VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chính sách tiền tệ 2022 hỗ trợ phục hồi kinh tế

Chính sách tiền tệ 2022 hỗ trợ phục hồi kinh tế

15:17 - 28/12/2021

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm tới, kiểm soát lạm phát và cảnh báo nguy cơ gia tăng nợ xấu.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết trong một cuộc họp báo sáng hôm nay, các chính sách tiền tệ của cơ quan này trong năm 2022 nhằm mục đích giữ lạm phát trong tầm kiểm soát, đồng thời hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của đất nước. Ông cũng cảnh báo về nguy cơ gia tăng nợ xấu.

Ông Đào Minh Tú (giữa) phát biểu trong cuộc họp báo.

Ông Đào Minh Tú (giữa) phát biểu trong cuộc họp báo.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quá khứ dựa nhiều vào tăng trưởng tín dụng, mặc dù cơ quan quản lý đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc này. Tính đến ngày 22/12, tổng dư nợ tín dụng tại Việt Nam tăng 12,68% so với cuối năm 2020. Dự kiến, mức tăng trưởng tín dụng của đất nước trong năm tới sẽ tăng lên khoảng 14%, ông Tú cho biết. Tuy nhiên, con số trên đặt ra “để định hướng”, và con số thực tế còn tùy vào tình hình trong năm tới, phục vụ mục tiêu “ổn định vĩ mô” và “kiềm chế lạm phát”.

Trong bối cảnh tiền vào thị trường chứng khoán và bất động sản tăng mạnh, Phó Thống đốc cho biết, dòng vốn tín dụng năm 2022 phải hướng vào lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực khó khăn, chịu tác động mạnh của đại dịch. Còn vốn vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản hay trái phiếu, NHNN cho rằng phải kiểm soát chặt.

“NHNN sẽ thanh tra những khoản tín dụng vào trái phiếu mà một số tổ chức tín dụng phát hành không đảm bảo an toàn theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngay trong năm 2022”, ông Tú nói. “Với lĩnh vực bất động sản, vẫn tạo điều kiện cho bất động sản nhà ở, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu thực sự. Còn bất động sản đầu cơ, dự án lớn có hệ số rủi ro cao thì vẫn kiểm soát chặt chẽ”

Do đại dịch Covid-19, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đang gia tăng và có thể còn tăng cao hơn nữa.

“Mục tiêu mà ngành ngân hàng đặt ra là duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, tuy nhiên do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đã ở mức 1,9%, tăng so với mức 1,69% hồi cuối 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống ở mức 3,79%. Trong khi đó, trong trường hợp thận trọng hơn, nếu xét đến cả tác động của đại dịch, với các khoản nợ đang được cơ cấu lại theo Thông tư 01 có nguy cơ nữa thì tỷ lệ nợ xấu đang ở mức 8,2%”, Phó Thống đốc cho biết.

Theo ông, lạm phát năm nay sẽ thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4%. Thêm vào đó, dự trữ ngoại hối của đất nước hiện đã trên 100 tỷ USD. Ngoài ra, kiều hối về Việt Nam trong năm 2021 đạt 12,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm ngoái nhưng thấp hơn mức ước tính 18 tỷ USD của Ngân hàng Thế giới.

Chính phủ đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế chính thức là 6,5% cho cả năm nay và năm 2022, nhưng ảnh hưởng nặng nề của đại dịch khiến mức tăng trưởng trong năm nay có thể chỉ đạt dưới 3%.