VNReport»Top»5 kỷ lục của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021

5 kỷ lục của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021

16:32 - 31/12/2021

2021 là năm bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam, với các kỷ lục về điểm số, thanh khoản, nhà đầu tư mới …

  1. VN-Index vượt 1.500 điểm

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam thể hiện rõ nhất qua chỉ số VN-Index. Khởi đầu năm ở mức 1.103,87 điểm, VN-Index lần lượt vượt qua các ngưỡng 1.200, 1.300, 1.400 và 1.500 điểm trong năm, liên tục lập những mức kỷ lục mới và kết thúc năm ở mốc 1.498,28 điểm.

Diễn biến VN-Index năm 2021. Nguồn: TradingView.

Diễn biến VN-Index năm 2021. Nguồn: TradingView.

Với mức tăng 35,74% trong năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam có một trong những mức tăng cao nhất thế giới. Năm 2020, Việt Nam cũng được đánh giá là một trong 10 thị trường chứng khoán có khả năng phục hồi và chống chịu tốt nhất thế giới trong thời kỳ đại dịch.

Tuy vậy, thị trường cũng không ít lần gây lo lắng cho nhà đầu tư với ​​những phiên giảm điểm mạnh. Trong đó, đáng chú ý là phiên giảm mạnh 73 điểm trước Tết Nguyên đán do lo ngại làn sóng Covid thứ 3 và đợt bán tháo hồi tháng 7 do làn sóng Covid thứ 4.

Kỳ vọng vào thị trường chứng khoán vẫn còn rất cao. Đại diện quỹ đầu tư PYN Elite cho rằng VN-Index có thể lên đến 2.500 điểm vào cuối năm 2024.

  1. Thanh khoản đạt hàng tỷ USD mỗi phiên

Cách đây chỉ khoảng 2 năm, cột mốc 10.000 tỷ đồng mỗi phiên là điều đáng mơ ước. Tuy nhiên, năm nay, giá trị giao dịch hàng ngày gấp nhiều lần con số này.

Thị trường chứng khoán chứng kiến mức thanh khoản kỷ lục trong năm 2021, đạt trung bình 21,5 nghìn tỷ đồng ở sàn chứng khoán TP HCM (HoSE), cao hơn gấp 3 lần so với 2020. Cao nhất là vào ngày 20/11, khi thị trường ghi nhận phiên giao dịch với 56,3 nghìn tỷ đồng giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng.

Càng về những tháng cuối năm, thanh khoản thị trường càng lên cao, nhiều phiên đạt trên 1 tỷ USD (23.000 tỷ đồng). Mức thanh khoản này cao hơn so với mức bình quân khoảng 18.000 tỷ đồng/phiên trong nửa đầu năm, và gấp nhiều lần so với mức trung bình gần 6.200 tỷ đồng/phiên trong năm 2020.

Thanh khoản tăng mạnh trong bối cảnh chứng khoán trở thành kênh đầu tư hấp dẫn khi dòng tiền nhàn rỗi trong dân lớn. Bên cạnh đó, việc giải quyết tình trạng tắc nghẽn ở HoSE là cơ sở để thanh khoản bứt phá.

Từ đầu năm nay, hệ thống giao dịch của HoSE thường xuyên rơi vào tình trạng đơ, nghẽn lệnh, treo lệnh, bảng lệnh hiển thị sai. Sự cố lên đỉnh điểm vào ngày 1/6, khi sàn ngừng giao dịch do quá tải hệ thống. Đầu tháng 7, hệ thống giao dịch mới của HoSE được FPT chính thức đưa vào vận hành với công suất xử lý 3-5 triệu lệnh/ngày, gấp hơn 3 lần hệ thống cũ.

  1. Hơn 1,3 triệu nhà đầu tư mới tham gia thị trường

Trong thời kỳ đại dịch, thị trường chứng khoán là một kênh đầu tư hấp dẫn khi nhiều người có thêm thời gian và tiền nhàn rỗi trong khi có ít lựa chọn chi tiêu, mua sắm hơn.

Trong 11 tháng đầu năm, có tổng cộng hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới, bằng tổng của 3 năm trước đó cộng lại. Với tốc độ nhà đầu tư F0 tham gia thị trường như hiện nay, mục tiêu 5% dân số đầu tư vào chứng khoán vào năm 2025 của Chính phủ có thể sớm đạt được. Hiện, tổng số tài khoản giao dịch trong nước đạt hơn 3,8 triệu.

Riêng trong tháng 11, gần 221 nghìn tài khoản chứng khoán được mở mới. Đây là con số lớn nhất trong lịch sử 21 năm của thị trường.

Số lượng nhà đầu tư F0 kỷ lục và lượng tiền dồi dào của nhóm này giúp cân bằng áp lực bán ròng của khối ngoại. Nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng hơn 84 nghìn tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm 2021.

  1. Nhiều doanh nghiệp có giá trị vốn hóa hàng tỷ USD

Với đà tăng chung của thị trường, nhiều doanh nghiệp ghi nhận vốn hóa lên đỉnh cao mới. Ở sàn HoSE, có 3 doanh nghiệp đạt mức vốn hóa trên 10 tỷ USD là Vingroup, Vinhomes và Vietcombank

Nếu như cuối tháng 6, HoSE ghi nhận 20 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD thì đến cuối tháng 11, HoSE có 45 doanh nghiệp đạt vốn hóa trên 1 tỷ USD.

Tổng mức vốn hóa của sàn chứng khoán lớn nhất Việt Nam ghi nhận đến cuối tháng 11 đạt hơn 5,7 triệu tỷ đồng (khoảng 245 tỷ USD), đạt khoảng 91% GDP năm 2020.

Năm 2021, vốn huy động qua thị trường chứng khoán ước đạt gần 80 nghìn tỷ đồng, gấp 4 lần năm trước và tương đương với con số kỷ lục của năm 2019.

  1. Khối ngoại bán ròng hơn 60 nghìn tỷ đồng

Năm 2021, khối ngoại bán ròng hơn 62 nghìn tỷ đồng. Đây là con số kỷ lục và cao gấp 4 lần lượng bán ròng của dòng vốn này trong cả năm 2020. Nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu bán ròng kể từ đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 xuất hiện. Đây cũng là xu hướng chung trên các thị trường châu Á bao gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan …

Cổ phiếu HPG của Hòa Phát bị bán ròng mạnh nhất với giá trị hơn 18 nghìn tỷ đồng. Tiếp theo là các cổ phiếu của VP Bank, Vinamilk, Vingroup, Vietinbank, SSI …

Tuy nhiên, đà bán ròng kỷ lục của khối ngoại hoàn toàn lép vế trước lực mua mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân trong nước, giúp hầu hết các cổ phiếu trên tăng giá mạnh.

Nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ cận biên sang mới nổi và đại dịch kết thúc, dòng tiền ngoại có thể đổ mạnh trở lại vào Việt Nam.