VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Khách bay tăng mạnh, vé tàu, xe vẫn ế

Khách bay tăng mạnh, vé tàu, xe vẫn ế

09:33 - 14/01/2022

Trên cuộc đua hút khách cuối năm, tàu và xe khách đang “hụt hơi” so với phương tiện vận tải hành khách máy bay.

Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, nhu cầu hành khách đi trên đường bay TP HCM – Hà Nội và từ TP HCM đi/đến các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc trong giai đoạn vừa qua tăng mạnh trở lại với hệ số sử dụng ghế đều đạt trên 70%. Các hãng cũng đã khai thác hết số lượng chuyến bay đã được phân bổ.

Theo đó, đường bay TP HCM – Hà Nội, các hãng khai thác với tổng tần suất 25 chuyến bay khứ hồi/ngày với hệ số sử dụng ghế đạt 73%. Đường bay TP HCM đi/đến Đắc Lắk, các hãng khai thác với tổng tần suất 9 chuyến bay khứ hồi/ngày, hệ số sử dụng ghế đạt 85%. Các đường bay từ TP HCM đi/đến Lâm Đồng, Hải Phòng, Huế, Gia Lai, Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Bình và Nghệ An khai thác với tổng tần suất 9 chuyến bay khứ hồi/ngày, hệ số sử dụng ghế trên các đường này đều đạt trên 70%.

Ngành hàng không đang chiếm ưu thế trong cuộc đua vận tải hành khách dịp Tết Nguyên đán 2022

Theo báo cáo từ hệ thống đặt giữ chỗ của các hãng hàng không, tỷ lệ khách đặt giữ chỗ trên các đường bay TP HCM – Hà Nội và từ TP HCM đi/đến các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc tăng trở lại, trái ngược so với dự đoán trước đó của các hãng hàng không. Tỷ lệ hành khách đặt giữ chỗ trên hệ thống của các hãng đều trên 50%; trong đó, có những thời điểm tỷ lệ này còn lên đến trên 90%.

Đặc biệt, chặng bay TP HCM – Vinh (Nghệ An) của Vietjet Air đạt 91% vào ngày 18/1/2022 và Vietnam Airlines đạt 92% vào ngày 22/1/2022. Chặng bay TP HCM – Thanh Hóa, tỷ lệ đặt giữ chỗ của Bamboo Airways cao nhất là 87%, Vietjet Air cao nhất là 89% và Vietnam Airlines là 74% hay chặng bay TP HCM – Huế của Vietnam Airlines có tỷ lệ đặt giữ chỗ cao nhất đạt 77% (thời điểm ngày 6/2/2022 đạt 100%), của Vietjet Air cao nhất đạt 85%.

Với kết quả khai thác thời gian vừa qua và tỷ lệ đặt chỗ cho giai đoạn Tết Nguyên đán, có thể thấy nhu cầu đi lại của nhân dân bằng máy bay vào giai đoạn Tết Nguyên đán đã tăng trở lại và là dấu hiệu cho sự phục hồi của ngành hàng không sau một thời gian dài bị đóng băng.

Trái ngược với sự nhộn nhịp của ngành hàng không, các phương tiện vận tải hành khách khác là đường sắt và ô tô khách vẫn chưa thoát khỏi tình trạng ế ẩm dù chỉ nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Mặc dù đã bước vào đợt cao điểm bán vé xe Tết, nhiều nhà xe vẫn đang thấp thỏm chờ hành khách đặt mua vé. Trong khi những năm trước, ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, các nhà xe đã phải sắp xếp phương tiện, lái phụ xe cho những ngày giáp Tết vì lượng khách đặt vé đông.

Theo chia sẻ của các nhà xe tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội), trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, dịp Tết Nguyên đán năm nay vẫn tải hành khách đường bộ sẽ không đạt được số lượng khách như kỳ vọng khi khi sinh viên chưa trở lại học tập. Bên cạnh đó, nhiều người dân e ngại dịch bệnh Covid-19 mà hạn chế di chuyển.

Phó Giám đốc bến xe Nước Ngầm Trịnh Hoài Lam cho biết, đến thời điểm hiện tại, đơn vị chưa nhận được bất kỳ một đăng ký chạy dịp Tết Nguyên đán của nhà xe nào. Nhiều nhà xe vẫn còn dè chừng, e ngại các địa phương dừng việc vận tải hành khách đến và đi do dịch Covid-19. Hành khách thì lo sợ dịch bệnh khi đi trên phương tiện xe khách công cộng mà chuyển sang sử dụng xe cá nhân khiến hoạt động vận tải hành khách đường bộ bị ảnh hưởng rất lớn trong dịp Tết.

Cùng chung nỗi lo với vận tải hành khách đường bộ, Đại diện Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, ngành đường sắt dự kiến cung ứng khoảng 210.000 chỗ cho cả trước và sau Tết. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng mở bán vé tàu Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, vé tàu Tết vẫn ế kỷ lục.

Tính đến ngày 10/12, toàn ngành bán được hơn 6.900 vé cho khách đi tàu giai đoạn 20/1-13/2/2022, doanh thu hơn 8,1 tỷ đồng, mới đạt 19% so với tổng số vé. Trong đó, 4 đôi tàu Thống nhất được hơn 5.780 vé; đôi tàu khu đoạn Sài Gòn – Đà Nẵng được hơn 1.100 vé.

Để thu hút hành khách, ngành đường sắt vẫn giữ giá vé như Tết năm ngoái, đồng thời áp dụng nhiều chính sách như giảm giá cho cá nhân mua vé sớm xa ngày đi tàu đến 40%, giảm giá vé tàu tập thể 2-13%, giảm giá vé tàu khứ hồi. Riêng với hình thức bán vé tàu nguyên khoang, nguyên toa sẽ được áp dụng đến hết ngày 28/2/2022, hành khách mua vé cự ly từ 300 km trở lên vẫn được giảm giá 10-15%, được phục vụ suất ăn miễn phí.

Mặc dù có nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá nhưng nhiều người dân vẫn cho biết, nếu đi đường sắt vẫn mất nhiều thời gian hơn so với đường bộ, hàng không, trong khi đó xét về giá thì vé đường sắt cao tương đương máy bay, cao hơn vé đường bộ. Chính vì vậy, tàu Tết đang dần “hụt hơi” so với các phương tiện vận tải hành khách khác.