VNReport»Kinh tế»Mỳ ăn liền Việt Nam vào EU cần kiểm tra dư lượng chất cấm

Mỳ ăn liền Việt Nam vào EU cần kiểm tra dư lượng chất cấm

12:06 - 24/12/2021

Từ ngày 6/1/2022, mì ăn liền của Việt Nam sẽ chịu tần suất kiểm tra là 20% với dư lượng của Ethylene Oxide.

Sáng 24/12, Bộ Công Thương cho biết EU vừa có thông báo bổ sung mặt hàng mì ăn liền từ Việt Nam vào danh sách kiểm tra dư lượng chất cấm Ethylene Oxide và sẽ tăng tần suất lên 20%.

Trên thực tế, thị trường EU đang siết chặt các biện pháp quản lý hàm lượng chất cấm, đặc biệt là Ethylene Oxide, có trong thực phẩm kể từ vụ bê bối hạt mè nhập khẩu của Ấn Độ. Tới thời điểm này, các quốc gia châu Âu đã phát đi hơn 690 cảnh báo liên quan đến Etylen Oxide. Các nước đưa ra nhiều cảnh báo nhất là Hà Lan (208), Đức (90), Bỉ (79), Tây Ban Nha (49), Pháp (30) và Ý (28).

EU bổ sung mỳ ăn liền của Việt Nam vào danh sách kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật

Thời gian qua, Việt Nam cũng có một số sản phẩm bị cảnh báo về dư lượng Ethylene Oxide khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Đặc biệt, đây là những loại sản phẩm có nhiều cấu phần như mì khô, gói gia vị, gói rau, gói dầu ớt… Vài tháng trước, nhiều quốc gia tại EU cũng đã ra thông báo thu hồi một số sản phẩm mỳ ăn liền, miến ăn liền của Việt Nam do hàm lượng Etylen Oxide trong các sản phẩm này vượt qua mức cho phép an toàn tại đây.

Tại châu Âu, hợp chất Etylen Oxide được xếp vào nhóm 1B về khả năng gây ung thư, gây đột biến, độc tính sinh sản và trong nhóm 3 về độc tính cấp. Mặc dù EU đã cấm sử dụng trong nông nghiệp và khử trùng trong quá trình sản xuất thực phẩm, nhưng vẫn phát hiện ra dư lượng Ethylene Oxide trong thực phẩm ngay cả khi được sản xuất ở những nước trong khối EU.

Tại Việt Nam, theo Vụ Khoa học và Công nghệ, hiện nay vẫn chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng Ethylene Oxide trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng Ethylene Oxide trong thực phẩm. Tuy nhiên, thị trường EU luôn đòi hỏi những yêu cầu, tiêu chuẩn cao.

Trong khi đó, quá trình sản xuất, đặc biệt là bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm nông sản nói chung, mặt hàng rau quả nói riêng của Việt Nam còn nhiều bất cập. Hệ thống sản xuất vẫn tương đối manh mún, khó kiểm soát, chưa đủ điều kiện để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra. Để khắc phục, Việt Nam cần đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất bài bản, đồng bộ từ khâu đầu tới khâu cuối, đặc biệt là nhấn mạnh vào khâu xử lý sau thu hoạch được coi là giải pháp trọng tâm.