VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chứng khoán toàn cầu tăng hai chữ số năm thứ ba liên tiếp

Chứng khoán toàn cầu tăng hai chữ số năm thứ ba liên tiếp

15:50 - 02/01/2022

Chính sách kích thích của các ngân hàng trung ương và chính phủ là động cơ thúc đẩy thị trường chứng khoán toàn cầu.

Thị trường chứng khoán toàn cầu kết thúc năm 2021 với mức tăng 2 con số trong năm thứ 3 liên tiếp, do chính sách tiền tệ lỏng lẻo và một loạt các biện pháp kích thích tài khóa giúp thúc đẩy kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Chỉ số cổ phiếu FTSE All-World tăng 16,7% trong năm 2021, cơ hơn mức tăng 14,1% của năm trước, nhưng thấp hơn so với mức tăng “khủng” 24% của năm 2019 (năm trước đại dịch).

Nhà đầu tư đón năm 2021 nhiều lạc quan, với việc bắt đầu triển khai vaccine và nhu cầu bị dồn nén dự báo giúp hồi sinh nền kinh tế. Các chính sách hỗ trợ từ những ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới cũng giúp đẩy thị trường tài chính tăng cao hơn, cùng với đó là những gói kích thích của chính phủ và sự hồi phục từ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất nhằm kiềm chế Covid-19.

Tỷ lệ % tăng/giảm hàng năm của chỉ số FTSE All-World. Nguồn: Refinitiv và FT.

Tỷ lệ % tăng/giảm hàng năm của chỉ số FTSE All-World. Nguồn: Refinitiv và FT.

Viễn cảnh các ngân hàng trung ương chấm dứt hỗ trợ cho thị trường tài chính, cùng với số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, đe dọa thay đổi tình hình trên vào cuối năm. Tuy nhiên, dù kiềm chế đà tăng, sự biến động mạnh này không gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Chỉ số FTSE All-Word tăng gần 1% so với mức đỉnh vào tháng 9 tính đến hết ngày 31/12.

“Thật không thể tin được”, Kristina Hooper, trưởng chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco cho biết. “Chính sách tiền tệ, kích thích tài chính và triển khai vaccine là những động cơ mạnh mẽ cho cổ phiếu”.

Những điều kiện thuận lợi giúp lợi nhuận của doanh nghiệp phục hồi sau những tổn thất kéo dài vào năm 2020 khi đại dịch đè nặng lên hoạt động kinh tế. Dù lạm phát lên cao, các doanh nghiệp phần lớn chuyển được mức tăng của giá cả sang người tiêu dùng, khi nhu cầu kinh tế vượt quá nguồn cung, cho phép họ hưởng lợi từ sự mở cửa trở lại của nền kinh tế toàn cầu.

Tại Mỹ, tăng trưởng lợi nhuận hàng năm được dự báo đạt 45% sau khi có báo cáo kinh doanh quý IV, mức cao kỷ lục theo dữ liệu của FactSet từ năm 2008.

Sự gia tăng của thị trường chứng khoán toàn cầu đặc biệt rõ rệt ở Mỹ. Chỉ số S&P 500 của Phố Wall tăng gần 27% trong năm nay, dẫn đầu là cổ phiếu năng lượng tăng gần 50% khi giá dầu tăng vọt và theo sau là cổ phiếu bất động sản tăng hơn 40%. Devon Energy đứng đầu chỉ số với mức tăng gần 190%. Tổng cộng có 11 cổ phiếu tăng hơn gấp đôi, bao gồm Ford, Moderna và Marathon Oil.

Điều này đánh dấu sự thay đổi so với 2 năm trước, khi lĩnh vực công nghệ – vẫn đạt mức tăng 33% trong năm 2021 – kéo thị trường tăng cao hơn. Tuy nhiên, các cổ phiếu công nghệ lớn nhất vẫn nằm trong số những cổ phiếu đóng góp hàng đầu vào mức tăng của S&P 500. Quy mô khổng lồ của các cổ phiếu này khiến mức tăng thấp hơn của chúng có tác động nhiều hơn.

6 cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào mức tăng của S&P 500 đều là những tên tuổi công nghệ lớn, dẫn đầu là Microsoft và Apple – 2 công ty lớn nhất thế giới tính theo giá trị vốn hóa thị trường. Những gã khổng lồ này – được định giá lần lượt 2,5 nghìn tỷ và 2,9 nghìn tỷ USD – tăng 51% và 34% trong năm qua.

Công nghệ cũng tiếp tục thúc đẩy các thị trường bên kia bờ Đại Tây Dương lên cao hơn, với mức tăng 22% cho chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu. Điều đó đánh dấu mức tăng tốt thứ 2 của chỉ số này kể từ năm 2009, chỉ thấp hơn mức 23% trong năm 2019.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản cũng có một năm mạnh mẽ, với chỉ số Topix tăng 10,4%, so với mức tăng ít hơn 5% trong năm 2020.

Tuy nhiên, trái ngược với mức tăng mạnh mẽ ở các thị trường phát triển, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm hơn 14% do chịu áp lực từ đợt thắt chắt quy định của Bắc Kinh, đặc biệt nhắm vào lĩnh vực giáo dục và công nghệ. Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đại lục giảm hơn 5%. Điều đó góp phần làm giảm 5,3% chỉ số MSCI Thị trường mới nổi. Một chỉ số tương tự từ MSCI không bao gồm chứng khoán Trung Quốc tăng hơn 9%.

Diễn biến của các chỉ số chứng khoán toàn cầu. Đơn vị: %. Nguồn: FactSet và FT.

Diễn biến của các chỉ số chứng khoán toàn cầu. Đơn vị: %. Nguồn: FactSet và FT.

Bước sang năm 2022, nhà đầu tư vẫn lạc quan một cách thận trọng về khả năng cổ phiếu tiếp tục đi lên.

Số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục gia tăng trên khắp thế giới trong bối cảnh lo ngại về chủng virus mới có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, chi phí hàng hóa và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Việc thị trường chứng khoán biến động chóng mặt sau sự xuất hiện của biến thể Omicron cho thấy niềm tin có thể bị dễ dàng bị lung lay bởi diễn biến bất ngờ của đại dịch.

Đồng thời, việc thắt chặt chính sách tiền tệ có thể là một trở ngại khác trong năm tới. Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất 3 lần vào năm 2022, khi ngân hàng trung ương này có động thái nhằm giảm bớt áp lực lạm phát. Fed cũng vạch ra kế hoạch tăng gấp đôi tốc độ rút lại chương trình mua trái phiếu trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng trong thời kỳ đại dịch.

Tuy nhiên, theo một số nhà đầu tư, giá cổ phiếu tăng nhanh khi so sánh với các loại tài sản khác có nghĩa là chúng sẽ giữ được sức hút trong năm mới, dù vẫn còn những lo ngại. “Tôi nghĩ sẽ có một đợt điều chỉnh cổ phiếu vào cuối quý đầu tiên. Không hẳn là một đợt điều chỉnh kéo dài nhưng vẫn là điều chỉnh”, Andrew Brenner của National Alliance Securities cho biết. “Nhưng không có gì ngăn cản việc cổ phiếu đi lên trong giai đoạn đầu năm”.