VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI tăng trưởng cao

Kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI tăng trưởng cao

10:17 - 24/12/2021

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng từ dịch Covid-19, song cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã sớm thích ứng kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15/12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 440,15 tỷ USD, tăng 25,4% (tương ứng tăng 89,23 tỷ USD), chiếm 69,5% kim ngạch cả nước.

Trong khi đó, khối doanh nghiệp trong nước đạt 193,07 tỷ USD, tăng 17,4% (tương ứng tăng 28,66 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 30,5% kim ngạch cả nước.

Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nhóm doanh nghiệp FDI đạt 232,2 tỷ USD, tăng 21,2%, tương ứng tăng 40,68 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Về nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 207,95 tỷ USD, tăng 30,5% (tương ứng tăng 48,55 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 65,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm 69,5% kim ngạch cả nước

Ông Vũ Tiến Lộc – nguyên Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, trong thời gian qua, doanh nghiệp FDI mặc dù gặp nhiều khó khăn bởi đại dịch Covid-19, nhưng nhờ sự kiểm soát và vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhiều vướng mắc về chính sách đã được tháo gỡ, hướng dẫn doanh nghiệp thích ứng được với tình hình mới. Đây là cơ sở cho sự phục hồi dần của các doanh nghiệp.

Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư toàn cầu đã phục hồi rõ nét trong những tháng gần đây, bất chấp những khó khăn do Covid-19 mang lại. Chỉ số theo dõi tâm lý nhà đầu tư nước ngoài (FDI) trong tháng 9 đứng ở mức 939 điểm (tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước). Đây là điểm số cao nhất kể từ tháng 11/2019.

Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tập trung vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật số, phát triển lĩnh vực bán dẫn. Ngoài ra, lượng vốn đầu tư vào các dự án nhiên liệu hóa thạch cũng đang tăng cao thay vì năng lượng tái tạo, khi giá dầu và khí đốt gia tăng.

Theo ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM), việc Việt Nam nằm trong khu vực phục hồi kinh tế tích cực trong năm 2022, cũng như nằm trong đà phục hồi của mạng sản xuất khu vực châu Á sẽ góp phần quan trọng để tăng tốc thu hút đầu tư nước ngoài.

Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhìn thấy các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là RCEP. Các hiệp định này sẽ mở ra không gian mới cho các hoạt động kinh tế. Hơn nữa, khi kinh tế của cả khu vực phục hồi, các nhà đầu tư nước ngoài có thể cân nhắc, ra các quyết định đầu tư để đa dạng hóa cơ sở sản xuất.

Theo các chuyên gia, lý do khiến các doanh nghiệp FDI chọn Việt Nam làm điểm đến để đầu tư là Việt Nam có nền chính trị ổn định; có nguồn lao động trẻ và dồi dào, mức lương nhìn chung thấp hơn so với các nước trong khu vực; thị trường tiêu thụ hấp dẫn nhà đầu tư do có dân số đông…

Nếu giữ vững chính sách ứng phó một cách linh hoạt, sống chung an toàn và kiểm soát hiệu quả Covid-19, kinh tế Việt Nam hứa hẹn sẽ nhanh chóng phục hồi và thu hút thêm nguồn vốn từ FDI.