VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp “mất Tết” vì nông sản tắc biên

Doanh nghiệp “mất Tết” vì nông sản tắc biên

18:54 - 30/12/2021

Tắc biên cả trên đường bộ lẫn đường biển khiến các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây điêu đứng, thua lỗ cả ngàn tỷ đồng.

Dịp cuối năm là thời điểm vàng để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trái cây tươi. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ yếu các loại nông sản này nên thông thường vào dịp cuối năm, nông sản lại ùn ứ ở cửa khẩu các tỉnh biên giới với Trung Quốc. Tuy nhiên năm nay tình hình nghiêm trọng hơn khi nước này siết chặt các biện pháp phòng dịch. Tình trạng tắc biên nghiệm trọng cả trên biển lẫn đường bộ khiến hàng hóa không thể thông quan, nhiều doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa” và đối mặt với ngu cơ “mất Tết”, phải gánh nợ từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng…

Đại diện một công ty chuyên xuất khẩu thanh long tại Bình Thuận cho biết phần lớn hàng trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc của công ty đi theo đường biển. Song, cuối năm đường biển tắc, thời gian vận chuyển kéo dài không kịp giao cho khách hàng. Do đó, một số đơn hàng cần giao gấp, công ty đã chuyển sang đi đường cửa khẩu. Nhưng, tắc vẫn hoàn tắc, đã muộn lại còn muộn hơn.

Mít Thái không được thông quan buộc phải quay đầu tiêu thụ tại thị trường nội địa

Không dừng lại ở đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long lại càng điêu đứng khi phía Trung Quốc thông báo sẽ tạm ngưng nhập khẩu mặt hàng thanh long của Việt Nam trong 4 tuần do bị phát hiện có virus SAR-CoV-2 khiến hàng ngàn xe hàng buộc phải quay đầu. Những trái thanh long thuộc dòng “xuất ngoại”, được dán tem truy xuất nguồn gốc nay lại phải xả hàng ở chợ, lề đường với giá rẻ như cho. Phần tiền thu lại từ việc bán tháo trái cây không thể bù đắp cho chi phí xăng dầu, vận chuyển, trả công cho tài xế… Con số thiệt hại kinh tế của doanh nghiệp là vô cùng lớn.

Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, từ nay đến Tết Nguyên đán, lượng hàng đưa lên nhiều, nhưng lượng thông quan chỉ đạt hơn 100 xe/ngày. Khu vực cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn vẫn còn ùn ứ trên 4.000 phương tiện chở hàng xuất khẩu. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết đầu mối Trung Quốc thông tin cửa khẩu có thể đóng cửa vào ngày 25/1. Trường hợp, những xe hàng không kịp thông quan buộc phải quay đầu.

Trong khi đó, nông sản, đặc biệt là rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc qua các tỉnh biên giới phía Bắc đều là xuất khẩu tiểu ngạch, nếu không xuất được cũng không thể bán sang thị trường nào khác do không đủ tiêu chuẩn, giải pháp duy nhất là tiêu thụ nội địa. Nhưng khi quay về thị trường nội địa cũng không dễ, do nông sản, trái cây đã nằm trên xe hàng vài chục ngày, ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng. Chỉ riêng tiền hàng, thiệt hại kinh tế của các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây có thể lên đến 2.000 tỷ đồng, chưa kể chi phí vận chuyển trung bình 100 triệu đồng/xe.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết 11 tháng năm 2021, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 1,7 tỷ USD, chiếm 54% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Tuy nhiên, chừng nào Trung Quốc còn theo chiến lược “Zero Covid”, đà tăng trưởng của ngành hàng này sẽ bị đe dọa bởi vận tải hàng hóa ở cả cảng biển và cửa khẩu đều gián đoạn, thời gian thông quan dài.

Mặt khác, cùng với những rào cản về kỹ thuật, thuế quan, xuất khẩu rau quả của của Việt Nam sang thị trường này sẽ khó khăn trong 3-6 tuần dịp Tết Nguyên đán 2022 vì các thuỷ thủ, nhân viên hải quan Trung Quốc sẽ về quê nghỉ Tết, cửa khẩu sẽ tạm nghỉ cho đến khi người lao động hết cách ly và quay trở lại làm việc.

Trước cảnh nông sản được mùa mất giá, nhiều người đặt ra câu hỏi vì sao không chế biến sâu hay xuất khẩu thị trường khác, Tổng Thư ký Vinafruit cho biết doanh nghiệp muốn đưa vào bảo quản lạnh, chế biến cần đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đó là chiến lược của của doanh nghiệp, không phải chuyện ngày một ngày hai.

Bên cạnh đó, mỗi thị trường xuất khẩu lại có tiêu chuẩn chất lượng riêng. Do đó, doanh nghiệp không thể đem trái cây theo tiêu chuẩn Trung Quốc xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản.

Đại diện Vinafruit khuyến cáo doanh nghiệp cần liên tục cập nhật thông tin với chủ hàng Trung Quốc để chuẩn bị và điều tiết hàng hóa. Ngoài ra, nông dân không nên tăng diện tích, sản lượng vào giai đoạn này.