VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Nhập khẩu gạo, hạt điều, hồ tiêu bất ngờ tăng mạnh

Nhập khẩu gạo, hạt điều, hồ tiêu bất ngờ tăng mạnh

13:57 - 24/12/2021

Giá trị nhập khẩu nông sản tăng 54,2% trong 11 tháng đầu năm 2021. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam gồm gạo, hạt điều và hồ tiêu lại có lượng nhập khẩu tăng mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 11 tháng đầu năm 2021 ước đạt 39,2 tỷ USD, tăng 39,0% so với cùng kỳ năm 2020, mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 24,9 tỷ USD, tăng 54,2%. Trừ nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi không tăng, nhóm hàng thủy sản tăng 11%, nhóm lâm sản chính tăng 18,6% và nhóm đầu vào sản xuất tăng 33,6%.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản năm nay tăng kỷ lục một phần do giá nguyên liệu thế giới tăng mạnh.

Nhìn kỹ hơn, nhiều con số nhập khẩu nông sản được công bố trong năm 2021 gây bất ngờ.

Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến giữa tháng 12, Việt Nam đã chi khoảng 4,1 tỷ USD để nhập 2,83 triệu tấn điều thô – con số cao nhất trong lịch sử. Với giá trị nhập khẩu đó, trong khi giá trị xuất khẩu chỉ khoảng 3,5 tỷ USD, năm 2021 là năm nhập siêu mặt hàng này lần đầu tiên trong hơn 30 năm Việt Nam xuất khẩu điều nhân ra thế giới.

Giữa tháng 5 năm nay, Hải quan công bố con số 836.712 tấn, tương đương khoảng 1,4 tỷ USD nhập khẩu hạt điều từ Campuchia chỉ trong 4 tháng năm 2021 khiến nhiều người bất ngờ. Bởi, so với cùng kỳ năm 2019, năm 2020, số lượng điều nhập khẩu từ Campuchia lần lượt là 152.000 tấn và 161.000 tấn.

Là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, việc nhập khẩu gạo từ Ấn Độ vào Việt Nam tăng đột biến cũng gây bất ngờ không kém.

Theo số liệu của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, chỉ trong 3 tháng năm 2021, xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang Việt Nam đã đạt gần 247 nghìn tấn, trị giá 74,8 triệu USD, tăng đột biến hơn 3.250 lần về lượng và gấp gần 554 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Đây là lượng gạo lớn nhất từ ​​trước đến nay mà Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam.

Trước đó, trong giai đoạn từ năm 2019 trở về trước, xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang Việt Nam chỉ đạt mức khiêm tốn từ 500 tấn đến vài nghìn tấn.

Một số chuyên gia trong ngành gạo cho rằng, gạo Ấn Độ rẻ hơn gạo Việt Nam nên các doanh nghiệp tranh thủ nhập khẩu để phục vụ nhu cầu chế biến các sản phẩm từ gạo và nhu cầu chăn nuôi. Tuy nhiên, trước sự gia tăng bất thường này, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật về xuất nhập khẩu gạo tại 5 doanh nghiệp liên quan đến nhập khẩu gạo từ Ấn Độ.

Cũng như gạo, Việt Nam là nước có sản lượng hồ tiêu và kim ngạch xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, theo ghi nhận từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong 11 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu hồ tiêu từ Campuchia tăng 111% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Nam Hải, nguyên chủ tịch VPA, cho biết sản lượng hồ tiêu tại các tỉnh biên giới của Campuchia giáp Việt Nam ước đạt 30.000 tấn/năm, chủ yếu bán sang nước ta theo đường tiểu ngạch. 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một lượng lớn hồ tiêu của Campuchia được chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhập khẩu hạt tiêu để chế biến xuất khẩu.

Theo báo cáo của Thương vụ Campuchia tại Việt Nam, hầu hết các mặt hàng nông sản của nước này xuất khẩu sang nước ta đều tăng 20-400% so với cùng kỳ năm 2020. Chẳng hạn, 11 tháng qua, Campuchia xuất sang Việt Nam 3,1 triệu tấn gạo, tăng hơn 75% so với cùng kỳ năm ngoái; hạt điều xuất khẩu khoảng 912.000 tấn; ngô hạt trên 134.000 tấn; đậu xanh khoảng 26.000 tấn; đậu tương 66.200 tấn …

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, vượt qua Trung Quốc, Campuchia trở thành nhà cung cấp nông sản lớn thứ hai cho Việt Nam với kim ngạch 3,3 tỷ USD, chiếm 8,5% thị phần và chỉ đứng sau Mỹ.