịu tác động nặng nề.

Một thách thức khác của các nước châu Á là lạm phát thì cũng được dự báo sẽ sớm giảm đi khi mà phần lớn các nước châu Á mở cửa trở lại và áp lực tại các cảng và nhà máy suy giảm đáng kể. Mặt khác, lạm phát tại nhiều nước mới nổi chủ yếu có nguyên nhân do lạm phát giá thực phẩm bởi thiên tai hoặc có ảnh hưởng bởi giá năng lượng. Song với điều này, các chính sách tiền tệ có thể giải quyết được và các nền kinh tế mới nổi châu Á vẫn còn dư địa để có thể hỗ trợ bằng chính sách tiền tệ.

Hiện nay, châu Á có sự hiện diện mạnh mẽ trong nhóm các quốc gia mới nổi. Trong Chỉ số các thị trường mới nổi MSCI, châu Á chiếm 70% và riêng Trung Quốc chiếm 40%. Các thị trường mới nổi ở châu Á bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Pakistan, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan.